Theo tính toán, vào năm 2027, chi phí logistics có thể giảm trên 4.900 tỉ đồng và con số này là trên 9.800 tỉ đồng vào năm 2030… nhờ “cửa khẩu thông minh”.
Ông Hoàng Khánh Duy – phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) – đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ đề án thí điểm “cửa khẩu thông minh” với kinh phí dự kiến gần 8.000 tỉ đồng, được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 17-8-2024.
Ông Duy nói: Mô hình “cửa khẩu thông minh” được đầu tư mới cả về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin giữa Việt Nam – Trung Quốc. Nhờ đó việc vận chuyển hàng hóa hoàn toàn không tiếp xúc, không gián đoạn, đảm bảo hoạt động bình thường của các cửa khẩu trong trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai…
* Vì sao phải xây dựng “cửa khẩu thông minh” với chi phí khá lớn, thay vì thông quan theo mô hình truyền thống, thưa ông?
– Việc xuất nhập khẩu theo mô hình truyền thống đã tiệm cận hiệu suất thông quan tối đa tại cửa khẩu này, khoảng 1.350 xe/ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu, chưa kể thời gian thông quan kéo dài đã làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Mô hình “cửa khẩu thông minh” được triển khai đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin giữa hai nước, thực hiện vận chuyển hàng hóa không tiếp xúc, không gián đoạn, áp dụng phương thức vận chuyển không người lái di chuyển theo tuyến đường cố định và các thiết bị cẩu container tự động hóa, dựa trên định vị vệ tinh và công nghệ 5G.
“Cửa khẩu thông minh” có trung tâm chỉ huy hỗ trợ trao đổi thông tin qua lại về vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, thông quan 24/7 không gián đoạn.
“Cửa khẩu thông minh” được hai nước Việt – Trung cùng phối hợp xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa độc lập, khép kín tách biệt với đường vận chuyển hàng hóa hiện nay.
Đảm bảo vừa duy trì hình thức thông quan hàng hóa truyền thống kết hợp với hình thức thông quan qua “cửa khẩu thông minh” góp phần nâng cao năng lực và hiệu suất thông quan, giải quyết hiệu quả việc ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Để thuận lợi cho xây dựng quy trình kiểm tra, kiểm soát hải quan, kiểm dịch, trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất, nhập khẩu hàng hóa.
* Với vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng, “cửa khẩu thông minh” chắc chắn sẽ không thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, thưa ông?
– Việc xây dựng “cửa khẩu thông minh” chắc chắn phải gắn với mở rộng hạ tầng bến bãi khu vực cửa khẩu để phục vụ sơ chế, đóng gói, chế biến bảo đảm chất lượng và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, đồng thời phát triển các dịch vụ liên quan như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông…
Về lâu dài, mô hình này sẽ hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ kho vận – logistics, thương mại và các dịch vụ phụ trợ tại cửa khẩu. Thúc đẩy, khuyến khích sản xuất tập trung và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người dân tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nói cách khác, mô hình “cửa khẩu thông minh” được đầu tư mới cả về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin giữa Việt Nam – Trung Quốc.
* Việc xây dựng “cửa khẩu thông minh” liệu có giúp cho hoạt động thông quan rút ngắn thời gian, doanh nghiệp giảm chi phí như kỳ vọng?
– Nếu thực hiện qua “cửa khẩu thông minh”, một xe hàng xuất sang Trung Quốc cần khoảng 4 – 5 ngày sẽ rút ngắn còn khoảng một ngày khi thời gian giao nhận hàng hóa giảm.
“Cửa khẩu thông minh” sau khi được triển khai sẽ giúp tăng lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoảng 2.500 – 3.000 xe/ngày, giảm từ 30 – 40% chi phí thông quan, chi phí bến bãi/vận chuyển, dịch vụ tại các cửa khẩu hai bên, tương đương khoảng 4,5 triệu đồng/xe.
Chúng tôi kỳ vọng giảm trên 4.900 tỉ đồng logistics vào năm 2027 và trên 9.800 tỉ đồng vào năm 2030, đảm bảo dòng chảy lưu thông hàng hóa, không đứt gãy chuỗi cung ứng khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng thu ngân sách nhà nước.
* Nhưng thưa ông, “cửa khẩu thông minh” chỉ mới là điều kiện cần, còn các sản phẩm Việt Nam cũng phải đáp ứng các điều kiện cần thiết khác mới có thể xuất khẩu?
– Đúng vậy. Khi thực hiện mô hình “cửa khẩu thông minh”, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sẽ phải đáp ứng đầy đủ hơn các yêu cầu, điều kiện của Trung Quốc, đặc biệt là các quy định tại lệnh 248, lệnh 249.
“Cửa khẩu thông minh” cũng đẩy nhanh việc chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp theo hướng chính ngạch và chuyên nghiệp; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế khi giao thương theo hình thức tiểu ngạch.
Mô hình “cửa khẩu thông minh” sẽ sử dụng phương tiện vận chuyển không người lái (IGV) hoạt động bằng điện giúp cắt giảm việc khai thác, sử dụng xăng, dầu, khí đốt, hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
* Như vậy, việc triển khai thực hiện “cửa khẩu thông minh” cũng có nhiều khó khăn mà các đơn vị thực hiện phải đối mặt, thưa ông?
– “Cửa khẩu thông minh” là một vấn đề mới, bước đầu triển khai nên có một số khó khăn. Với xuất khẩu, một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam chưa thuộc danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bị kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật và thuế quan.
Nông sản và thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm định, kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận…
Chúng tôi cũng xác định cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông và giải quyết thủ tục pháp lý, đáp ứng yêu cầu vận hành thí điểm “cửa khẩu thông minh”. Việc đảm bảo tương ứng với phía Trung Quốc trong vận hành thí điểm “cửa khẩu thông minh” cần sự nỗ lực của nhiều ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, một số nhiệm vụ triển khai xây dựng “cửa khẩu thông minh” vượt thẩm quyền của UBND tỉnh Lạng Sơn cần được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện.
Cần lập tổ công tác xử lý kịp thời các vướng mắc
Ngày 17-8 vừa qua, Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng “cửa khẩu thông minh” tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 – 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 – 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), thực hiện từ quý 3-2024 đến hết quý 3-2029.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Lạng Sơn triển khai đề án và phối hợp thực hiện với bộ, ngành trung ương như Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng như xuất khẩu hàng hóa bày tỏ kỳ vọng “cửa khẩu thông minh” sẽ giúp cho việc thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics.
Bà Trần Thị Hằng – đại diện Công ty CP vận tải Thái Việt Trung, doanh nghiệp có thời điểm cần thông quan 50 – 60 xe hàng/ngày – cho rằng với “cửa khẩu thông minh” chắc chắn sẽ giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Tuy nhiên cơ quan chức năng như biên phòng, hải quan, thuế, kiểm dịch cần thành lập các tổ công tác hoặc trung tâm chỉ huy hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời các vướng mắc. “Cửa khẩu thông minh” cũng cần xử lý tốt các rủi ro như lỗi phần mềm cửa khẩu số, mất điện, mất mạng Internet… – bà Hằng nói.
Sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục quy hoạch
Theo ông Hoàng Khánh Duy, cơ quan chuyên môn đang tham mưu triển khai “Cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ” giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) trên cơ sở ký kết vào tháng 11-2024.
Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cùng cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị triển khai mô hình “cửa khẩu thông minh” với Đoàn công tác của Văn phòng cửa khẩu Quảng Tây (Trung Quốc) tại TP Lạng Sơn vào tháng 10-2024.
Chính quyền tỉnh Lạng Sơn cũng đang tổ chức thi công dự án mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực mốc 1119 – 1120 từ 4 làn lên 8 làn xe, đồng thời tiến hành các thủ tục điều chỉnh dự án lên 14 làn xe để đồng bộ với cơ sở hạ tầng phía Trung Quốc.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng và điều chỉnh 6 quy hoạch, như điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng.
Các quy hoạch sẽ hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh trong tháng 1-2025. Địa phương cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện phương án thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi và trang thiết bị, xe dẫn đường thông minh…
“Trong đó, bước đầu sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông và giải quyết thủ tục pháp lý, đáp ứng yêu cầu vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh”, ông Duy nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tiet-kiem-ngan-ti-dong-voi-cua-khau-thong-minh-20241224093144233.htm