Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeThế GiớiHồi hộp chờ 'ngày phán xét'

Hồi hộp chờ ‘ngày phán xét’

Hồi hộp chờ đợi

Khi nói chuyện với tôi ở một quán bia, người quen của tôi tên John, sống tại khu Arlington (bang Virginia) và làm trong một cơ quan liên quan chính quyền Mỹ, đã thể hiện rõ sự lo lắng về kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử. Với ông thì đó là điều khó chấp nhận nhưng vẫn có khả năng lớn xảy ra.

Hồi hộp chờ 'ngày phán xét'- Ảnh 1.

Điện Capitol là nơi từng xảy ra vụ bạo loạn ngày 6.1.2021 liên quan kết quả bầu cử năm 2020

Ông John lý giải: “Số lượng người vùng nông thôn ủng hộ ông Trump”. Vừa nói, ông vừa chỉ vào màn hình ti vi đang phát quảng cáo của chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump, và cho hay: “Những điều như thế mà vẫn có người tin!”. Tất nhiên, ông bỏ phiếu cho Phó tổng thống Kamala Harris.

Đó là quan điểm của cá nhân ông và cũng vì thế mà ông thừa nhận đang rất hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử lần này, vì với ông “đó là tương lai của nước Mỹ”.

Hồi hộp chờ 'ngày phán xét'- Ảnh 2.

Xe cảnh sát tại Điện Capitol (hình chụp chiều 3.11)

Cũng vì “tương lai của nước Mỹ”, chị Dany, một người bạn khác cũng đang sống ở Virginia, chia sẻ rằng hai vợ chồng chị đã đi bỏ phiếu từ sớm. Tuy sống ở Virginia là một bang nghiêng về Dân chủ, nhưng lá phiếu của gia đình chị lại dành cho ông Trump với kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ tươi sáng hơn. Chị chia sẻ: “Nhiều người không thích ông Trump vì những phát ngôn “khó đỡ” nhưng ông Trump “dám nói dám làm” và có chính sách kinh tế hiệu quả”. Với truyền thống của Virginia từ năm 2008 đến nay, nếu không có gì thay đổi thì kết quả chung cuộc ở bang này khả năng cao sẽ nghiêng về bà Harris, giúp ứng viên đảng Dân chủ này sẽ giành trọn 13 phiếu đại cử tri của tiểu bang.

Chồng chị Dany cũng là một người ủng hộ nhiệt thành cho cựu Tổng thống Trump. Sau khi ăn tối, chia sẻ rằng đang theo dõi từng ngày diễn biến của cuộc bầu cử, nhưng chồng chị cũng thể hiện rõ sự đánh mất niềm tin vào những kênh báo chí chính thống như The New York Times, The Washington Post… Với anh, đó là những tờ báo thiên tả. Tôi cũng chia sẻ rằng: Ngay từ khi ra đời, thì những tờ báo lâu năm của Mỹ đã ít nhiều thể hiện sự “thiên tả”, tất nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc những tờ báo này luôn ủng hộ đảng Dân chủ.

Anh giới thiệu một kênh tin tức mà anh cho là khách quan, chuẩn mực nhất. Khi được anh giới thiệu, đọc lướt qua thì không khó để thấy rằng theo trang này, ứng viên Trump gần như chắc chắn thắng với kết quả vượt trội. Nhưng anh vẫn hồi hộp chờ đợi kết quả kiểm phiếu.

Cảnh giác “tối đa”

Trong khi đó, tính đến hết ngày 3.11, tổng số phiếu bầu sớm đã đạt khoảng 75 triệu. Trong số này, có 41% cử tri đăng ký thuộc đảng Dân chủ, 39% thuộc Cộng hòa và 20% còn lại không đăng ký đảng phái.

Hồi hộp chờ 'ngày phán xét'- Ảnh 3.

Cảnh sát yêu cầu người mang theo thông điệp chống ông Trump rời khỏi khu vực Điện Capitol

Tổng số cử tri đăng ký đi bầu là 160 triệu, nên tỷ lệ bỏ phiếu sớm như vậy là khá cao, dù có thấp hơn năm 2020. Tuy nhiên, con số vừa nêu đồng nghĩa với việc vẫn còn khoảng một nửa số cử tri sẽ đi bầu vào ngày chính thức 5.11. Với các kết quả khảo sát không chênh lệch đáng kể về tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng viên ở các bang “chiến địa”, kết quả chung cuộc năm nay được dự báo phụ thuộc vào số ít cử tri mới (những người không tham gia bỏ phiếu năm 2020) và số cử tri đang sống bên ngoài nước Mỹ với dự kiến lên đến khoảng 3 triệu mà trong đó có khoảng 1,6 triệu phiếu bầu được tính cho các bang “chiến địa”.

