Cảnh giác với các loại kẹo, thuốc giảm cân trôi nổi
Tại chương trình tư vấn trực tuyến về giảm cân đón Tết, vừa diễn ra ở TPHCM, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Võ Nguyên Duy cho biết, các nghiên cứu y học đã cho thấy mối liên quan giữa cân nặng và các bệnh lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Có rất nhiều cách, phương tiện để đánh giá về thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống nhất sử dụng mốc chẩn đoán là chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này có sự khác biệt giữa khu vực châu Á và châu Âu.
Tại khu vực châu Âu, BMI ở mức 25-30 (kg/m2) là thừa cân, trên 30 là béo phì. Còn tại khu vực châu Á, BMI 23-25 là thừa cân, trên 25 là béo phì.
Với tình trạng người thừa cân, béo phì ngày một gia tăng, nhu cầu giảm cân là rất chính đáng. Vì thế, hàng loạt các cơ sở spa, thẩm mỹ, làm đẹp đã triển khai dịch vụ giảm cân, giảm mỡ. Mặc dù vậy, không phải nơi nào cũng được cấp phép và thực hiện giảm cân chuẩn y khoa, an toàn.
Thậm chí, có những nơi thực hiện các cách giảm cân phản khoa học. Theo bác sĩ Duy, giảm cân hiệu quả cần phải thực hiện bằng các biện pháp đã được khoa học chứng minh, cá thể hóa một cách toàn diện, từ dinh dưỡng hợp lý, chế độ vận động phù hợp, tư vấn tâm lý kết hợp dùng thuốc, phẫu thuật với những trường hợp chọn lọc.
Trước thắc mắc của nhiều người dân về những loại kẹo, thuốc giảm cân được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, bác sĩ Duy cho biết, hiện Bộ Y tế mới công nhận 2 loại thuốc giảm cân dạng uống và dạng tiêm.
Bác sĩ Duy chia sẻ, thực tế nơi anh làm việc đã gặp nhiều trường hợp suy gan, suy thận khi sử dụng các chế phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc. Do đó, bác sĩ Duy khuyên người dân không nên dùng những chế phẩm không được Bộ Y tế cấp phép, tránh gặp phải những biến chứng đáng tiếc về sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Thị Thùy Dung cho biết thêm, khi đi khám thừa cân, béo phì, người bệnh cần được đo chỉ số “InBody”. Đây là phương pháp dùng công nghệ phân tích trở kháng điện sinh học để đánh giá các thành phần chính trong cơ thể như mỡ, cơ và nước.
Kết quả đo cung cấp các chỉ số như BMI, lượng mỡ nội tạng, vị trí phân bố mỡ, khối lượng cơ bắp… giúp bác sĩ đánh giá tổng quát, toàn diện tình trạng, từ đó định hình mục tiêu luyện tập, xây dựng chế độ dinh dưỡng.
Cùng với đó, người bệnh được làm các xét nghiệm để đánh giá nguyên nhân, biến chứng của thừa cân, béo phì cũng như các tác động của tình trạng này đối với các bệnh như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, huyết áp, tim mạch…
Buồng trứng đa nang có gây béo phì?
Giải đáp câu hỏi về tình trạng buồng trứng đa nang có liên quan đến thừa cân, béo phì không, bác sĩ Dung cho biết, buồng trứng đa nang là một trong những bệnh nội tiết phổ biến ở phụ nữ. Nếu không được điều trị, bệnh ngoài gây vô sinh có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có béo phì.
Biểu hiện của bệnh này thường là chu kỳ kinh nguyệt không đều, thiểu kinh (ít hơn 9 kỳ kinh nguyệt trong năm) hoặc vô kinh.
Một số nghiên cứu cho thấy, tăng cân, béo phì có thể góp phần vào sự phát triển của buồng trứng đa nang, ngược lại đa nang buồng trứng cũng gây béo phì hoặc thừa cân.
Biện pháp hạn chế đa nang buồng trứng gây béo phì là giảm cân, không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mà còn giúp người bệnh cảm thấy khỏe hơn.
Khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang, chỉ cần giảm 10% khối lượng cơ thể, chu kỳ kinh nguyệt sẽ có thể trở lại bình thường.
Giảm cân cũng giúp giảm một số triệu chứng khác của hội chứng buồng trứng đa nang. Việc giảm khối lượng cơ thể, cải thiện độ nhạy cảm insulin sẽ làm giảm nguy cơ tiểu đường, tiền tiểu đường, bệnh tim cùng các biến chứng khác.
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay nhiều người có tâm lý muốn giảm cân nhanh, cấp tốc để có thân hình thon gọn đón Tết. Dù vậy, việc giảm cân quá nhanh, quá nhiều sẽ có bất lợi cho cơ thể. Thay vào đó, giảm cân cần hiệu quả và an toàn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/giam-can-don-tet-canh-giac-spa-deu-va-cac-loai-keo-thuoc-troi-noi-20250104102705142.htm