Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeThế GiớiĐội quân MAGA chắp cánh cho các quyết sách của ông Trump

Đội quân MAGA chắp cánh cho các quyết sách của ông Trump

Hàng loạt tổ chức nghiên cứu với nền tảng MAGA ra đời gần đây, với mục tiêu thúc đẩy các chính sách và duy trì ảnh hưởng của Tổng thống Trump.

8 năm trước, khi nhậm chức lần đầu tiên, Tổng thống Donald Trump được nhìn nhận như một “kẻ ngoại đạo” trên chính trường Mỹ và ít được các chuyên gia chính sách lâu năm coi trọng, dù ông có nhiều phát biểu, động thái gây sốc.

Hiện tại, Tổng thống Trump có một đội ngũ hùng hậu các nhóm nghiên cứu và nhà vận động chính sách ủng hộ, biến những tuyên bố của ông thành chính sách, tham gia đào tạo đội ngũ cấp dưới cho ông và cạnh tranh nhau để gây ấn tượng với ông chủ Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hôm 10/2. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hôm 10/2. Ảnh: Reuters

Tất cả đều muốn được coi là một phần trong “đội quân” chuyên gia “Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại” (MAGA), lấy cảm hứng từ câu khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng của ông Trump, người luôn tự hào về phong cách hành động theo trực giác và ít quan tâm tới quy trình chính sách truyền thống.

Điều này có nghĩa khi Tổng thống nói muốn đổi tên Vịnh Mexico, biến Gaza thành “Riviera Trung Đông”, mua lại Greenland hay chấm dứt chính sách cấp quyền công dân theo nơi sinh, những ý tưởng đó trở thành đề bài để họ cùng giải và đưa ra những lập luận bảo vệ hợp lý nhất.

Hàng loạt nhóm nghiên cứu MAGA đã ra đời, như Trung tâm Đổi mới Mỹ hay Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết, bên cạnh các tổ chức tuyển dụng, đào tạo MAGA, như Khoảnh khắc Mỹ, hay vườn ươm MAGA, như Viện Đối tác Bảo thủ.

Tất cả đều nhằm mục đích không chỉ củng cố mà còn vạch ra chiến lược để duy trì quyền lực và ảnh hưởng của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ hai, theo giới quan sát.

Nếu chính quyền Trump đầu tiên được hỗ trợ bởi một nhóm hỗn tạp, liên tục đấu đá lẫn nhau, nội các nhiệm kỳ thứ hai của ông đã trở nên hoàn chỉnh và kín kẽ hơn. Hàng chục quan chức chính quyền nhiệm kỳ đầu tiên và các đồng minh khác của Tổng thống đang ủng hộ ông từ bên ngoài, thông qua ảnh hưởng từ các nhóm nghiên cứu, tổ chức phi lợi nhuận và những tổ chức khác.

Đảng Dân chủ từ lâu đã dựa vào Trung tâm Tiến bộ Mỹ, Viện Đô thị và Trung tâm Ưu tiên Ngân sách và Chính sách, cùng một số nhóm khác, để xây dựng nền tảng học thuật, nghiên cứu cho chính sách của mình. Đối với Đảng Cộng hòa, trong nhiều thập kỷ, nền tảng này đến từ các nhóm như Quỹ Di sản, Viện Cato và Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Nhưng cuộc “thay máu” chính trị mà ông Trump đang thực hiện đã đánh bật nhiều trụ cột cũ khỏi vị trí được ca ngợi của họ, tạo khoảng trống cho các nhóm MAGA vươn lên.

Trung tâm Đổi mới Mỹ (CRA), do Russ Vought, giám đốc ngân sách của Tổng thống Trump, thành lập, là một tổ chức như vậy, tự định vị mình như một Quỹ Di sản MAGA nhưng nhanh nhẹn và thức thời hơn.

Russ Vought xuất hiện trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện tại Washington hôm 22/1. Ảnh: AP

Russ Vought xuất hiện trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện tại Washington hôm 22/1. Ảnh: AP

Trong khoảng một tuần trở lại đây, CRA đã phát hành các báo cáo chuyên đề, đưa ra lập luận học thuật về việc chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, hạn chế các tổ chức phi chính phủ hay tái cấu trúc NATO.

