Khác với các chính phủ bảo thủ trước đây, Chính phủ do Công đảng tại Anh lãnh đạo chủ trương cải thiện mối quan hệ với EU và đã có hàng loạt bước đi mạnh mẽ, quyết liệt giữa lúc tình hình địa chính trị trong khu vực và trên thế giới có nhiều biến động. Chuyến công du Pháp dự lễ kỷ niệm Ngày đình chiến ở Paris vừa qua của Thủ tướng Anh Keir Starmer được các nhà lãnh đạo hai bên đánh giá là “thời khắc quan trọng” cho quan hệ hai nước, khi ông Starmer trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Vương quốc Anh dự sự kiện kỷ niệm quốc gia của Pháp kể từ năm 1944.
Chuyến thăm Pháp của ông Keir Starmer diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và có nhiều câu hỏi được đặt ra về sự ủng hộ của ông Trump đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như Ukraine trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Pháp và Anh là hai quốc gia châu Âu có vị thế, tiếng nói quan trọng trong NATO. Chuyến thăm nêu trên cũng được giới chuyên gia nhận định là nỗ lực duy trì sự đoàn kết, thống nhất tại châu Âu khi Tổng thống đắc cử Mỹ có xu hướng hạn chế sự can dự của Xứ Cờ hoa vào các cuộc xung đột quốc tế và chỉ trích các nước châu Âu về chi tiêu quốc phòng.
Tại cuộc hội đàm ở Paris trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Anh Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ về việc hỗ trợ Ukraine lâu dài và nhất quán. Ông Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước châu Âu chủ động trong vấn đề an ninh và quốc phòng. Thủ tướng Starmer còn gặp Thủ tướng Pháp Michel Barnier, người từng tham gia đoàn đàm phán về tiến trình Brexit.
Kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh vào tháng 7/2024, ông Starmer đã thể hiện rõ quyết tâm tái thiết lập mối quan hệ giữa Anh với EU và các nước thành viên Liên minh Cờ xanh, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ các rào cản thương mại do Brexit gây ra.
Kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh vào tháng 7/2024, ông Starmer đã thể hiện rõ quyết tâm tái thiết lập mối quan hệ giữa Anh với EU và các nước thành viên Liên minh Cờ xanh, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ các rào cản thương mại do Brexit gây ra. Theo kết quả khảo sát do Trung tâm nghiên cứu xã hội quốc gia của Anh công bố hồi tháng 6/2024, chỉ còn 24% dân số Anh cho rằng, Xứ sở Sương mù nên nằm ngoài EU, giảm so với tỷ lệ 36% vào năm 2019 và 41% vào năm 2016. Văn phòng Kiểm toán quốc gia của Anh ước tính, nước này sẽ phải chi ít nhất 4,7 tỷ bảng Anh để triển khai các thủ tục biên giới hậu Brexit sau nhiều lần trì hoãn thiết lập các quy tắc mới.
Trong bối cảnh ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan lên đến 20% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, các nhà kinh tế cảnh báo, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Anh, do Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Anh. Một số nhà kinh tế ước tính hoạt động xuất khẩu của Anh có thể thiệt hại tới 22 tỷ bảng.
Di cư cũng là vấn đề từng gây sóng gió trong quan hệ giữa Anh và Pháp, và đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo Bộ Nội vụ Anh, từ đầu năm 2024 đến nay, hơn 30 nghìn người di cư đã đến nước này sau khi vượt eo biển Manche từ Pháp, cao hơn số liệu của cả năm 2023. Thủ tướng Anh thừa nhận, Anh không thể “đơn thương độc mã” giải quyết vấn đề di cư nếu không có sự phối hợp từ phía bên kia eo biển Manche.
Theo Giám đốc điều hành tổ chức Chatham House, bà Bronwen Maddox, Anh cần giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách, trong đó có việc cải thiện quan hệ với EU nhằm bù đắp những rủi ro xuất phát từ nguy cơ Mỹ giảm sự tham gia ở châu Âu, cũng như nỗ lực lấp đầy khoảng trống chính sách hậu Brexit. Việc sưởi ấm trở lại mối quan hệ giữa Anh với Pháp nói riêng và với EU nói chung sau thời gian nguội lạnh, chủ yếu do Brexit gây ra, là bước đi cần thiết vì lợi ích chung của các bên.
Nguồn: https://nhandan.vn/han-gan-quan-he-anh-phap-thoi-hau-brexit-post844740.html