Viêm gan A, tiêu chảy, kiết lỵ, liên cầu lợn… có thể lây truyền qua thực phẩm không an toàn.
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết mâm cơm Tết thường được nhiều gia đình chuẩn bị từ sớm, công phu. Tuy nhiên, một số thực phẩm dễ nhiễm bẩn, không được bảo quản đúng cách hoặc không được chế biến kỹ, làm lây nhiễm các mầm bệnh dưới đây:
Viêm gan A
Virus viêm gan A (HAV) có thể tồn tại ngoài cơ thể trong thời gian dài, như nhiều tháng khi sống trong nước, tồn tại đến bốn giờ trên bàn tay. Mầm bệnh lây truyền qua nguồn nước ô nhiễm, đồ dùng cá nhân chung và thực phẩm bẩn. Người chế biến thực phẩm mắc viêm gan A cũng có thể truyền bệnh khi phục vụ trong bếp ăn tập thể.
Triệu chứng của người nhiễm virus trong hai đến ba tuần đầu gồm: mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, chán ăn, sốt nhẹ, vàng da và mắt. Virus có thể gây tổn thương tế bào gan, ảnh hưởng đến chức năng gan và dẫn đến suy gan mạn tính.
Tiêu chảy
Trong dịp Tết Nguyên đán, các gia đình thường trữ thực phẩm tươi sống như thịt lợn, bò, gà cùng hải sản và rau quả. Nếu không được tiệt trùng hoặc ăn sống, chúng có thể nhiễm vi khuẩn salmonella, E.coli, Campylobacter,tả, rotavirus, norovirus… gây tiêu chảy. Bệnh có thể lây gián tiếp qua động vật trung gian như ruồi nhặng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh tiêu chảy cấp có tỷ lệ tử vong cao toàn cầu, chủ yếu ở trẻ em. Hàng năm có khoảng 4 tỷ người bị tiêu chảy cấp với khoảng 1,6 triệu trường hợp tử vong ở trẻ dưới năm tuổi.
Liên cầu lợn
Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người qua vết thương hoặc trầy xước da khi giết mổ hay chế biến thịt chưa kỹ. Vi khuẩn này có thể gây ra viêm phổi, màng não và nhiễm trùng huyết với tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.
Cách phòng ngừa
Theo bác sĩ Cầm, các bệnh trên có thể phòng ngừa bằng cách sử dụng nguồn nước sạch và giữ vệ sinh môi trường sống. Người dân nên ăn chín uống sôi và tránh giết mổ hoặc ăn thịt gia súc gia cầm bị bệnh. Khi giết mổ, mọi người cần đeo khẩu trang và găng tay để tránh tiếp xúc với dịch hoặc máu động vật. Người có biểu hiện bệnh sốt, đau bụng cần điều trị sớm tại cơ sở y tế, không tự chữa theo mẹo dân gian.
Các bệnh như viêm gan A, tiêu chảy do rotavirus, tả, thương hàn có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Vaccine phòng viêm gan A loại đơn và kết hợp phòng thêm viêm gan B. Mũi đơn chỉ định cho người từ 12 tháng đến dưới 16 tuổi hoặc từ 24 tháng đến dưới 18 tuổi tùy vào loại vaccine, hai liều cách nhau tối thiểu 6 tháng. Còn mũi kết hợp dành cho trẻ em từ 12 tháng tuổi và người lớn. Vaccine thương hàn dành cho người từ 2 tuổi, nhắc lại mỗi ba năm.
Với tiêu chảy do rotavirus, hiện có vaccine dạng uống khi trẻ 6-24 tuần tuổi, phác đồ hai liều; hoặc loại uống ba liều dành cho trẻ 7,5 – 32 tuần. Còn tả có vaccine dạng uống gồm hai liều cách nhau 14 ngày.
Trong quá trình sơ chế thức ăn, nếu xảy ra vết thương, mọi người nên tiêm vaccine phòng uốn ván, phác đồ tùy theo lịch sử tiêm chủng và chỉ định của bác sĩ.
Linh San
Nguồn: https://vnexpress.net/ba-mam-benh-truyen-nhiem-co-trong-thuc-pham-khong-an-toan-4842509.html