Nhiều ý tưởng trong số này thách thức các ranh giới pháp lý. Ví dụ, quyền công dân theo nơi sinh, hay quy định “sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ” được ghi trong hiến pháp, song Tổng thống Trump khi nhậm chức đã ký sắc lệnh xóa bỏ điều này. Và một số cơ quan đang bị Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) của tỷ phú Elon Musk và Vought nhắm tới là các tổ chức được thành lập theo đạo luật của quốc hội và chỉ cơ quan lập pháp này mới có quyền giải thể.

“Khi bạn ở trong chính quyền, bạn phải tập trung vào giải quyết những công việc cấp bách nhất”, Eric Teetsel, giám đốc điều hành CRA, nói. “Chúng tôi tin vào những chân lý và nguyên tắc vượt thời gian, nhưng chúng tôi cũng không gắn bó với các quy định chính sách của một thời đại cũ, vì chúng tôi là người mới. Vì vậy, chúng tôi có thể áp dụng những chân lý và nguyên tắc vượt thời gian đó vào các câu hỏi của hôm nay để trở nên nhanh nhạy hơn”.

Một cựu quan chức chính quyền giấu tên, đồng minh của Tổng thống Trump, mô tả CRA là một nhóm MAGA “thực sự có mục tiêu rõ ràng”, dựa trên nền tảng “thế giới quan Cơ đốc giáo” và đặc biệt mạnh mẽ khi nghiên cứu về các quy trình, thủ tục.

Theo Rachel Bovard, phó chủ tịch Viện Đối tác Bảo thủ, viện nghiên cứu đã quyên góp cho CRA hai triệu USD trong hai năm đầu tiên hoạt động từ 2021 đến 2022, CRA và các nhóm tương tự có nhiệm vụ “tạo ra thêm giá trị học thuật cho những gì chính phủ muốn làm”.

Nếu ông Trump muốn giải thể một cơ quan liên bang như Bộ Giáo dục, các nhóm này sẽ đặt nền móng. Nếu Tổng thống muốn áp đặt thuế quan toàn diện với một đối tác thương mại, họ sẽ lên kế hoạch thuyết phục người dân Mỹ ủng hộ ông. Và nếu Tổng thống quyết định điều gì đó ngẫu hứng như đổi tên Vịnh Mexico, họ sẽ vạch nền tảng chính sách để ông tìm cách thực hiện, Bovard giải thích.

Nhiệm vụ mà Bovard nhắc đến cũng là mục tiêu mà Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết (AFPI) hướng tới trong 4 năm ông Trump không tại nhiệm. Họ đã huy động được 29 triệu USD, tuyển dụng 94 nhân viên và có tới 437 tình nguyện viên vào năm 2023.

Nhưng nhiều thành viên nhóm đã tham gia chính quyền, trong đó có người sáng lập Brooke Rollins, hiện là Bộ trưởng Nông nghiệp, khiến nhiều người không chắc về vai trò tương lai của AFPI.

Thực tế, không ít gương mặt giúp thành lập các nhóm MAGA, như Vought, Rollins hay Stephen Miller, phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách, đã gia nhập chính quyền Trump. Miller là người thành lập tổ chức Pháp lý Nước Mỹ Trên hết, tự định vị mình là Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) của cánh hữu.

Công việc của họ không chỉ giúp lãnh đạo các nhóm MAGA tạo dựng ảnh hưởng chính trị, mà còn tạo ra cả lợi nhuận. Ví dụ, Rollins đã nhận được hơn 500.000 USD tiền bồi hoàn từ AFPI vào năm 2023, theo hồ sơ khai thuế.

Một số người bảo thủ cho rằng cơ hội được tiếp cận với Tổng thống Trump đã trở thành động lực cho nhiều nhóm MAGA, thúc đẩy họ thể hiện lòng trung thành thay vì thực hiện vai trò thẩm định chuyên môn các ý tưởng một cách độc lập.

“Họ không phải những nhóm bên ngoài. Họ chỉ là biến thể của các nhóm bên trong chính quyền”, một cựu quan chức Quỹ Di sản cho biết.

Trong khi Quỹ Di sản vẫn là trung tâm tri thức chuyên môn bảo thủ ở Washington, nhiều người trong thế giới MAGA tin rằng ảnh hưởng của nó đã bị suy yếu do việc tham gia vào Dự án 2025, tài liệu gồm các đề xuất theo hướng bảo thủ bị chỉ trích là “cực đoan”, do nhiều người liên quan đến Tổng thống Trump soạn thảo.

Những hành động đầu tiên của Tổng thống Trump bám khá sát Dự án 2025, song Quỹ Di sản vẫn không thể giữ vững vị thế được ca ngợi vốn có trong các chính quyền Cộng hòa trước đây.

Những năm gần đây, tổ chức nghiên cứu này đã cố gắng thực hiện chương trình nghị sự MAGA, nhưng nhiều người trong cuộc cho rằng Quỹ Di sản thiếu khả năng ứng biến nhanh nhẹn như các tổ chức mới thành lập, do có quy mô lớn và nền tảng quyên góp quá rộng.

“Chính quyền hiện nay không quan tâm đến tính nhất quán về mặt ý thức hệ mà Quỹ Di sản đã nuôi dưỡng”, một người bảo thủ từng làm việc chặt chẽ với Quỹ cho hay.

Trong lúc Quỹ loay hoay tìm chỗ đứng với đảng Cộng hòa mới, các nhóm như Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết họ phản đối việc cải tổ toàn diện theo hướng MAGA. Nhóm thể hiện nhiều điểm đồng nhất với chính quyền Trump về chính sách giáo dục, song lại khác biệt ở hàng loạt vấn đề khác, đặc biệt là thương mại.

“Chúng tôi hài lòng về việc có thể bảo vệ được khả năng độc lập và uy tín của mình bằng cách nêu lên vấn đề theo cách chúng tôi nhìn nhận, cho phép các học giả của chúng tôi thoải mái ủng hộ cũng như phê phán các chính sách, lập trường hay hành động mà Tổng thống Trump thực hiện”, Robert Doar, chủ tịch Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho hay.

“Tôi không nghĩ việc luôn tán thành quan điểm, hành động của chính quyền mà không suy nghĩ hay phản biện sẽ giúp ích cho họ”, ông nói thêm.

Người ủng hộ ông Trump tại sự kiện vận động ở thành phố Allentown, bang Pennsylvania, hồi tháng 10/2024. Ảnh: AFP

Người ủng hộ ông Trump tại sự kiện vận động ở thành phố Allentown, bang Pennsylvania, hồi tháng 10/2024. Ảnh: AFP

Tồn tại đâu đó ở giữa là các nhóm nghiên cứu như Compa Mỹ, với cách tiếp cận bảo thủ, theo chủ nghĩa dân tộc về chính sách kinh tế nhưng không định vị mình hoàn toàn là phong trào MAGA.

Compa Mỹ nhìn chung ủng hộ chương trình nghị sự của chính quyền Trump ở hầu hết các khía cạnh, nhưng không cam kết trung thành 100% với ông.

“Bạn cần duy trì danh tiếng để tuyên bố rằng ‘chúng tôi thực sự có thể đánh giá đúng đắn và công bằng một vấn đề nào đó'”, Abigail Ball, giám đốc điều hành Compa Mỹ, nói.

Nhưng nhìn chung, Compa Mỹ hiện tập trung vào việc tìm ra những gì sẽ xảy ra tiếp theo. “Chúng tôi luôn coi ông Trump là một lãnh đạo chuyển tiếp. Chúng tôi cần tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra sau khi ông ấy mãn nhiệm”, Ball cho hay.

Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)

Nguồn: https://vnexpress.net/doi-quan-maga-chap-canh-cho-cac-quyet-sach-cua-ong-trump-4850749.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay