Thứ hai, Tháng Một 27, 2025
HomeSức KhỏeMẹo ăn uống ngày Tết cho bệnh nhân gout

Mẹo ăn uống ngày Tết cho bệnh nhân gout

Mọi người nên tránh tiêu thụ quá mức các loại thức ăn giàu purine từ những bữa tiệc thịnh soạn, cũng như tiêu thụ thức uống có cồn dịp Tết.

Gout là bệnh lý viêm khớp liên quan tới sự tăng cao nồng độ acid uric trong máu dẫn tới sự lắng đọng tinh thể urate trong các khớp, gây ra triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp. Đây là một bệnh lý về khớp liên quan đến chuyển hóa, thường gặp ở nam giới, độ tuổi từ 40 trở lên và dường như có khuynh hướng ngày càng trẻ hóa.

Theo BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân, Trưởng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115, acid uric một phần có nguồn gốc từ sự chuyển hóa purine trong thức ăn. Bên cạnh tuân thủ điều trị thuốc thì việc tiết chế bằng chế độ ăn với các thực phẩm có hàm lượng purine thấp sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát những đợt gout cấp, đồng thời làm chậm quá trình gây tổn thương khớp.

Dịp Tết, bệnh nhân gout lưu ý tránh những đồ uống có cồn như bia, rượu. Chúng có thể làm tăng nguy cơ gout cấp vì khi cơ thể chuyển hóa cồn sẽ làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Trong các loại đồ uống có cồn. Rượu vang nếu sử dụng điều độ sẽ ít gây cơn gout cấp hơn bia và các loại rượu khác.

Tránh đồ uống có ga chứa HFCS. Đây là chất tạo ngọt nhân tạo được làm từ tinh bột bắp với hàm lượng fructose chiếm 55%, glucose chiếm 45%, được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế biến thực phẩm và pha chế. Khi cơ thể chuyển hóa fructose sẽ tăng tạo purine và từ đó làm tăng acid uric trong máu.

Không ăn nội tạng (gan, thận, tim) bởi chúng có hàm lượng rất cao purine và có thể thúc đẩy cơn gout cấp. Thịt đỏ (thịt bò) có hàm lượng acid uric cao hơn thịt trắng (thịt gà, vịt, heo) nên cũng cần hạn chế, không ăn thường xuyên. Không nên ăn hải sản có hàm lượng purine cao như sò, mực ống, tôm, cua, hàu.

Hải sản, bia rượu có thể thúc đẩy cơn gout cấp. Ảnh: catchoftheweek

Hải sản, bia rượu có thể thúc đẩy cơn gout cấp. Ảnh: catchoftheweek

Thực phẩm nên dùng

Nước lọc

Các nghiên cứu cho thấy uống càng nhiều nước thì càng giảm số đợt gout cấp vì nước giúp tăng đào thải acid uric qua nước tiểu. Những người uống 5-8 cốc nước mỗi ngày sẽ giảm 40% nguy cơ bị gout cấp.

Tuy nhiên, lượng nước uống mỗi ngày thay đổi tùy thuộc vào mức độ hoạt động thể lực và bệnh lý kèm theo của từng người. Bệnh nhân gout nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về lượng nước cần uống.

Sữa ít béo hay yogurt

Uống sữa ít béo có thể giảm nồng độ acid uric và nguy cơ gout cấp vì protein trong sữa giúp tăng đào thải acid uric qua nước tiểu.

Cà phê

Người có thói quen uống cà phê mỗi ngày có ít nguy cơ bị gout cấp hơn người không uống cà phê. Uống 4-5 tách cà phê mỗi ngày giúp giảm 40% nguy cơ bị gout cấp.

Vitamin C (cam, bưởi, dâu tây, cà chua…) giúp giảm nồng độ acid uric và ngăn ngừa cơn gout cấp.

Đạm thực vật (các loại đậu, tàu hủ…) không làm tăng acid uric máu, giúp bảo vệ cơ thể khỏi cơn gout cấp.

Theo bác sĩ Trân, bên cạnh những người ăn nhiều thực phẩm giàu purine, uống bia rượu làm thúc đẩy cơn gout cấp thì nhiều bệnh nhân nghe tư vấn từ bạn bè, hàng xóm…, tuân thủ chế độ ăn kiêng quá mức. Điều này dẫn đến mệt mỏi, thậm chí suy dinh dưỡng, sụt cân và giảm albumin máu, phải nhập viện sau Tết. Do đó, bệnh nhân nên khám bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được tư vấn cụ thể về chế độ ăn và cách sử dụng thuốc phù hợp.

Lê Phương

Nguồn: https://vnexpress.net/meo-an-uong-ngay-tet-cho-benh-nhan-gout-4842947.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay