Từ dự thảo tới có hiệu lực hơi “gấp gáp”
Dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, dự kiến từ ngày 1.4.2025 có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo VCCI, phản ánh từ các doanh nghiệp, thời điểm có hiệu lực là tương đối gấp gáp. Nếu thời hạn ngày 1.4 tới, chỉ còn chưa tới 2 tháng nữa, trong khi văn bản vẫn đang trong giai đoạn dự thảo, doanh nghiệp cần thời gian để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, nhân sự và tuyên truyền cho người bán.
Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hệ thống công nghệ, nhân sự và hướng dẫn người bán, VCCI đề xuất lùi thời điểm áp dụng quy định đến ngày 1.7.2025, muộn hơn 3 tháng so với dự thảo.

VCCI đề nghị cho người bán hàng online đóng thuế khoán
Đề xuất cho thu thuế khoán
Ngoài ra, dự thảo không cho phép các cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đóng thuế theo phương pháp khoán. Trong khi theo VCCI, không phải mọi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đều sử dụng phần mềm và có thể trích xuất dữ liệu nhanh chóng. Quy định này càng không phù hợp với các cá nhân mới kinh doanh hoặc có quy mô nhỏ. Do nguồn vốn nhỏ, các cá nhân này không mua các phần mềm hỗ trợ kinh doanh và tất nhiên sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện kê khai.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng cho phép kê khai theo thuế khoán áp dụng với cá nhân kinh doanh có số lượng đơn hàng dưới ngưỡng (thông tin về số lượng đơn có thể trích xuất thông qua các đơn vị vận chuyển).
Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu các cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải kê khai cả chi phí kinh doanh; sàn thương mại điện tử có trách nhiệm chuyển chứng từ khấu trừ cho cơ quan thuế… Với các quy định này, VCCI cho là không cần thiết vì thuế được tính trên doanh thu. Việc kê khai chi tiết về giá vốn, chi phí nhân công, điện, nước, vận chuyển, tiếp thị quảng cáo sẽ tạo ra gánh nặng lớn với các cá nhân do mô hình quản lý của các cá nhân vô cùng đơn giản. Thứ 2, các sàn đã kê khai chi tiết và đầy đủ số thuế khấu trừ theo từng tháng cho cơ quan thuế rồi. “Việc bắt buộc chuyển dữ liệu chứng từ khấu trừ thuế với khối lượng lớn (hàng triệu chứng từ mỗi năm) sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp”, VCCI nêu quan điểm.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM (TP.HCM) nêu quan điểm, việc thu thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân trên sàn thương mại điện tử là hoàn toàn hợp lý. Song song với quy định thu thuế nhập khẩu, thuế VAT với hàng nhập khẩu có giá trị thấp, thu thuế bán hàng online là lẽ tất nhiên. Người có hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại buộc phải kê khai, đăng ký và đây là công cụ quản lý để tránh thất thu thuế.
“Trong thực tế, có nhiều người bán hàng online có doanh thu hàng tỉ đồng mỗi tháng, thuế đang tập trung để không thất thu thuế từ đối tượng kinh doanh này. Theo luật Thuế thu nhập cá nhân, không phải mọi cá nhân có đăng ký kinh doanh đều phải nộp thuế. Luật quy định người có doanh thu từ kinh doanh dưới 100 triệu đồng một năm sẽ không phải chịu loại thuế này, gồm trường hợp thu nhập phát sinh từ bán hàng online. Thế nên, cho đăng ký đóng thuế khoán với những hộ kinh doanh online có doanh thu dưới ngưỡng quy định là hợp lý”, luật sư Toản nêu quan điểm.
Theo Tổng cục Thuế, tổng số cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bị đưa vào diện rà soát nghĩa vụ thuế là 76.428 người; trong đó, các trường hợp đã xử lý vi phạm là khoảng 30.000 người, tổng số tiền truy thu, xử phạt đến hết năm 2024 là 1.223 tỉ đồng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/kien-nghi-lui-thoi-gian-thu-thue-ban-hang-online-185250220162347311.htm