Thương mẹ nên tôi quyết định nhượng bộ một lần nữa và sửa soạn đi lên vùng núi ấy một chuyến. Lần đầu tiên ăn tết xa nhà, mà lại là tết nhà chị gái, lòng tôi bề bộn những phân vân. Trước khi đi, tôi gọi điện thoại cho anh rể, hy vọng anh ấy chỉ dẫn cụ thể cho tôi vì nhà anh ở huyện, nơi tôi chưa tới bao giờ. Nhưng anh chỉ nói đúng một câu. “Em cứ tới bến xe thành phố. Anh sẽ đón em”.
Chị gái tôi lấy chồng sớm ngay sau khi trượt đại học ở nhà một năm. Đã thế lại còn lấy chồng xa, tít hút một thị trấn nhỏ miền núi. Kể từ khi chị lấy chồng, tôi chưa một lần gặp lại chị. Ngày chị cưới chồng, tôi mới lên mười, ốm nhom, lại say xe, nên tôi không ở trong đoàn đưa dâu và cũng chưa từng đặt chân đến nơi gia đình nhỏ của chị sinh sống. Chồng chị hơn chị năm tuổi. Chị mười chín, anh hai mươi tư, còn trẻ lắm. Chị lấy chồng năm trước thì năm sau sinh con. Đứa lớn một tuổi chị lại mang thai đứa bé. Vất vả vô cùng. Rồi một ngày cuối năm, tôi nhớ là tôi đang học lớp chín, anh rể gọi điện thoại cho mẹ tôi, nói chị gái đã bỏ nhà đi hai ngày chưa tìm thấy. Bố mẹ tôi bán vội đàn ngan lấy tiền làm lộ phí để lên nhà con rể và bàn kế hoạch đi tìm chị. Anh tôi khi đó đang học mười hai, chuẩn bị cho kỳ thi đại học còn tôi chuẩn bị thi vào mười. Mẹ lên đó vài hôm thì điện về nói chị tôi ốm nặng phải nằm bệnh viện, bố mẹ tôi ở trông chị ít ngày rồi về. Nửa tháng sau bố mẹ tôi mới về. Cả hai người gầy rộc, mắt trũng sâu, lúc đó tôi mới biết chị gái tôi không còn. Mẹ tôi ốm liệt giường liệt chiếu. Bà con họ hàng chòm xóm kéo đến thăm hỏi, chia buồn. Mẹ tôi mãi mới gượng dậy được. Anh tôi đỗ trường đại học top đầu khi ấy mà chẳng ai còn tâm trạng để chúc mừng anh một câu.
Sau này, nhiều người cho rằng, cuộc hôn nhân bất hạnh và sự ra đi của chị gái đã ám ảnh tôi, khiến tôi không dám yêu đương. Tôi cũng không muốn giải thích vì khi ấy có nói, cũng chưa chắc ai đã hiểu về căn bệnh gọi là trầm cảm mà chị tôi mắc phải. Mặc kệ những mối lái, dẫn dắt, tôi bình thản hưởng thụ những năm tháng tuổi trẻ theo cái cách của những người độc thân, dành thời gian tạo dựng một vị trí vững vàng trong cơ quan. Anh trai tôi đã cưới vợ sinh con. Chị dâu là người quan tâm đến chuyện yêu đương của tôi nhiều nhất. Chị và mẹ nhiệt tình mai mối, dẫn tôi đi xem mắt hàng chục đám, rồi kết hợp cả tâm linh, thầy nọ bà kia, hết đền lại phủ. Cả giải tiền duyên, cắt duyên âm, cầu duyên dương cho tôi, chị đều làm hết. Tôi vẫn trơ ra như một cái cây có lá nhưng không chịu trổ hoa. Và cái ý tưởng tác hợp tôi với anh rể cũng là của chị. Mẹ tôi nói, con rể bà gà trống nuôi con mười lăm năm. Coi như đã có thử thách. Tôi nghe kế hoạch của hai người mà buồn cười lắm. Thời nào rồi mà mẹ và chị còn làm cái chuyện ấy chứ. Tôi và anh rể mới chỉ gặp nhau một lần vào dịp anh trai tôi cưới vợ. Cũng cách đây bốn năm rồi. Tôi không có bất cứ ấn tượng nào về anh cả. Nay tôi 30 còn anh rể 44. Mười bốn năm là khoảng cách của hai thế hệ. Tuy nhiên, tôi từng theo mẹ và chị dâu đi mòn gót các cuộc ra mắt từ người âm tới người dương, thêm một cuộc gặp anh rể nữa cho vừa lòng hai người thì có khó khăn gì. Nốt ải này, lần sau mẹ và chị làm gì còn trò nào nữa. Bản lĩnh của trưởng nhóm độc thân có tới mấy trăm thành viên như tôi, đâu dễ bị thao túng.
Đúng lịch, đêm hai mươi sáu tết, tôi bước lên chuyến xe giường nằm để lên tỉnh biên giới. Chiếc va li kéo cỡ lớn để dưới bụng xe. Tôi chỉ đeo một cái ba lô nhỏ bằng da nhảy lên xe. Ngày tết, xe rất đông người. Tôi đắp ngang bụng tấm chăn len của nhà xe và khẽ hé mắt nhìn xung quanh. Hình như tất cả đều ngủ rồi. Tôi là một trong số những người lên xe lúc 0 giờ nhưng do book vé sớm mà tôi vẫn có giường nằm ở tầng một khoang giữa. Tôi đang định tắt chuông điện thoại để không phiền mọi người xung quanh thì có tin nhắn của Trung, anh rể tôi. “Loan cứ ngủ một giấc đi. Mấy giờ xe tới”. Tôi nhắn. “Vâng. 5 giờ 30 ạ”.
Tôi quá quen những chuyến công tác lênh đênh xe tàu, ngồi tôi còn ngủ được chứ không nói là nằm. 4 giờ 30 phút xe đã tới thành phố. So với giờ tôi báo cho anh thì còn một tiếng. Tôi kéo va li vào khu ghế chờ trong bến xe. Tôi lấy hộp thuốc lá bạc hà loại dành cho nữ ra, đốt một điếu. Loại này hộp mười điếu, tôi đã hút tám, đây là điếu thứ chín. Mỗi năm tôi hút thuốc một lần, mỗi lần một hộp, phải đúng là loại thuốc lần đầu tôi đã hút. Như một sự tưởng nhớ về một bi kịch đã xảy ra trong đời tôi, mang đến cho tôi một bài học lớn lao. Đó là khi tôi nằm bệnh viện, toàn thân ê ẩm, bứt rứt đau đớn. Cô bạn thân tới thăm đã cho tôi hộp thuốc và bảo, khó chịu quá thì hút nửa điếu, sẽ êm ngay. Quả nhiên là cô ấy nói đúng.
Tôi mơ màng thả khói và nghe tiếng đồng hồ tích tắc ở đâu đó vọng lại. Bỗng có một người đàn ông mặc bộ đồ thể thao màu xanh da trời, chân đi giày Adidas ghé lại. “Bạn có thể cho mình xin điếu thuốc được không?”. Tôi lấy điếu thuốc cuối cùng mời anh ấy. Anh đặt thuốc lên môi và ghé sát khuôn mặt lại gần tôi để lấy lửa theo cái cách mà những người hút thuốc thân thiết với nhau vẫn hay làm. Đúng lúc ấy, tôi nhận ra anh. Chúng tôi mỗi người hút xong một phần ba điếu thuốc thì dụi vứt đi và anh giúp tôi kéo đồ. Vừa đi anh vừa hỏi tôi mệt không. Tôi bảo không mệt vì tôi đi lại quen rồi. Khi xe chạy, anh lại nói tôi cứ ngủ đi vì còn sớm lắm. Từ đây về nhà là 56 km. Nhưng tôi ngủ đủ rồi nên giở điện thoại ra nghịch.
Đường lên cao nguyên dốc quanh co nhưng không quá khó đi như tôi tưởng. Có lẽ bởi anh chạy xe quen đường. Dân công trình, đi lại nhiều, ai chả thế, có gì mà phải ngưỡng mộ. Hơn sáu giờ sáng thì chúng tôi về tới nhà. Đứa cháu gái lớn của tôi học đại học năm nhất, nghe anh nói chiều sẽ về nhưng còn ghé nhà cô bạn thân dưới thành phố đến hôm sau mới về Bắc Hà. Còn cậu em đang học mười một đã dậy rồi, đang nấu nướng gì đó dưới bếp.
