Tôi bị thâm môi hơn một năm nay. Có cách nào điều trị không, liệu trình như thế nào? Thu Thúy (27 tuổi, Phú Yên)
Trả lời:
Thâm môi là tình trạng môi bị sạm màu, chuyển sang màu tối hoặc đen, thay vì giữ được màu hồng tự nhiên. Thâm môi có thể xuất hiện ở vùng viền môi hoặc cả lòng môi, một hoặc cả hai môi.
Các nguyên nhân gây thâm môi như di truyền, lão hóa, nội tiết, tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, viêm nhiễm, chàm môi, bệnh nội khoa khác… Một số thói quen cũng có thể gây thâm môi như uống trà, cà phê nhiều, bặm môi thường xuyên, hút thuốc lá. Sử dụng son môi có chứa hàm lượng chì cao hay cơ địa dị ứng thành phần của son môi có thể gây thâm. Người bệnh bị dị ứng với thuốc giảm đau, hạ sốt, kem đánh răng cũng có thể làm môi bị viêm, tăng sắc tố.
Thâm môi không ảnh hưởng sức khỏe nhưng gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Tình trạng này có thể điều trị được, tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu môi bị thâm nhẹ, bác sĩ có thể kê toa thuốc thoa giúp giảm sắc tố ở môi cho bạn. Trường hợp thâm môi trung bình hoặc nặng có thể điều trị bằng laser, là phương pháp hiện đại và được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này sử dụng ánh sáng với bước sóng có khả năng phá vỡ melanin dưới môi, sau đó được cơ thể đào thải ra ngoài. Ngoài ra, laser hiện đại còn phối hợp laser xung dài có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu làm hồng môi.
Laser có hiệu quả nhanh sau vài lần thực hiện, không đau, không cần nghỉ dưỡng. Tùy theo tình trạng thâm môi ở mỗi người mà bác sĩ chỉ định loại laser phù hợp. Trường hợp môi thâm do tăng sắc tố sau viêm nhiễm, do tia UV… có thể được điều trị bằng laser pico với bước sóng cực ngắn, phá vỡ hạt melanin, giúp môi sáng màu hơn.
Trường hợp môi thâm kèm lão hóa có thể điều trị bằng công nghệ laser 4D dynamics. Đây là công nghệ laser hiện đại và tiên tiến giúp môi tăng sinh collagen, loại bỏ lớp biểu mô xỉn màu, làm hồng môi tự nhiên. Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ứng dụng cả hai công nghệ này để điều trị thâm môi. Số lần thực hiện liệu trình phụ thuộc vào đáp ứng của mỗi người, dao động khoảng 4-5 lần, cách nhau mỗi hai tuần.
Bạn nên đến khám tại cơ sở uy tín để bác sĩ đánh giá tình trạng môi, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu. Khi điều trị bằng laser, bạn có thể được chỉ định thêm một số sản phẩm thoa giúp đôi môi khỏe mạnh hơn, nhanh phục hồi và giảm thâm.
Ngoài điều trị bằng các phương pháp trên, nhiều người lựa chọn xăm phun để hết thâm môi. Tuy nhiên, phun xăm môi cũng có thể gây ra một số biến chứng như nhiễm trùng do dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, chất lượng mực xăm không tốt, rải mực lên môi không đều, chăm sóc sau phun xăm không đúng cách.
Bạn nên điều chỉnh thói quen làm môi hồng như uống đủ nước, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, tẩy tế bào chết cho môi, dùng son dưỡng, tránh dùng son kém chất lượng. Không nên tẩy da chết môi quá 1-2 lần mỗi tuần, có thể làm khô và bong tróc môi.
Thạc sĩ bác sĩ CKI Trần Nguyễn Anh Thư
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu – thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/dieu-tri-tham-moi-co-het-khong-4837815.html