Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeThế GiớiNga đối thoại về Ukraine, châu Âu lo ngại

Nga đối thoại về Ukraine, châu Âu lo ngại

Các quan chức cấp cao Mỹ và Nga ngày 18.2 bắt đầu vòng đối thoại thứ nhất tại Riyadh (Ả Rập Xê Út), với tâm điểm chú ý là nỗ lực tìm giải pháp cho xung đột giữa Ukraine và Nga.

Theo CNN, trong phái đoàn phía Mỹ có Ngoại trưởng Marco Rubio và Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz, còn phía Nga có Ngoại trưởng Sergei Lavrov và trợ lý Yury Ushakov của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga cứng rắn hơn trong đàm phán với Mỹ khi Ukraine bị loại khỏi đối thoại

Đài RT dẫn lời ông Ushakov cho biết mục đích của cuộc đối thoại song phương là nhằm đặt nền tảng cho việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Nga và Mỹ đều xem cuộc đối thoại trên là sự khởi đầu của một quá trình có khả năng kéo dài. Điện Kremlin ngày 18.2 cho biết ông Putin sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Volodymyr Zelensky “nếu cần”, nhưng nhắc lại thắc mắc về tính hợp pháp của nhà lãnh đạo Ukraine. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) là “quyền chủ quyền” của bất cứ quốc gia nào, nhưng Moscow phản đối Kyiv gia nhập NATO, theo AFP.

Mỹ - Nga đối thoại về Ukraine, châu Âu lo ngại- Ảnh 1.

Phái đoàn Nga và Mỹ gặp các quan chức Ả Rập Xê Út tại Riyadh hôm 18.2

Nhiều bên lên tiếng

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ông “không biết gì” về cuộc đối thoại ở Riyadh và “không thể công nhận bất kỳ điều gì hoặc bất kỳ thỏa thuận nào về chúng tôi nếu không có chúng tôi” tham gia. Nhà lãnh đạo tuyên bố bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần bao gồm các đảm bảo an ninh “mạnh mẽ và đáng tin cậy”.

Lo ngại về việc không được mời dự đối thoại tại Riyadh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập cuộc họp thượng đỉnh khẩn tại Paris hôm 17.2 với lãnh đạo các nước châu Âu. “Chúng ta tìm kiếm hòa bình mạnh mẽ và lâu dài tại Ukraine”, Reuters dẫn lời ông phát biểu và nhấn mạnh cần đảm bảo an ninh mạnh mẽ và đáng tin cậy cho Ukraine, nếu không muốn có lệnh ngừng bắn ngắn và thiếu hiệu quả. Ông kêu gọi châu Âu phối hợp với Mỹ và Ukraine nhằm định hình bộ khung an ninh bền vững.

Thượng đỉnh khẩn cấp châu Âu: Những nước nào hứa đưa quân đến Ukraine?

Về phần mình, Thủ tướng Anh Keir Starmer nói cam kết an ninh của Mỹ là con đường duy nhất nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài cho Ukraine. Sau khi dự cuộc họp trên tại Paris, nhà lãnh đạo kêu gọi các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và có trách nhiệm hơn đối với an ninh của châu lục. Song song đó, ông nhấn mạnh “phải có sự bảo vệ của Mỹ, vì sự đảm bảo an ninh của Mỹ là cách duy nhất để răn đe hiệu quả” đối với Nga.

Bình luận về cuộc đối thoại Mỹ – Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn nói Bắc Kinh hoan nghênh mọi nỗ lực vì hòa bình, bao gồm đồng thuận đạt được trong cuộc đối thoại. Trong khi đó, Trung Quốc mong “tất cả các bên liên quan tham gia vào quá trình đàm phán một cách kịp thời”, theo ông Quách.

Ông Keith Kellogg, đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga, dự kiến đến Ukraine trong hôm nay 19.2 để thảo luận về hỗ trợ ngoại giao, quân sự và nỗ lực tìm kiếm hòa bình. Theo tờ The Guardian, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói với ông Kellogg rằng châu Âu muốn “làm việc bên cạnh Mỹ” vì hòa bình lâu dài ở Ukraine.

Châu Âu tranh cãi

Cũng trong cuộc họp thượng đỉnh trên tại Paris, Pháp đề xuất thiết lập “lực lượng trấn an” đóng quân phía sau ranh giới ngừng bắn trong tương lai tại Ukraine thay vì dọc theo đường này. Thủ tướng Anh Keir Starmer nói sẵn sàng cân nhắc đưa lực lượng Anh đến thực địa cùng các nước khác và với sự hậu thuẫn của Mỹ, nếu có thỏa thuận hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước Đức, Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha tỏ ra thờ ơ về việc lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine.

Sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng việc bàn chuyện đưa quân sang Ukraine là “rất không phù hợp” và không đúng thời điểm, trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra. Ông nhấn mạnh nếu có bộ khung rõ ràng cho việc triển khai binh sĩ, Đức sẽ “không ngần ngại” tham gia.

Theo tờ The Independent, Thụy Điển, Hà Lan và Tây Ban Nha cũng tỏ ra phân vân như Đức. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói việc đưa binh sĩ châu Âu sang Ukraine là phương án phức tạp và ít khả năng có hiệu quả nhất trong số các lựa chọn, tờ Financial Times dẫn nguồn tin từ cuộc họp tiết lộ.

Lưỡng viện Mỹ bất đồng về chính sách

The Hill ngày 17.2 đưa tin cuộc đối đầu giữa đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ đang leo thang khi 2 nhóm này tiến hành các chiến lược trái ngược nhau. Hiện nắm đa số tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ, đảng Cộng hòa đang thiết kế kế hoạch ngân sách cho một dự luật để thúc đẩy chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cụ thể, Hạ viện gần đây công bố kế hoạch ngân sách mới với đề xuất cắt giảm 2 nghìn tỉ USD chi tiêu, nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của Tổng thống Trump về an ninh biên giới, quốc phòng, năng lượng và cắt giảm thuế. Trong khi đó, đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ cũng đưa ra kế hoạch ngân sách riêng của mình.

“Nếu chúng tôi để Hạ viện thiết kế, chúng tôi cảm thấy khả năng rất cao là chúng tôi sẽ không thông qua được bất kỳ phương án nào”, theo thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa. Sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa 2 viện Quốc hội Mỹ đã tạo ra thế bế tắc, buộc lãnh đạo 2 bên phải tìm kiếm giải pháp dung hòa. Song, theo The Hill, hiện không bên nào có vẻ sẵn sàng nhượng bộ.

Trí Đỗ

Nguồn: https://thanhnien.vn/my-nga-doi-thoai-ve-ukraine-chau-au-lo-ngai-185250218201506579.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay