Theo đại diện Bộ Y tế, tại Việt Nam, vắc-xin sốt xuất huyết (SXH) chưa được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tuy nhiên, vắc-xin phòng, chống SXH đã được nghiên cứu và phát triển để ngăn ngừa bệnh này.
Hiện đã có vắc-xin Qdenga phòng bệnh SXH, thuộc danh mục vắc-xin được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308 ngày 14-5-2024 của Cục Quản lý Dược. Vắc-xin này đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam.
Sẽ thử nghiệm trong cộng đồng
Một số nghiên cứu vắc-xin trong nước và quốc tế cũng đang tiếp tục được phát triển và thử nghiệm để cung cấp thêm sự lựa chọn phòng, chống bệnh cho người dân.
Vắc-xin phòng chống SXH được đánh giá là “vũ khí” mới trong công tác phòng chống sốt xuất huyết nhằm làm giảm số mắc và hạn chế các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do SXH, góp phần đạt được mục tiêu chung là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Bộ Y tế cho rằng việc đưa vắc-xin phòng, chống SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, đó là bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có vắc-xin bảo đảm tiêm miễn phí cho dân.
Để đưa vắc-xin SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần có các đánh giá gánh nặng bệnh tật, tính an toàn, hiệu quả miễn dịch, đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế vắc-xin phòng, chống SXH.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu các yếu tố trên, sau đó sẽ trình Chính phủ nếu phù hợp. Trước khi đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí cho người dân, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch thử nghiệm trong cộng đồng khoảng 2 năm.
SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue lây truyền qua muỗi vằn. SXH đang lưu hành tại hơn 100 quốc gia, với khoảng 390 triệu ca nhiễm mỗi năm.
Tỉ lệ mắc bệnh toàn cầu tăng gấp 30 lần trong 50 năm do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và nhiều điều kiện thuận lợi cho di chuyển và lưu thông hàng hóa.
Kết hợp nhiều biện pháp phòng chống SXH
Theo Cục Y tế Dự phòng, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, nhưng tuýp virus lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Trong năm 2023, tuýp DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 tuýp DENV-2 chiếm khoảng 70%. Tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc SXH nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến SXH.
Một người có thể mắc SXH nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.
Nếu trước đó, trong giai đoạn 1980-2018, Việt Nam ghi nhận đỉnh dịch 10 năm một lần, thì riêng giai đoạn 2019-2023, Việt Nam trải qua 2 đỉnh dịch SXH vào năm 2019 (với hơn 300.000 ca) và năm 2022 (361.813 ca).
Theo các chuyên gia, SXH gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh SXH, chủ yếu điều trị triệu chứng như chống sốc, lọc máu, thay huyết tương.
Tại Việt Nam, SXH là bệnh truyền nhiễm lưu hành với có số trường hợp mắc cao. Do đó, các chuyên gia cho rằng để công tác phòng chống SXH hiệu quả, triệt để, lâu dài cần phải lồng ghép, phối hợp triển khai đồng bộ với các giải pháp phòng, chống dịch truyền thông như: Giám sát dịch, phòng chống véctơ chủ động (diệt muỗi, diệt loăng quăng), xử lý ổ dịch sớm và triệt để, truyền thông phòng chống dịch…
Nguồn: https://nld.com.vn/de-xuat-tiem-mien-phi-vac-xin-sot-xuat-huyet-196241109112429144.htm