
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục công kích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trên khắp mặt trận. Động thái này của ông chủ Nhà Trắng diễn ra sau khi Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán với Nga ở Ả rập Xê út về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng lại không mời Kiev tham dự.
Ngày 18/2, ông Trump cáo buộc Ukraine là bên gây ra cuộc xung đột, đồng thời kêu gọi Kiev tiến hành bầu cử. Quan điểm này của ông Trump dường như trùng khớp với tuyên bố trước đó của giới chức Nga.
Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức Nga cho rằng ông Zelensky không còn là tổng thống hợp pháp của Ukraine vì nhiệm kỳ của ông đã kết thúc từ giữa năm ngoái. Nga nhiều lần kêu gọi Ukraine bầu cử trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán.
Sau khi Tổng thống Zelensky lên tiếng đáp trả, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục có động thái leo thang căng thẳng.
“Thật không may, Tổng thống Trump – tôi rất tôn trọng ông ấy với tư cách là nhà lãnh đạo của một quốc gia mà chúng tôi rất tôn trọng khi người dân Mỹ luôn ủng hộ chúng tôi – lại sống trong không gian thông tin sai lệch này”, ông Zelensky nói.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump còn công kích tính chính danh của ông Zelensky, chỉ trích ông “từ chối tổ chức bầu cử, có tỷ lệ ủng hộ rất thấp trong các cuộc thăm dò dư luận ở Ukraine và điều duy nhất ông Zelensky giỏi là lợi dụng cựu Tổng thống Joe Biden”.
Khi mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky rạn nứt, một câu hỏi vẫn còn tồn tại giữa các đồng minh của cả hai nhà lãnh đạo là liệu cuộc chiến Nga – Ukraine có dập tắt hy vọng về một nền hòa bình do Washington làm trung gian hay không.
Trong một thông điệp giận dữ được đăng trên mạng xã hội, ông Trump gọi ông Zelensky là “nhà độc tài không được bầu”, cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine ép Mỹ chi hàng trăm tỷ USD viện trợ “để tham gia vào một cuộc chiến không thể thắng”.
Thông điệp trên khơi mào cho cuộc khẩu chiến kéo dài cả ngày.
“Zelensky tốt nhất nên hành động nhanh chóng, nếu không ông ấy sẽ không còn đất nước nữa”, ông Trump tuyên bố.
Tổng thống Trump chỉ trích Tổng thống Ukraine
Trong nhiều năm qua, ông Trump vẫn nhìn nhận ông Zelensky một cách hoài nghi và đặt câu hỏi về các quyết định của nhà lãnh đạo Ukraine.
Ông Trump công kích cả Tổng thống Biden và Zelensky, nói rằng Ukraine đã “ăn may” với sự hỗ trợ của Mỹ dưới thời chính quyền Biden. Ông Trump cho rằng, nếu chính quyền Biden nắm quyền thêm một năm nữa, Thế chiến III có thể bùng nổ. Nhưng khi ông trở lại Nhà Trắng, kịch bản đó đã không xảy ra.
Gần đây, các trợ lý của Tổng thống Trump nhận ra rằng, những tuyên bố công khai của Tổng thống Zelensky ngày càng kích động, đặc biệt là ông chỉ trích việc Mỹ loại Ukraine khỏi cuộc đàm phán với Nga ở Ả rập Xê út trong tuần này.
Sự thất vọng của đội ngũ làm việc cho Tổng thống Trump bùng nổ khi ông Zelensky nói với các phóng viên rằng ông Trump đang sống trong một “mạng lưới thông tin sai lệch”.
Tổng thống Trump đã nói riêng với các phụ tá đi cùng ông ở Florida rằng ông muốn phản hồi trực tiếp tuyên bố của ông Zelensky, dẫn đến bài đăng giận dữ của ông chủ Nhà Trắng trên mạng xã hội.
“Thật đáng thất vọng. Có cảm giác rằng cuộc chiến tàn khốc này phải dừng lại và con đường này đang bị thu hẹp thông qua các tuyên bố công khai của ông Zelensky”, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Theo quan điểm của Tổng thống Zelensky, cái kết của cuộc chiến mà Tổng thống Trump đang hình dung có vẻ rất giống với những gì Nga đã nêu ra. Các thành viên trong chính quyền của Tổng thống Trump đã loại trừ tư cách thành viên NATO của Ukraine và cho biết quân đội Mỹ sẽ không giúp đảm bảo an ninh cho Ukraine khi chiến tranh kết thúc.
Trước đó, trong suốt nhiều tháng, ông Zelensky đã cẩn trọng tìm cách tránh sự rạn nứt hoàn toàn với người đồng cấp mới ở Washington. Ông Zelensky đã sắp xếp một cuộc họp ngay từ những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái nhằm xoa dịu sự hoài nghi của ông Trump, khi đó là ứng cử viên đảng Cộng hòa, về sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến.
Ông Trump và Zelensky cùng xuất hiện tại Tháp Trump ở Manhattan để chứng minh thiện chí hợp tác. Ông Trump khi đó nói rằng ông có “mối quan hệ rất tốt” với nhà lãnh đạo Ukraine, nhưng ông cũng có “mối quan hệ rất tốt” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Tôi hy vọng chúng ta có nhiều mối quan hệ tốt hơn”, ông Zelensky nói. “Nhưng, bạn biết đấy, cần có hai người để khiêu vũ”, ông Trump trả lời.
5 tháng sau, sự rạn nứt ngày càng lộ rõ ngay khi ông Trump bày tỏ mong muốn gặp ông Putin ở Ả rập Xê út. Một trong những chủ đề mà hai nhà lãnh đạo có thể trao đổi trong cuộc gặp là cuộc xung đột ở Ukraine.
Báo hiệu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ
Nhiều đồng minh của Tổng thống Trump cho biết, Tổng thống Zelensky đáng lẽ phải nhận ra rằng cơn giận dữ của ông Trump sắp đến.
“Ý tưởng cho rằng ông Zelensky có thể thay đổi suy nghĩ của tổng thống Mỹ bằng cách nói xấu ông ấy trên các kênh truyền thông, tất cả những ai quen biết tổng thống đều sẽ nói rằng đó là một cách rất tệ để tương tác với chính quyền này”, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho biết.
Khi giải thích những tuyên bố gây sốc của Tổng thống Trump, các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh mục tiêu chính của ông Trump – trên thực tế cũng là mục tiêu duy nhất – là chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm ở Ukraine, mà ông tin rằng đã bị chính quyền tiền nhiệm xử lý một cách tệ hại.
“Tôi không quan tâm nhiều đến bất cứ điều gì khác ngoài việc tôi muốn hàng triệu người không còn thiệt mạng nữa”, ông Trump nói vào tuần trước.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Trump sẽ đạt được mục tiêu đó bằng cách nào trong khi vẫn chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine và quan tâm tới lập trường của Nga.
Các đồng minh của ông Trump trong đảng Cộng hòa tại Washington cho rằng tổng thống có thể đang vạch ra một kế hoạch lớn trong đầu.
Các chuyên gia nhận định ông Trump có thể đang gạt nhà lãnh đạo Ukraine và châu Âu sang một bên khi tìm cách nối lại quan hệ với Nga để giải quyết cuộc xung đột kéo dài suốt 3 năm qua. Có quan điểm cho rằng ông Trump sẵn sàng đạt được thỏa thuận giải quyết xung đột ở Ukraine theo hướng có lợi cho Nga.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện John Thune cho biết ông tin rằng Tổng thống Trump và đội ngũ của ông đang nỗ lực đạt được hòa bình ở Ukraine và “ngay lúc này, phải cho họ một chút không gian”.
Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, một thành viên của đảng Cộng hòa ở North Dakota, cho biết ông Trump “luôn định vị một điều gì đó”, đồng thời suy đoán rằng ông Trump có thể đang “định vị một cuộc đàm phán” với Tổng thống Putin thông qua những bình luận của ông về Tổng thống Zelensky.
Tuy nhiên, ông Trump sẽ yêu cầu sự đồng thuận từ ông Zelensky nếu có bất kỳ cuộc đàm phán nào kết thúc xung đột. Nếu ông nghiêm túc với quan điểm rằng quân đội Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc xung đột, ông sẽ cần các đồng minh châu Âu tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine.
Một số cố vấn và đồng minh của Tổng thống Trump cho rằng ông chủ Nhà Trắng có chiến lược khi đưa những tuyên bố cứng rắn như vậy. Một người trung thành với ông Trump, từng nói chuyện với tổng thống ở Florida trong những ngày gần đây, cho biết một lý do khiến ông Trump chỉ trích Ukraine là để ép châu Âu phải chi trả nhiều hơn cho việc bảo vệ Ukraine.
“Sự cứng rắn này có phương pháp”, một nguồn tin nói, đề cập đến báo cáo rằng Đan Mạch đã cam kết tăng chi tiêu cho vũ khí.
Một cố vấn của ông Trump cũng đồng tình với quan điểm này. “Nếu các nước châu Âu khác hành động bằng một nửa Đan Mạch, đó là một chiến thắng lớn”.
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, người vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã bác bỏ hầu hết các tuyên bố của ông Trump nhưng cho biết ông chủ Nhà Trắng đang thúc đẩy một mục tiêu lớn hơn.
“Khi nào thì chúng ta, những người châu Âu, sẽ ngừng bị chỉ trích Donald Trump và bắt đầu giúp ông ấy chấm dứt cuộc chiến này? Những tuyên bố của ông Trump không nhằm đưa ra thông tin chính xác về mặt lịch sử mà là để gây sốc cho người châu Âu hành động”, ông Johnson viết trên mạng xã hội.
Các hội nghị được sắp xếp vội vã của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris tuần này do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì cho thấy những động thái của Tổng thống Trump đang được chú trọng.
Việc Tổng thống Trump thay đổi giọng điệu đối với nhà lãnh đạo Ukraine không chỉ là động thái đáng chú ý, cho thấy sự “đổi chiều” của Mỹ giữa lúc xung đột đang diễn ra. Đây còn là bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi đáng kinh ngạc của chính quyền Trump đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, khi Washington dường như “quay lưng” với mạng lưới liên minh và bạn bè quốc tế để tìm kiếm sự hòa giải với những quốc gia từng được xem là đối thủ của Mỹ như Nga.
Ông Trump ngày càng tự coi mình là người mang sứ mệnh gìn giữ hòa bình – bất kể phải trả giá như thế nào – bỏ qua các liên minh phương Tây đang rạn nứt và sự đảo lộn chính sách đối ngoại của Mỹ.
“Chúng tôi đang đàm phán thành công để chấm dứt chiến tranh với Nga, điều mà tất cả đều thừa nhận rằng chỉ có Trump mới có thể làm được. Trong chính quyền Trump, chúng tôi sẽ làm được điều đó. Tôi nghĩ ông Putin thậm chí còn thừa nhận điều đó”, ông Trump nói vào tối 19/2.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/don-giang-cua-ong-trump-vao-ukraine-truoc-nguong-cua-dam-phan-voi-nga-20250220145947747.htm