Thứ hai, Tháng Một 27, 2025
HomeThế GiớiLấy con người làm trung tâm của hệ thống giáo dục

Lấy con người làm trung tâm của hệ thống giáo dục

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế giáo dục (24/1), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh những công nghệ đột phá như AI, sẽ hỗ trợ đắc lực cho người học ở mọi lứa tuổi trong suốt quá trình học tập. Tuy nhiên, những lợi ích to lớn cũng đi kèm “một số rủi ro đáng lo ngại”. Trong khi các hệ thống do AI điều khiển trở nên mạnh mẽ hơn, mục tiêu của con người và tác động do máy móc điều khiển có thể dễ dàng bị sai lệch.

Trong bối cảnh AI ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào giáo dục, nhưng các quốc gia vẫn chia rẽ trong vấn đề sử dụng công nghệ tân tiến này. Ông Guterres khẳng định, trí tuệ nhân tạo không bao giờ được thay thế các yếu tố học tập thiết yếu của con người, đồng thời kêu gọi các nước cam kết lấy con người là trung tâm của hệ thống giáo dục tại khắp mọi nơi.

Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), hơn 60% số học sinh trung học tại các quốc gia có thu nhập cao đã tận dụng các công cụ AI tạo sinh để hỗ trợ học tập tại trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu hướng dẫn rõ ràng về sử dụng AI gây nhiều khó khăn cho các chuyên gia giáo dục.

Kết quả cuộc thăm dò của UNESCO được thực hiện vào tháng 5/2023 đối với 450 cơ sở giáo dục cho thấy chỉ 10% số trường đưa ra khuôn khổ chính thức về sử dụng AI. Trong khi đó, ngày càng có nhiều quốc gia áp đặt hạn chế các trường học sử dụng công nghệ này.

Dữ liệu mới của UNESCO chỉ ra rằng gần 40% quốc gia hiện có luật hoặc chính sách cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học, tăng đáng kể so với mức 24% vào tháng 7/2023.

Tại nhiều nước, người dân vừa hào hứng, vừa lo ngại trí tuệ nhân tạo trở thành một “thế lực cần cảnh giác”. Theo báo cáo “Giải mã cuộc sống số Thái Lan 2024” của Telenor Asia – đồng sở hữu của công ty viễn thông Thái Lan True Corporation, gần 50% số người dùng internet ở Thái Lan cho biết AI là công nghệ mới mà họ hào hứng nhất và 77% số người được hỏi đã sử dụng các công cụ AI. Giải trí là lĩnh vực chính, với hơn 50% sử dụng AI cho phương tiện truyền thông xã hội và gần 40% tương tác với AI trên các nền tảng phát trực tuyến.

Theo Telenor, cuộc khảo sát cho thấy tác động sâu sắc của việc sử dụng điện thoại di động đối với việc định hình cuộc sống thông minh và an toàn hơn ở Thái Lan. Đồng thời, những phát hiện này đã chỉ ra những cơ hội to lớn mà AI có thể mang lại cho Thái Lan, từ việc tăng cường an toàn cá nhân đến phát triển giáo dục và giải trí.

Trong kỷ nguyên của các thiết bị tích hợp AI, điện thoại di động không chỉ giúp người Thái duy trì kết nối, truy cập tin tức mới nhất và giải trí, mà còn là “cánh cổng” dẫn đến các nguồn thu nhập và phát triển giáo dục. Tuy nhiên, 75% số người Thái được hỏi cảm thấy họ không kiểm soát được dữ liệu cá nhân trực tuyến. Lừa đảo tài chính và trộm cắp danh tính cũng là mối quan tâm hàng đầu với ít nhất 50% số người Thái lo lắng về điều này.

Đề cập đến AI, người đứng đầu Liên hợp quốc đánh giá cao những đóng góp của AI trong mọi mặt cuộc sống, song bày tỏ lo ngại về “những rủi ro sâu sắc” từ công nghệ này, nhất là nếu AI không được quản lý đúng cách. Ông Guterres cảnh báo AI có thể được sử dụng như một công cụ lừa dối và làm xói mòn lòng tin vào các thể chế, phá vỡ thị trường lao động và thậm chí ảnh hưởng đến các cuộc xung đột.

Loài người đang bước vào “kỷ nguyên số” mà ở đó AI là một công nghệ quan trọng. Đầu tư phát triển AI, phấn đấu trở thành “quốc gia AI” đang trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh tận dụng AI cũng cần chú ý phòng ngừa, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực mà công nghệ này mang lại và trên hết cần “lấy con người làm trung tâm” trong việc phát triển bất kể công nghệ mới nào.

Nguồn: https://nhandan.vn/lay-con-nguoi-lam-trung-tam-cua-he-thong-giao-duc-post857875.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay