Ngay cả những doanh nhân Đài Loan, vốn là thủ phủ của lan hồ điệp thế giới, khi sang thăm khu vườn này cũng choáng ngợp trước quy mô và công nghệ vượt trội hơn các vườn lan đẳng cấp xứ Đài và châu Á. Bởi khu vườn này đang có khoảng 2 triệu cây lan hồ điệp với 130 màu phổ biến, dự kiến nâng lên 8 triệu cây lan vào năm 2025 và có những khu nhà kính đang trồng lan cho Tết 2027, 2028.
Kỳ công chăm bẵm “vua hoa”
Khi cánh cửa nhà kính mở ra, đập vào mắt chúng tôi là hàng vạn gốc lan nằm thẳng hàng tăm tắp tại dự án ươm trồng lan hồ điệp của Công ty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Lớp lớp nhành lan đa sắc màu bung nở cùng đổ cong về một hướng khiến mỗi khu nhà kính như một cánh đồng hoa bất tận trước thềm xuân.
Khi nụ lan hồ điệp đầu tiên khoe sắc vào cuối tháng 11 âm lịch cũng là lúc các thương lái đổ về vườn lan để chở hàng vạn gốc hoa được ví như “vua hoa” đi khắp ba miền.
Để hoa bung nở đúng vào dịp Tết cần cả một quá trình chăm sóc đặc biệt kéo dài 3 năm như chăm một đứa trẻ.
Mỗi ngày, hơn 100 công nhân phải chăm sóc từng cây một từ kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, tưới tắm, bón phân đến điều khiển ánh sáng, phòng trừ sâu bệnh…
Là kỹ sư từng học cách trồng lan tại Đài Loan, anh Lê Minh Tuấn kể rằng người chơi không khó để chọn một giò lan đẹp bung nở đúng ngày Tết nhưng trong khâu chăm trồng, không dễ thúc lan nở theo ý người để nở đúng ngày, ra được từ 10 đến 30 bông. Tùy vào giống lan và thể trạng, kỹ sư sẽ có quy trình “thúc hoa” đặc biệt để đúng 140 ngày hoặc 170 ngày, nụ hoa đầu tiên sẽ đơm bông.
Dù trời rét hay nắng gắt, nhiệt độ trong nhà kính cũng phải luôn đảm bảo ổn định 24 giờ qua hệ thống điều hòa trung tâm và cường độ ánh sáng phải phù hợp.
“Trong giai đoạn thúc hoa, cần phải tưới nước, bón phân theo một quy trình đặc biệt. Nhưng tỉ lệ pha trộn như thế nào lại là “bí quyết” của doanh nghiệp bởi phải mất nhiều năm học hỏi, nghiên cứu và áp dụng mới thành công như bây giờ”, kỹ sư Tuấn nói.
Cũng từng tầm sư học đạo vườn lan các nước, nữ trưởng phòng phụ trách kỹ thuật Nguyễn Sương Mai cho biết trong một vòng đời, mỗi cây lan phải trải qua từ 4-5 lần thay “nhà mới”, tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển để đưa vào các chậu lớn hơn, cho ăn tảo biển nhiều hơn.
Muốn lan sinh trưởng tốt trong nhà kính, mỗi cây đều phải được tưới nguồn nước được lọc qua hệ thống RO tân tiến, giữ nhiệt độ ổn định, thậm chí khi cúp điện, hệ thống điện dự phòng sẽ khởi động ngay tích tắc để mọi máy móc đều hoạt động như hệ thống điện bệnh viện.
“Nhờ những kỹ thuật hiện đại như vậy mà chúng tôi kiểm soát được cho hoa nở đúng số ngày, số lượng bông mỗi cành, nở màu gì… nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường”, bà Mai nói.
Sẽ xuất khẩu cây giống hoa lan
Việt Nam là một thị trường lớn và khí hậu cũng phù hợp để trồng lan, nhưng lại phụ thuộc 100% vào cây giống từ Đài Loan và Trung Quốc. Nhằm thay đổi sự lệ thuộc này, kỹ sư Nguyễn Văn Kính – chủ tịch Công ty Toàn Cầu – đặt quyết tâm phải làm chủ công nghệ, bắt đầu từ làm chủ việc nuôi cấy mô và tạo ra cây giống nhưng nhiều lần thất bại với “học phí” hàng triệu USD, do chưa hiểu hết về trồng lan và sử dụng công nghệ chưa tối ưu.
