Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của cô vợ trong gia đình 4 người (hai vợ chồng, một bé 1 tuổi và một bé mới sinh) đã nhận được nhiều quan tâm. Bởi lẽ, hai vợ chồng có tổng thu nhập 50 triệu/tháng, đã có sẵn nhà nhưng đến cuối tháng lại không tiết kiệm được bao nhiêu.
Dù hai vợ chồng đều muốn tiết kiệm nhiều hơn nhưng cuối cùng chỉ nhận về kết quả không mấy khả quan. Thậm chí, có thời điểm cô nàng còn muốn từ bỏ kế hoạch tiết kiệm và phấn đấu để đạt tự do tài chính và có của để dành.
Cụ thể, cô nàng này tâm sự: “Nhà em có 2 bé, một bé 1 tuổi rưỡi và một bé mới sinh, có thuê thêm một cô giúp việc. Nhà bọn em có sẵn do nhà nội cho rồi. Trước khi sinh bé cũng đã để được một khoản định mua chung cư cho thuê nhưng năm nay giá nhà lên quá nên bọn em vẫn chưa mua được.
Em cũng muốn cắt giảm chi tiêu nhưng lại không nỡ mua sữa cho con loại rẻ hơn, vẫn muốn mua bảo hiểm cho cả nhà để được hưởng dịch vụ viện tư. Em thấy khi mọi người chưa có nhà hay hai bên khó khăn thì có nhiều động lực phấn đấu chứ như bọn em thì em thấy cứ ì ra đấy thôi.
Em cũng đã từng nghĩ mình sẽ cố gắng phấn đấu nọ kia để tự do tài chính rồi có nhiều của để dành mà từ khi sinh con, em chẳng còn muốn làm gì nữa ngoài để ý vào hai đứa con. Thậm chí nhiều lúc quanh quẩn với con mệt quá nên e chả còn quan tâm đến việc tiết kiệm nữa mà cái gì thuận tiện, đỡ mệt thì em làm. Huhu, không biết qua thời kì con nhỏ này em có ý chí hơn không nữa. Em cũng học hành tử tế mà nhiều lúc em cảm thấy em đang bị buông xuôi mọi người ạ”.
Trước những dòng tâm sự của cô nàng thì bên dưới bài đăng, nhiều người chỉ ra sai lầm lớn nhất của cô nàng là dù muốn tiết kiệm nhưng không dám cắt bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết. Tương tự với động lực phấn đấu để kiếm tiền, nếu cặp đôi không tự tìm kiếm mục tiêu để cố gắng, hoặc chấp nhận chăm chỉ làm việc thì sẽ khó làm chủ tài chính như mong muốn.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
– Bài toán khó vì cái gì bạn cũng muốn, chỉ là không muốn cắt giảm chất lượng cuộc sống như mong muốn.
– Nhà mình cũng giống bạn. Nhưng rồi khi con lớn dần, tiền tiêu càng nhiều hơn, gặp giai đoạn kinh tế trì tệ thì mình mới thấy tiếc những khoản tiền vô bổ đã bỏ ra. Bạn nên xem khoản tiền để mua chung cư bỏ làm một kênh đầu tư khi có cơ hội, chứ không nên rút dần ra tiêu.
– Bạn dũng cảm thật. Nhà mình tháng 2 vợ chồng kiếm được khoảng 80-90 triệu, nhà mẹ cho, xe đã có, có 1 con nhỏ, 1 bà giúp việc mà chưa dám đẻ thêm. Mình thì khuyên thế này, tiền bạn định mua chung cư nên đầu tư đi, vay thêm để mua cũng được, bạn sẽ có động lực trả nợ nữa. Nhưng nói chung là lương 50 triệu ở Hà Nội mà muốn mức sống cao cấp với 2 đứa con thì gần như là không thể tiết kiệm được đâu.
– Mỗi tháng tiết kiệm được 10 triệu là tốt rồi bạn ơi. Còn nếu không thì bạn phải có kế hoạch chi tiêu chứ.
– Giống y mình. Cứ bảo tiết kiệm chứ sống sướng quen rồi khó “bóp mồm” lắm.
Vợ chồng muốn tiết kiệm thì nên bắt đầu từ đâu?
Chuyện tài chính và chi tiêu là một trong những điều khiến các cặp đôi có thể “đau đầu”. Bạn sẽ thấy khó tiết kiệm nếu có ít kinh nghiệm trong quản lý tài chính và khả năng làm chủ bản thân trước cám dỗ tiêu dùng còn kém.
Để giải quyết bài toán này, bạn hãy thử áp dụng những cách dưới đây:
– Làm rõ tình trạng thu nhập và chi tiêu của gia đình
Bước đầu tiên là vợ chồng phải thành thật với nhau về thu nhập, để từ lên mục tiêu tiết kiệm tiết kiệm và nhất quyết duy trì tiền trong tài khoản hàng tháng. Bên cạnh đó, không chỉ làm rõ khoản thu mà bạn còn phải ghi chép lại những khoản chi để đến cuối tháng bạn hiểu được số tiền mình đã chi tiêu vào đâu. Nếu vượt quá ngân sách, bạn có thể chủ động kiểm soát và cắt giảm những chi phí không cần thiết trong tháng tiếp theo.
– Phân phối nguồn thu nhập hợp lý.
Nhiều gia đình không thể tiết kiệm tiền vì không phân phối thu nhập hợp lý, dẫn đến tiêu tiền bừa bãi khiến cuối tháng đồng lương chẳng còn bao nhiêu. Nhiều người phân bổ thu nhập thu nhập bằng cách: Tính tiền tiết kiệm cuối tháng bằng lấy thu nhập trừ đi chi tiêu. Nhưng nếu bạn có kiểu suy nghĩ này, bạn sẽ không bao giờ có thể tiết kiệm tiền.
Thay vào đó, bạn cần phân chia thu nhập thành các khoản tiêu dùng nhỏ. Bạn có thể sử dụng 40% thu nhập của gia đình để chi tiêu hàng ngày, 30% cho tiết kiệm bắt buộc, 20% cho giáo dục và 10% cho dự phòng khẩn cấp. Trước tiên, hãy tiết kiệm 30% thu nhập hàng tháng của bạn dưới dạng tiết kiệm bắt buộc, sau đó mới tính đến dùng tiền lương vào những khoản tiêu dùng khác.
– Đừng mua nhiều hơn mức cần thiết
Nhiều khi, những thứ chúng ta mua không thực sự cần thiết mà được tạo ra thông qua trí tưởng tượng của chính chúng ta hoặc những cách tiếp thị của người bán.
Một món đồ hữu ích là khi chúng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm ta hạnh phúc. Nhưng nếu nó không có ích lợi gì, hãy cân nhắc cho nó vào nhóm những món đồ không nên mua ở lần tiếp theo. Nhìn chung, bạn chỉ nên mua những thứ cần thiết và đem lại hiệu quả để tiết kiệm được nhiều hơn.
Nguồn: https://kenh14.vn/khong-mat-tien-thue-nha-nhung-thang-nao-cung-tieu-het-40-trieu-muon-tiet-kiem-nhung-thay-kho-vi-1-ly-do-pho-bien-nay-21524122917064647.chn