Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân, bài đăng của một cô vợ đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Chuyện là cô đang mang thai con đầu lòng, dù chưa sinh con nhưng hiện tại, cô đã nghỉ làm, chi tiêu trong nhà phụ thuộc hoàn toàn vào chồng.
Mỗi tháng, chồng sẽ cho cô 7 triệu tiền tiêu vặt và dự tính sau khi sinh con, cô sẽ ở nhà chăm con toàn thời gian. Anh vẫn cho cô 7 triệu/tháng, tiền ăn uống có mẹ chồng lo, tiền bỉm sữa của con, chồng cô sẽ lo.
“Chồng mình thu nhập khoảng 25 triệu/tháng. Tiền cho thuê nhà khoảng 9 triệu/tháng. Tổng cộng là 34-35 triệu/tháng. Lương chồng mình anh toàn quyền giữ. Mỗi tháng chồng mình chuyển riêng cho mình 7 triệu để tiêu xài cá nhân.
Anh dự tính sau khi sinh con xong, mình không cần đi làm mà ở nhà toàn thời gian chăm sóc con. Anh vẫn cho mình 7 triệu tiêu riêng, tiền ăn mẹ chồng lo, tiền cho con anh lo. Chồng mình thì muốn mình toàn tâm chăm con đến khi con học xong cấp 1, vì anh nói mình đi làm công ty lương không cao mà chi phí gửi nhà trẻ lại cao, không bằng chính mình chăm lo cho con.
Nhưng mình lại có cảm giác phụ thuộc quá nhiều vào nhà chồng…” – Cô viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều đồng tình, ra sức khuyên cô nên bàn bạc lại với chồng về việc này.
Tựu trung lại, tất cả đều đồng tình rằng việc chăm và nuôi con là quan trọng, nhưng cũng không nên vì thế mà người mẹ phải hy sinh công việc, sự nghiệp cá nhân để sống phụ thuộc vào chồng.
Kiếm tiền là 1 chuyện, vấn đề quan trọng hơn là không đi làm, phụ nữ khó mà mở rộng được mối quan hệ, ngày càng dễ thu mình, dễ bị “lụt nghề”, trở nên tự ti. Chưa kể, nếu không may hôn nhân có trục trặc, việc phải phụ thuộc kinh tế vào chồng cũng là điều không tốt. Phụ nữ đi làm, có công việc riêng sẽ tự tin hơn nhiều.
Nên chuẩn bị tài chính thế nào trước khi sinh con?
1 – Mua bảo hiểm y tế/bảo hiểm sức khỏe kèm theo bảo hiểm thai sản
Nhắc tới bảo hiểm thai sản, nhiều người vẫn thường lầm tưởng rằng đây là một loại bảo hiểm độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế, bảo hiểm thai sản chỉ là một quyền lợi bổ sung của bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm sức khỏe.
Trong trường hợp bản thân đang có dự định “thả bầu”, bạn nên mua bảo hiểm y tế/bảo hiểm sức khỏe kèm theo bảo hiểm thai sản để được chi trả chi phí thăm khám trong quá trình mang thai và sinh con.
Để được chi trả và nhận quyền lợi ở mức tối đa khi mua bảo hiểm thai sản, bạn cần tìm hiểu và nắm rõ khái niệm “thời gian chờ”. Phần lớn các sản phẩm bảo hiểm thai sản hiện nay đều áp dụng mức thời gian chờ là 270 ngày.
Điều này có nghĩa là nếu bạn sinh con trong vòng 270 ngày sau khi mua bảo hiểm thai sản, bạn có thể sẽ không được tối đa quyền lợi của bảo hiểm thai sản.
2 – Lên kế hoạch tiết kiệm một khoản riêng phục vụ công cuộc bỉm sữa
Cần nhấn mạnh rằng đây là khoản tiết kiệm độc lập, chỉ dùng để phục vụ việc nuôi con chứ hoàn toàn không còn mục đích nào khác ở đây. Chính bởi thế, bạn cần tự mình làm rõ 3 vấn đề dưới đây:
– Mình sẽ nuôi con bằng sữa mẹ 100% hay kết hợp sữa mẹ và sữa công thức?
– Khi hết 6 tháng nghỉ thai sản, có thể nhờ ông bà hỗ trợ trông cháu để mình đi làm lại không, hay sẽ phải thuê giúp việc?
– Mình muốn nuôi con theo kiểu “tiết kiệm tối đa” hay “chi mạnh hết mức”?
Tự làm rõ được những vấn đề này rồi, tự khắc bạn sẽ tìm ra được mức ngân sách cho việc nuôi con hàng tháng, từ đó chuẩn bị được tài chính nuôi con.
Nguồn: https://kenh14.vn/duoc-chong-cho-7-trieu-thang-de-tieu-vat-nhung-kem-theo-1-dieu-kien-nghe-xong-tat-ca-deu-dong-long-khuyen-co-vo-dung-dai-215241228211520561.chn