Trong văn đàn Việt, Y Ban là cây viết nổi tiếng cá tính mà mỗi lần trở lại độc giả luôn thấy tò mò vì những sáng tạo độc đáo, không lặp lại mình. Chẳng hạn trong Xuân từ chiều, lối viết dòng suy tưởng không xuống dòng ở thời điểm đó khiến không ít độc giả thích thú, hay trong ABCD, bà cũng tiến hành giải cấu trúc tiểu thuyết để đến với những thể nghiệm tương tác qua lại giữa các chủ thể, nhân vật, mạch truyện… Ở địa hạt truyện ngắn, Trên đỉnh giời lại cho thấy sự đa dạng trong cách nhìn nhận và nghệ thuật viết, khiến tác phẩm trở nên đa sắc và đưa độc giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Bìa sách Trên đỉnh giời do Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành
Những thân phận phụ nữ
Một trong những chủ đề chính của nhà văn trong tác phẩm này vẫn là câu chuyện của người phụ nữ. Điều đặc biệt là dường như những sáng tạo đặc sắc nhất của Y Ban luôn xoay quanh những thân phận này, như Bức thư gửi mẹ Âu Cơ hay I am đàn bà. Nhân vật của Y Ban thường không hạnh phúc mà chênh vênh giữa muôn vạn hướng bởi nhiều lý do từ cả chủ quan cũng như khách quan. Chẳng hạn vì quá nhạy cảm ở tuổi mộng mơ mà cô thiếu nữ An trong truyện Ký ức tươi đẹp đã ôm một mối tình câm với người đàn ông đã có gia đình, từ đó mà thuở mơn mởn không còn toàn vẹn. Hay ở truyện khác là Lễ đặt tên cho các linh hồn, một người mẹ nọ đã vịn vào tín ngưỡng dân gian để đặt tên cho những đứa con chưa kịp ra đời, qua đó gợi mở câu hỏi lớn giữa trách nhiệm và khoái lạc cá nhân…
Không dừng ở đó, họ còn chịu giằng xé bởi bối cảnh đương thời. Họ có thể là nạn nhân của truyền thống đè nén như cô Trâm trong Có thể có, có thể không hằng năm phải làm hơn chục giỗ to giỗ nhỏ nhưng không được ai quan tâm, đoái hoài; hoặc cũng là của những hủ tục lạc hậu nơi rẻo cao, khi người chị cả trong truyện được chọn làm tựa khi mẹ chết đi đã cố hết sức để giữ mình lẫn em gái trước người cha suy tàn từng có lúc muốn lạm dụng họ. Họ cũng là những chiến sĩ cách mạng trong Biệt đội thiên lý đã hy sinh vì lý tưởng lớn, nhưng cũng còn đó những sự lung lạc bởi thiên chức làm mẹ và tình yêu chân thành. Đó cũng là cô Ngọc trong Ngọc ơi đã giàu chưa? nhạy bén khi đất nước mở cửa để “đi tắt đón đầu”, đầu tư lướt sóng nhưng rồi đến cuối thành ra thất bại…

Nhà văn Y Ban
Tuy vậy, trong những dồn nén mà họ chịu đựng, ta lại nhìn thấy sự mạnh mẽ. Những người phụ nữ của Y Ban đều tổn thương ít nhiều bởi những áp đặt, nhưng rồi sau cuối sẽ vùng lên một cách mạnh mẽ và đầy tự lập. Ngoài những cá thể phải chịu bôn ba, Y Ban còn có nhiều truyện thể hiện tính nữ một cách đặc biệt, qua đó cho thấy tình cảnh bi thương không phải lúc nào cũng dành cho họ. Chẳng hạn trong truyện Bồ công anh nở bên hồ nước trong, nhân vật “con ma” đã kể một cách cuộn trào về hành trình đến với tình yêu sét đánh một lần nhớ mãi ở tuổi trung niên, hay trong Ráng chiều đỏ, người mẹ, người bà bất hạnh bằng sức mạnh cá nhân đã nuôi lớn người con, người cháu công thành danh toại, giúp ích cho đời mà không cần đến người đàn ông nào…
Mở rộng đường biên sáng tạo
Không chỉ dừng ở hình tượng người phụ nữ, Y Ban còn đi rất sâu vào việc phơi bày tính nam gia trưởng cố hữu và sự thay đổi của xã hội khi bắt đầu chuyển mình, từ làng lên phố, con người từ chân chất thật thà trở nên điêu toa giả dối. Với những chủ đề tưởng chừng đã rất quen thuộc, Y Ban vẫn có những sáng tạo riêng để biến tác phẩm trở nên mới mẻ. Tuy chúng ngồn ngộn tính hiện thực nhưng đồng thời sở hữu dáng dấp siêu hình, qua đó đẩy các mạch truyện lên đến ám ảnh bởi những áp chế vẫn còn tồn đọng. Chẳng hạn trong truyện Con yêu tinh, người vợ của một giáo sư bỗng hóa điên loạn để trong phút chốc cắn rứt thịt chồng.
Ở đây ta thấy cái ách chồng chất mà người đàn bà ấy đã phải chịu đựng, từ tình trạng héo khô khi phải sinh trưởng trong cái nôi của giáo dục cao cho đến cái bạc nhược của người đàn ông đầu ấp tay gối và cái giàu xổi của người xung quanh, khiến tâm trí bà không thể ngơi nghỉ bởi tiếng ồn ào quá sức chịu đựng. Nhà văn lớn của Trung Quốc là Tàn Tuyết từng cho rằng bạo lực thực chất phải có dáng dấp của sự siêu hình, và ở đây có thể thấy Y Ban có chung quan điểm ấy. Trong truyện ngắn Kẻ đòi nợ, một nhân vật của Tàn Tuyết đã đập chết con mèo khi nó quá đỗi phiền toái từ ngày đến đêm, và với Y Ban, nhân vật của bà cũng bị ám ảnh đến biến đổi bản chất. Bạo lực của họ không phải máu đổ mà là tiến trình không ngừng leo thang dẫn đến điều đó. Mở rộng từ đây, trong Nghi lễ của Nam, bà lạnh lùng nhắc đến cảnh huống của những “kẻ ngoài cuộc”, để từ giọng văn trung dung, không cảm xúc, ta có thể nếm được sự áp chế họ phải trải qua.
Bà cũng mở rộng biên độ sáng tạo để tập truyện này mang nhiều màu sắc khác nhau, từ hiện thực, huyễn tưởng, nặng tính tư liệu… Có lẽ vì thấy đời sống đảo điên mà nhiều truyện ngắn được chuyển dời sang một cõi khác hẳn với cái ác ngự trị và ma quỷ lởn vởn xung quanh (Ngày tháng năm, Sự nhầm lẫn bò cái…). Yếu tố tâm linh cũng được nhắc đến như một cứu cánh của các nhân vật, để rồi sau đó nhận ra vô phương bất khả. Ngôn ngữ được bà sử dụng cũng có tính riêng, khi là những lời ăn tiếng nói hằng ngày nhưng thêm vào sự chua ngoa, cay nghiệt của những kiếp người phẫn uất bởi bị chà đạp…
Có thể nói qua Trên đỉnh giời, Y Ban cho thấy sự sáng tạo đặc biệt và phong cách không thể trộn lẫn. Điều này chứng tỏ bà không những có thể viết về hầu hết hỷ nộ ái ố của cuộc sống này, mà còn viết hay, ấn tượng và đầy sáng tạo.
Nhà văn Y Ban sinh năm 1961 tại Nam Định. Bà tốt nghiệp Khoa Sinh – Trường ĐH Tổng hợp, sau đó làm giảng viên trường y và chính thức đến với nghề viết vào năm 1989. Bà là hội viên Hội Nhà văn VN từ năm 1996, từng có nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn. Bà hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tren-dinh-gioi-muon-hinh-van-trang-cua-nhung-ap-che-185250221222615753.htm