“Nhiều lần thất bại nhưng tôi vẫn không nản, dồn toàn bộ tiền tài và sự nghiệp để gắn với hoa”, ông Kính kể và cho biết đã đầu tư 4 triệu USD mua công nghệ nuôi cấy mô và công nghệ nuôi hoa từ Đài Loan.
Doanh nghiệp này lại bỏ thêm hàng trăm tỉ đồng để đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, khu nuôi cấy phôi lan, nhà kính đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhập máy móc hiện đại như máy lạnh trung tâm, hệ thống tạo áp suất dương, lọc khí tuần hoàn, ánh sáng nhân tạo…
Từ khu nuôi cấy mô của dự án với tiêu chuẩn nghiêm ngặt như khu điều chế vắc xin, mỗi năm có hàng triệu cây lan giống với đủ chủng loại, đa sắc màu được thuần hóa vừa phục vụ cho dự án, vừa cung cấp cho nông dân, hợp tác xã trong khu vực.
Năm trước, ông Kính chính thức đưa giống hoa lan hồ điệp do công ty sản xuất ra thị trường, giúp ngành lan Việt giảm bớt phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu.
“Mình không có giống, không làm chủ được giống thì ngành hoa Việt Nam không bao giờ ngóc đầu lên được”, ông Kính nói.
Và với năng lực sản xuất khoảng 10 triệu cây giống/năm, đơn vị này đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần cây giống lan hồ điệp ở Việt Nam và sau đó là xuất khẩu cây giống.
Và để thực hiện được mục tiêu xuất khẩu, doanh nghiệp này lại bỏ ra hàng chục triệu USD mua lại 40% cổ phần công ty sản xuất hoa ở Đài Loan, đồng thời mời 5 giáo sư hàng đầu của Đài Loan đến Việt Nam để lập một phòng thí nghiệm đẳng cấp quốc tế chỉ nhằm nghiên cứu thuốc chữa sâu bệnh cho hoa lan.
Khẳng định ở rừng Trường Sơn có vô vàn loài hoa lan bản địa rất đẹp, ông Kính cho biết doanh nghiệp này đang đầu tư vốn lớn để lập một “khu rừng trong phố”, đang được kỹ sư người Pháp thiết kế, nhằm tạo môi sinh trồng những loài lan quý trên dãy Trường Sơn.
“Muốn Việt Nam là điểm đến của các nhà mua lan thế giới, chỉ có cách phải tự chủ những giống hoa bản địa, ngay từ những loài hoa quý của Trường Sơn để tạo ra những loại hoa thích nghi với điều kiện sống mới”, ông Kính nói.
Việt Nam là thị trường tiêu thụ hoa tăng trưởng cao
Theo ông Nguyễn Văn Kính, mỗi năm thế giới tiêu thụ khoảng 800 triệu giò lan hồ điệp, giá trị ước chừng 10 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, với mức tăng trưởng 70-100% mỗi năm.
Riêng mỗi dịp Tết, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 12-15 triệu cây. Do đó, với dự án trồng lan công nghệ cao này, ông Kính kỳ vọng doanh nghiệp có thể thu về 25-30 tỉ đồng/ha mỗi năm, với lợi nhuận khoảng 30%. Với nông dân, mức lãi này có thể lên tới 50-70% nếu trồng thuận lợi.
Bên cạnh đầu tư trồng hoa, ông Kính cũng mời kiến trúc sư quốc tế đến thiết kế không gian trang trại như một resort 5 sao, cùng khu hội nghị, khu nhà ở chuyên gia… và đặc biệt là các khu trưng bày, giới thiệu hoa để đón những đoàn khách quốc tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đưa nhiều nhân sự tại dự án đi học tập, tìm hiểu ở các nước mỗi năm để nâng chất hơn nữa độ chín của nghề.
Nguồn: https://tuoitre.vn/kham-pha-vuon-lan-tram-trieu-usd-giua-thu-do-20250111211342666.htm