Sự căng thẳng và quyết liệt, giữa bối cảnh phân hóa sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ, khiến lo ngại tăng cao về rủi ro bất ổn liên quan bầu cử. Ghi nhận thực tế chiều 3.11 (theo giờ địa phương) tại Điện Capitol (Tòa nhà Quốc hội Mỹ) – nơi xảy ra vụ bạo loạn sau đợt bầu cử năm 2020, lực lượng cảnh sát túc trực khá đông với nhiều vòng kiểm soát, dù vẫn cho phép người dân và du khách đến tham quan. Tại đây, ngay khi một người đàn ông đạp xe kéo theo rờ móc nhỏ có thông điệp phản đối ông Trump, thì lực lượng cảnh sát nhanh chóng can thiệp và yêu cầu rời khỏi khu vực này vì lo ngại dẫn đến các tình huống xấu.

Thực tế, nhiều bang cũng đã thông báo sẵn sàng tăng cường lực lượng an ninh phòng ngừa rủi ro.

Kế hoạch tự phát gây nhiều lo ngại

Tờ The New York Times ngày 3.11 đưa tin ông James O’Keefe, người có ảnh hưởng của xu hướng bảo thủ – nhà sáng lập và từng lãnh đạo dự án Veritas, đã tập hợp một đội ngũ nhân sự làm công tác bầu cử và giám sát viên tiến hành bí mật quay phim việc bỏ phiếu và đếm phiếu ở các bang trên toàn quốc.

Veritas là một nhóm hoạt động cực hữu Mỹ được thành lập vào năm 2010. Nhóm này bị cáo buộc đã sản xuất các video bị chỉnh sửa, sử dụng các bản ghi bí mật với mục đích làm mất uy tín các tổ chức truyền thông chính thống và các nhóm tiến bộ.

Theo tờ The New York Times dẫn một số nguồn tin nội bộ, nhóm do ông O’Keefe tập hợp lần này dự định sử dụng camera ẩn để ghi lại và sau đó công bố video nhằm chứng minh sự gian lận hoặc bất thường tại các địa điểm bỏ phiếu. Đến giữa tháng 10 vừa qua, đã có gần 70 người đã đăng ký tham gia kế hoạch vừa nêu và họ cho rằng mình là “thẩm phán” bầu cử.

Dự án của ông O’Keefe là một trong số nhiều nhóm bảo thủ đã cố gắng ghi lại điều mà họ cho là gian lận và tham nhũng tại các điểm bỏ phiếu. Những nhóm này có xu hướng tin vào các tuyên bố của cựu Tổng thống Trump về việc cuộc bầu cử năm 2020 bị gian lận và cần cảnh giác để điều đó không tái diễn.

Tuy nhiên, những hành động đó khiến các quan chức phụ trách bầu cử lo lắng vì cho rằng những người làm công tác bầu cử mà cứ mặc định tồn tại sự gian lận và chăm chăm “vạch lá tìm sâu” thì sẽ gây ảnh hưởng công việc chung, thậm chí có thể tìm cách can thiệp vào quá trình kiểm phiếu. Tháng trước, các quan chức tình báo Mỹ đã đưa ra cảnh báo về “mối đe dọa từ bên trong” có thể “làm sai lệch hoặc đe dọa một quá trình công bằng và minh bạch” của cuộc bầu cử lần này.

Ở Mỹ, trừ những trường hợp bất ngờ, còn lại hầu hết các bang trong nhiều năm qua đều có xu thế chọn lựa cố định một đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa. Như California, New York hay Massachusetts, Virginia… thì có xu hướng ủng hộ ứng viên Dân chủ (thường gọi là bang xanh). Trong đó, Virginia “đổi màu” từ cuộc bầu cử năm 2008. Ngược lại, nhiều bang như Texas, Kansas, Wyoming… luôn có phần thắng thuộc về ứng viên đảng Cộng hòa (thường gọi là bang đỏ). Có chưa đến 10 bang không cố định chọn bên nào và được gọi là các bang “chiến địa”. Năm nay, 7 bang “chiến địa” mang tính quyết định dự kiến là Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.


Nguồn: https://thanhnien.vn/hoi-hop-cho-ngay-phan-xet-185241105000623169.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay