Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeĐời SốngLắt léo chữ nghĩa: Dùm hay giùm?

Lắt léo chữ nghĩa: Dùm hay giùm?

Có quan điểm cho rằng cả 2 phụ âm đầu dgi đều được phát âm là /z/, người miền Bắc phân biệt được dgi nên phát âm và viết chuẩn là giùm; còn miền Nam, do không phân biệt được, nên đã viết nhầm giùm thành dùm.

Trên thực tế, có những nhà trí thức gốc Bắc lại viết dùm chứ không phải giùm, ví dụ: “về thưa với quan Án dùm tôi” – Nhà Nho (1943, tr.90) của Chu Thiên (gốc Nam Định); “Phạm Lãi giúp dùm”; “nói dùm vậy” – Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943, tr.160) của Đào Duy Anh (gốc Thanh Hóa); “Hào từ mới nghĩ dùm cho Sơ-Lục” – Chu dịch (1969, tập 2) của Phan Bội Châu (gốc Nghệ An)…

Không chỉ sách báo xuất bản ở miền Bắc dùng chữ dùm, trong miền Nam cũng vậy. Vào năm 1958, tạp chí Bách Khoa (ở Sài Gòn) “quảng bá” chữ dùm tràn lan: “coi dùm; xem dùm; nhắc dùm; nhìn dùm”… (số 277 – 287, tr.74).

Xin lưu ý, chữ dùm còn có những nghĩa khác. Ví dụ: “Nên thì một vợ một chồng, một niu cơm tấm một dùm mắm nêm” (Câu hát góp – 1901 của Huình-Tịnh Paulus Của, tr.23); “Nàng-dùm”, tên một giống lúa mùa nổi (Inventory: Foreign Seeds and Plants Imported – 1922, tập 61-70, tr.46), còn gọi là “Nàng Tây Đùm” (Viện Biến đổi Khí hậu, tỉnh An Giang)…

Nhìn chung, từ cuối thế kỷ 19 trở về sau, chữ dùm xuất hiện phổ biến trong sách báo, song chỉ có giùm được xem là cách viết đúng chính tả. Vì sao?

Căn cứ vào từ điển, ta thấy trong hệ thống chữ Nôm, hầu như không có chữ dùm, chỉ có giùm (𢵳) với nghĩa là “làm giúp, làm hộ”. Trong Đại Nam Quấc âm tự vị (1895) cũng không có từ dùm, chỉ có giùm với nghĩa là “giúp đỡ”. Tương tự như vậy, giùm nghĩa là “cậy (mượn, biểu, sai) làm giùm” (commissionner) xuất hiện trong Petit dictionnaire français-annamite – 1885, phần 4 của Trương Vĩnh Ký (tr.410); “hái củi giùm”, “bẻ củi giùm” (Chuyện giải buồn – 1886 của Huình-Tịnh Paulus Của, tr.49); còn “giúp giùm, làm giùm” được tìm thấy trong Dictionnaire annamite-français – 1899 của Jean Bonet (tr.229)…

Chữ giùm cũng có những nghĩa khác. Ví dụ: “giùm hoa” (một chùm hoa: bông cột xâu lại) hoặc là một “bó hoa” (bouquet) – Dictionnaire franco-tonkinois illustré – 1898 của P. G. Vallot, tr.35; “bộ giùm” (bộ tấm váy cùng đồ chơi cột lại một xâu, thường treo trước cổ) – Đại Nam Quấc âm tự vị, sđd.

Phải chăng dùmgiùm là một hiện tượng lưỡng khả trong tiếng Việt, cả hai từ đều được xem là đúng chính tả (từ này xuất hiện trước, từ sau do biến thể ngữ âm), cũng giống như: “trôi dạt – trôi giạt”; “hàng ngày – hằng ngày”; ngay cả cách gọi tên tộc người cũng có biến thể (K’Ho – Cơ Ho); hay trong cách phiên âm (bu-gi – buji) hoặc phương ngữ (bu – bâu; trời – giời)… Những nhà văn, nhà thơ cũng viết khác nhau về chính tả: “dòng sông” (Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê, 2006, tr.47) – “giòng sông” (Giòng sông Thanh Thủy của Nhất Linh – 1961); “Dông tố” (Cao Chu-thần thi-tập, tập 1, của Cao Bá Quát – 1971, tr.366) – “Giông tố” (Vũ Trọng Phụng, tuần san Hà Nội báo – 1936)…

Tóm lại, nếu xét dùm – giùm với nghĩa là “làm giúp” thì cặp từ này không phải là hiện tượng lưỡng khả, bởi vì chỉ có giùm là đúng chính tả, được ghi nhận trong từ điển, còn dùm thì không. Nói cách khác, dùm là cách viết sai, xuất phát từ việc “nói sao viết vậy”; viết theo sách báo (có thể tác giả viết chính xác nhưng bộ phận sắp chữ sai hoặc tác giả viết sai?). Dẫu thế nào thì xin lưu ý: giùm mới là từ đúng chính tả hiện nay.

Nguồn: https://thanhnien.vn/lat-leo-chu-nghia-dum-hay-gium-18525022122205097.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay