Chiếm đất công khiến công chúa không có tấc đất cắm dùi
Là triều đại lấy “dĩ nông vi bản” làm đầu, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc có tham nhũng đất đai, thuế má là điều không thể tránh khỏi. Thời vua Lê Thái Tổ có lệnh chỉ năm Kỷ Dậu (1429) cấm quan viên trong kinh thành Thăng Long không được lấn chiếm đất đai. Thời vua Lê Nhân Tông năm Mậu Thìn (1448), có lệnh “cấm chiếm riêng ruộng đất công làm vườn ao”, Việt sử cương mục tiết yếu ghi. Sách Cương mục cho biết, năm Đinh Hợi (1467), vua Lê Thánh Tông đã phải ra dụ răn đe quan viên, bô lão đất Lam Sơn là đất tổ vua Lê: “Lam Kinh là làng của vua, không thể ví như chỗ khác được; gần đây nhà quyền thế trái lễ giáo, khinh pháp độ, chiếm ruộng đất công để làm sở hữu của mình” đến nỗi gây nên tình trạng “công chúa không có lấy tấc đất cắm dùi”.
Năm Giáp Dần (1434), lĩnh vực thương nghiệp chứng kiến Nguyễn Tông Từ là Tổng quản lộ An Bang cùng Đồng tổng quản Lê Dao giữ việc kiểm tra hàng hóa của thuyền buôn đến từ nước Trảo Oa [khu vực đảo Java], nhưng lại gian lận, làm bản khác để sai lệch số lượng, bán trộm hàng hóa tới 900 quan tiền, mỗi người chiếm riêng 100 quan.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Mượn danh thần Phật để tham nhũng- Ảnh 1. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Mượn danh thần Phật để tham nhũng- Ảnh 1.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Muon-danh-than-Phat-de-tham-nhung.jpg)
Khu điện miếu trong di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
Lĩnh vực tài chính ghi nhận trường hợp “vét thuế” của Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ năm Giáp Dần (1434); rồi năm Mậu Thìn (1448), Nam đạo chủ bạ Đàm Thảo Lư ẩn lậu tiền thuế… Điều 110 Chương Vi chế của Quốc triều hình luật răn đe, quan thu thuế giấu bớt số thuế hoặc thu thêm thuế để tư túi “phải bồi thường gấp đôi số thuế lạm thu”; điểm 53 trong lệnh ban năm Bính Thân (1476) thuộc Hồng Đức thiện chính thư tội thu lạm tiền thuế của dân làng xã “phải thu tiền trả cho dân và nộp tiền tạ tội cho bản xã”.
Mảng văn hóa, luật lệ, điển chế có nhiều điều luật xét xử tội dựa vào việc thần, Phật để mưu lợi riêng. Điều 33 của Chương Vi chế trong Quốc triều hình luật răn đe: “Những người cai quản quân dân mà giả thác lễ cầu phúc, để lừa lấy tiền của quân dân, thì bị nhẹ hơn tội làm trái pháp luật một bậc”. Lệnh cấm “Tự ý làm chùa quán và đúc chuông tô tượng” được ban năm Ất Dậu (1465) thuộc Thiên Nam dư hạ tập cấm dựa vào việc Phật để lấy tiền của dân. Việc in tài liệu của Phật giáo, Lão giáo cũng có kẻ dựa vào đó đục khoét của cải dân lành như lệnh cấm “Khắc in các tạp thư về Phật Lão” được ghi trong Thiên Nam dư hạ tập. Đây có thể gọi là tội “tham nhũng tâm linh”.
Dựa việc bổ dụng mà làm tiền
Nạn tham nhũng còn lan sang cả lĩnh vực giáo dục. Các khảo quan năm Mậu Thìn (1448) đã nhận hối lộ của người được khảo hạch để làm thay đổi kết quả. Lại tháng 12 năm ấy, quân dân và sinh đồ thi hương cống. Lệ quy định sinh đồ đỗ hương cống được làm giám sinh học Quốc Tử Giám, quân dân đỗ hương cống không được làm giám sinh, nhưng Tư khấu Trịnh Khắc Phục lại xin cho quân dân đỗ hương cống là bọn Duy Khiêm được làm giám sinh, trong khi những sinh đồ đỗ hương cống lại không được vào học trường Giám. Việc đó để lại sự nghi ngờ cho thiên hạ khi “Dư luận bấy giờ rất ngờ có ăn hối lộ trong chuyện ấy”, Toàn thư chép.
Lĩnh vực tư pháp đại diện cho tính công bằng của luật pháp. Nhưng kẻ cần cân nảy mực lại không ngay thẳng. Năm Đinh Hợi (1467), Hình bộ Thượng thư Đỗ Tông Nam ăn của đút bị hặc tội. Cũng năm này, vì Hình bộ Thượng thư Trần Phong xin cho Lê Bô phạm pháp bị tội thích chữ vào trán được chuộc tội, vua Lê Thánh Tông đã chê trách trong lĩnh vực tư pháp có việc người giàu phạm tội thì dùng tiền của hối lộ mà được tha, giảm tội, còn kẻ nghèo khốn khó không tiền của lại bị tội.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Mượn danh thần Phật để tham nhũng- Ảnh 2. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Mượn danh thần Phật để tham nhũng- Ảnh 2.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739056107_386_Muon-danh-than-Phat-de-tham-nhung.jpg)
Sách Thiên Nam dư hạ tập có lệnh cấm “Khắc in các tạp thư về Phật Lão”
Một điều đáng lưu tâm là lĩnh vực quân sự lại có nhiều vụ tham nhũng so với những lĩnh vực khác. Thống kê có ít nhất 8 vụ tham nhũng trong quân đội từ năm Giáp Dần (1434) đến năm Tân Mão (1471), trong đó Lê Thụ dính dáng tới hai lần (năm Giáp Dần (1434) và năm Mậu Thìn (1448)); Đồng quản lĩnh Lê Trung Xích (năm Đinh Tỵ (1437)) và Kim ngô vệ Lê Quát hay Quản lĩnh Nguyễn Nguyên Thông (cùng xảy ra năm Bính Tý (1456)) và Lê Thọ Vực, Lê Bô (năm Đinh Hợi (1467)) phạm tội giống nhau; và năm Tân Mão (1471) vua Thánh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, Ô châu cận lục cho hay, “khi thành bị hãm rồi, tướng sĩ tranh nhau giành của cải”. (còn tiếp)
(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước”, NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-le-so-lam-trong-sach-chon-quan-truong-muon-danh-than-phat-de-tham-nhung-185250208203511657.htm