Những thay đổi này khiến không ít phụ huynh lo ngại về sức khỏe và thói quen ăn uống của con.
Lo trẻ ăn uống thiếu điều độ trong Tết
Chị Đoàn Thị Nhàn (37 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày Tết nhà nào cũng đầy bánh kẹo, nước ngọt. Các con tôi thích lắm, nhưng chúng cứ ăn liên tục, bỏ bữa chính. Tôi lo con bị đau bụng hay mất cân bằng dinh dưỡng. Biết là Tết phải thoải mái, nhưng tôi không biết kiểm soát thế nào cho hợp lý”.
Anh Tuấn Anh (40 tuổi, Đà Nẵng) cũng lo lắng: “Gia đình tôi thường đi chúc Tết họ hàng, ở đó trẻ con hay được mời ăn đồ ngọt, thức ăn nhanh. Tôi lo cháu tăng cân và kén ăn khi quay lại nhịp sống bình thường, không biết làm sao để vừa giữ thói quen ăn uống lành mạnh cho con, vừa cho con vui Tết”.
Bác sĩ Ngô Thị Xuân Bích, khoa dinh dưỡng – tiết chế Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, cảnh báo việc ăn uống thiếu điều độ trong Tết dễ gây rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hay táo bón. Trẻ ăn vặt liên tục sẽ cảm thấy no bụng, bỏ bữa chính, ảnh hưởng đến hấp thu dinh dưỡng và có thể thiếu hụt vitamin, ảnh hưởng sự phát triển thể chất.
Thói quen ăn quá nhiều đồ ngọt còn làm tăng nguy cơ bệnh răng miệng như sâu răng và viêm nướu. Với trẻ thừa cân, béo phì hoặc mắc các bệnh lý như tiểu đường, tim mạch, tăng mỡ máu…, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ chiên rán và nước ngọt, dẫn đến tăng cân mất kiểm soát và rối loạn đường huyết.
Để hạn chế tác động tiêu cực, bác sĩ Bích khuyên phụ huynh chuẩn bị các món ăn vặt lành mạnh như sữa chua, bánh sữa chua, trái cây tươi và thay nước ngọt có gas bằng nước lọc, nước ép trái cây. Khuyến khích trẻ tham gia chuẩn bị các món ăn cũng tạo hứng thú.
Thay vì cấm đoán, phụ huynh nên kiểm soát khẩu phần ăn vặt của trẻ, ví dụ giới hạn 2 viên kẹo hoặc 2 mẩu bánh mỗi ngày. Ngoài ra, hãy trò chuyện với trẻ để giúp chúng hiểu tác hại của việc ăn quá nhiều đồ ngọt và thức ăn chiên rán.
Với nhiều hoạt động vui chơi và thăm họ hàng trong Tết, giờ giấc ăn uống của trẻ có thể bị xáo trộn. Bà Bích nhấn mạnh: “Cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, đặc biệt đảm bảo ba bữa chính hằng ngày. Thời gian các bữa ăn có thể điều chỉnh nhưng không nên bỏ bữa. Các bữa chính nên hấp dẫn, đa dạng và bắt mắt. Khi đi chơi xa, phụ huynh có thể chuẩn bị bữa ăn gọn nhẹ. Việc khuyến khích trẻ tham gia nấu ăn cùng gia đình cũng giúp trẻ hứng thú hơn và duy trì thói quen lành mạnh”.
Tạo không khí vui vẻ, không ép buộc
Tiến sĩ Lê Thị Lâm, giảng viên khoa tâm lý – giáo dục Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, cho biết khi ép trẻ ăn uống theo ý người lớn, trẻ có thể cảm thấy bị áp lực và không thoải mái, điều này khiến trẻ mất hứng thú với bữa ăn và có thể phản kháng hoặc không thích ăn các bữa sau. Để giúp trẻ ăn uống khoa học và tự giác hơn, phụ huynh có thể áp dụng các phương pháp khuyến khích. Một trong số đó là để trẻ tự chọn món ăn, đặc biệt là các món bổ dưỡng. Khi trẻ cảm thấy mình có quyền lựa chọn, chúng sẽ tự tin hơn và dễ dàng ăn uống đúng cách.
Bên cạnh đó phụ huynh cũng chính là hình mẫu cho trẻ về thói quen ăn uống lành mạnh. Nếu cha mẹ ăn uống lành mạnh và vui vẻ, trẻ sẽ học theo và hình thành thói quen tốt. Cùng nhau ăn cơm, rau và trái cây cũng giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.
Tiến sĩ Lâm nhấn mạnh không nên ép buộc trẻ ăn uống, thay vào đó, tạo không gian thoải mái để trẻ ăn uống theo nhu cầu của mình nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Ngoài ra khi trẻ được ông bà và người thân chiều chuộng, dễ hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh, như ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc đồ chiên rán. Nếu không được hướng dẫn đúng cách, trẻ có thể không hiểu được tầm quan trọng của việc ăn uống khoa học.
Để duy trì sự cân bằng giữa niềm vui Tết và thói quen ăn uống lành mạnh, phụ huynh có thể thử những cách đơn giản như tạo không khí vui vẻ mà không ép buộc. Hãy để trẻ thưởng thức những món ăn Tết yêu thích, nhưng vẫn nhớ bổ sung đủ các món bổ dưỡng như cơm, rau và trái cây.
Thay vì cấm đoán, hãy nhẹ nhàng giải thích cho trẻ về tác hại của việc ăn quá nhiều đồ ngọt hay chiên rán, đồng thời làm rõ lợi ích của các món ăn khác đối với sức khỏe. Khi trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc ăn uống cân đối, chúng sẽ tự giác hơn. Bà Lâm cũng khuyên phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời sau bữa ăn như đi dạo, chơi thể thao hoặc tham gia các trò chơi Tết, giúp trẻ vận động và gắn kết gia đình.
“Ba mẹ nên giữ tinh thần thoải mái và vui vẻ, tránh tạo áp lực cho trẻ. Tết là dịp để gia đình nghỉ ngơi và tận hưởng, vì vậy không nên căng thẳng về vấn đề ăn uống. Nếu có thể, ba mẹ hãy để trẻ tham gia vào việc chuẩn bị các bữa ăn lành mạnh. Điều này không chỉ giúp trẻ học hỏi mà còn khiến trẻ hứng thú với những món ăn bổ dưỡng. Giữ tâm lý thoải mái và hướng dẫn nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ có một kỳ Tết vui vẻ, khỏe mạnh và trọn vẹn”, bà Lâm nói.
Cha mẹ có thể giữ nhịp sinh hoạt, ăn uống bằng cách cho trẻ tham gia các trò chơi vui tươi, lành mạnh
Nguồn: https://tuoitre.vn/dung-de-tre-lech-nhip-an-uong-ngay-tet-20250122100603899.htm