Hội nghị Trung ương đang diễn ra thảo luận cho ý kiến về 5 nội dung, trong đó có 3 nhóm vấn đề quan trọng là: Tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030; công tác cán bộ theo thẩm quyền của Trung ương; báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2024; báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025.
Trong đó, về nhóm các vấn đề kinh tế – xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng để tạo nền tảng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nhất là đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường hoàn thiện hạ tầng nhân lực, nhất là những vấn đề mới được thúc đẩy tăng trưởng.
Đây là cơ sở để chúng ta có thể đặt mục tiêu phát triển cao hơn, cụ thể là đến năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà để tăng trưởng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030. Mặt khác nếu không phấn đấu các mục tiêu nêu trên thì nhiều khả năng sẽ không đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2021 – 2025, không thể thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể thực hiện được hai mục tiêu 100 năm đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Từ phát biểu của người đứng đầu Đảng, có thể nói chúng ta đã và đang bước vào năm 2025 với khí thế quyết tâm cải cách, đột phá, đổi mới trong cả hệ thống chính trị; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ các rào cản, giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển.
Với hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả hơn, với nền tảng ngân sách tích cực, chúng ta sẽ phát huy được các động lực cho tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Luật Đầu tư công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực trong tháng 1/2025 sẽ giúp giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng các dự án trọng điểm được đốc thúc triển khai kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải ngân mạnh mẽ vốn đầu tư công, tạo niềm tin và sức lan tỏa thúc đẩy thực hiện vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn FDI.
Năm 2025, Quốc hội đã phê duyệt vốn đầu tư công với mức kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,8% GDP năm 2024, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành sẽ đóng góp cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương. Điều kiện cần rất quan trọng đối với động lực tăng trưởng từ đầu tư ở chỗ Chính phủ và các địa phương phải quyết liệt, hiệu quả tháo gỡ mọi rào cản để giải ngân toàn bộ số vốn đầu tư công đã được phê duyệt; đồng thời tạo niềm tin, phát huy sức mạnh khu vực tư nhân đầu tư nhiều nhất vào sản xuất kinh doanh.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với quan điểm coi đây là yếu tố quyết định phát triển của Việt Nam; là điều kiện tiên quyết, là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội.
Thực hiện thành công Nghị quyết này sẽ đưa nền kinh tế nước ta hòa nhịp với dòng chảy mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng suất lao động cao là con đường ngắn nhất để phát triển nhanh, bền vững, bởi vì năng suất lao động gần như là yếu tố quyết định tất cả.
Để đạt được tăng trưởng cao, bền vững nền kinh tế phải có năng lực thực tế, có tiềm năng dồi dào, có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay các động lực tăng trưởng bên “cầu” của nền kinh tế chưa đủ mạnh, cần thời gian phục hồi; các động lực tăng trưởng mới bên “cung” cần có thời gian tạo dựng, phát huy hiệu quả và có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể cho năm 2025, tạo thế và lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xác định những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các động lực tăng trưởng, đặc biệt đối với nhóm thể chế và môi trường pháp lý, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ; khơi thông các nguồn lực; gắn tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm của thủ trưởng các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương; thực thi nghiêm chế tài đối với cán bộ công chức vô trách nhiệm nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của các động lực tăng trưởng.
Cùng với đó, Chính phủ khẩn trương thực hiện tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương, xây dựng và vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả; thực hiện phương pháp quản lý thực tiễn, hiệu quả của khu vực tư nhân trong quản lý khu vực công; nâng cao hiệu suất và kiểm soát kết quả công việc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong bộ máy nhà nước, không giới hạn thẩm quyền của các cơ quan nhằm đạt hiệu quả công việc cao nhất.
Cơ cấu lại nền kinh tế có vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.
Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực hiện dựa trên đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng và xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, đặt trong xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, từ đó có chính sách và giải pháp tập trung nguồn nhân lực, vật lực và tài lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế.
Đầu tư ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất, là động lực tăng trưởng dài hạn và quan trọng. Cần quy định doanh nghiệp tư nhân là động lực chủ yếu cho phát triển, từ đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Để năm 2025 đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể, Chính phủ cần xây dựng kịch bản tăng GDP theo các mức khác nhau phục vụ trong điều hành phù hợp với thực tiễn tình hình. Kịch bản tăng trưởng cần chỉ rõ từng ngành, từng lĩnh vực phải tăng bao nhiêu, đồng thời xác định rõ năng lực, tiềm năng, nguồn lực cụ thể là gì để chuẩn bị và khai thác các nguồn lực cho phát triển. Cùng với đó cần chủ động, linh hoạt thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ có trọng tâm, trọng điểm phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với các chính sách khác đáp ứng nhu cầu, đảm bảo lợi ích của các thực thể có liên quan để giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Với kinh nghiệm đúc kết từ 40 năm đổi mới, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó”, chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cao, đồng thời tạo nên những thay đổi căn bản là nền tảng và sức mạnh cho giai đoạn phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên mới.
Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/nen-tang-vung-chac-de-but-pha-trong-ky-nguyen-moi-20250123221403459.htm