Ngôi nhà của ba bố con gọn gàng xinh xắn nằm giữa một vườn mận tam hoa đang mùa đơm nụ chi chít. Nắng ấm lên, mận mà nở hoa, chắc là đẹp lắm. Cả những cây chanh ngay trước hiên nhà cũng sai nụ. Thằng bé bước ra ngoan ngoãn: “Cháu chào dì ạ”. Rồi nó lại chui tụt vào bếp như đang dở việc. Tôi lấy quần áo đi tắm gội, giải phóng cơ thể khỏi mùi xe bám đầy trên tóc và da. Khi tôi xong việc, anh đưa tôi lên phòng thờ chị gái tôi. Anh đánh lửa châm ba nén hương một cách thuần thục, cắm vào bát hương. Tôi xếp trái cây và bánh ngọt đem theo ra đĩa bồng, sau đó cả anh và tôi cùng quỳ xuống chiếu, tôi trước anh sau. Anh lẩm rẩm khấn gì tôi nghe không rõ. Còn tôi cũng niệm khấn ở trong lòng với cảm giác có lỗi vì thắp hương cho chị chỉ là một phần trong mục đích của chuyến đi. Khi xuống nhà, anh đưa tôi vào phòng của cháu gái tôi và bảo. Nhà chỉ có ba phòng của ba bố con. Em nghỉ với cháu hoặc anh sang ngủ với cu út, em dùng phòng của anh cũng được. Tôi tỏ ra dễ dãi. Thôi em ở đây với Như – tên cháu gái tôi. Bây giờ, anh đưa em đi thăm mộ chị nhé. Anh đồng ý. Cu Thịnh thò đầu ra khỏi cửa phòng nói. Dì với bố đi trước đi, con đang chuẩn bị lên nhà bạn làm tất niên. Mai chị về rồi hai chị em con đi sau. Mới hai bảy tết mà đã tất niên rồi đó. Tôi nói thế thì anh rể cười. Ở vùng núi, ăn tất niên từ hai mươi ba tháng chạp trở đi rồi dì ạ.
Trên xe, anh nói, chúng ta đi ăn sáng trước đã nhé. Em có muốn ăn phở gà không? Gà Bản Phố ngon có tiếng đấy. Tôi nói thế nào cũng được. Bước vào quán phở, mấy đứa nhân viên trẻ tò mò liếc qua tôi rồi hỏi. Có bún, phở gà, bún, miến ngan, cô chú ăn gì? Anh nhanh nhẹn nói. Cho hai bát phở gà nhé. Ông chủ quán nháy nháy mắt nhìn chúng tôi. Anh rể chỉ vào tôi và giới thiệu: “Đây là dì Loan”. Rồi anh chỉ vào ông chủ quán phở mà nói: “Đây là anh Luân, anh rể của anh. Nhà anh có hai chị em thôi. Chị gái anh đang trong bếp”. Tôi khẽ cười một cái. Vậy ra, anh rể đưa tôi tới chỗ người nhà. Đúng lúc ấy thì nhân viên bưng phở ra. Anh nhanh nhẹn lau thìa, đũa cho tôi và hỏi. Ăn một chút chanh ớt nhé? Tôi gật đầu thì anh lại làm nốt những việc vắt chanh và lấy vào bát phở của tôi một ít ớt măng ngâm giấm. Sau đó anh giục, ăn đi cho nóng. Lúc này tôi mới có dịp quan sát anh rể. Bởi vì hai chúng tôi ngồi đối diện nhau. Quả thật anh rể thuộc tuýp đàn ông rất mực nam tính. Sự phong trần từng trải điểm tô cho nét quyến rũ của đàn ông. Tôi đoán, kế hoạch của mẹ tôi anh cũng biết và anh đang ân cần với tôi để ghi điểm. Khi tôi vừa ăn xong thì chị gái anh bước ra. Người phụ nữ có khuôn mặt trắng hồng trông nhanh nhẹn tháo vát và khá hiền hậu. Chị chăm chú quan sát tôi như thể thầm đưa ra một nhận xét mà tôi đoán là: “Trông dì Loan không giống mợ Hạnh cho lắm”. Hạnh là chị gái tôi. Chị giống bố, còn tôi giống mẹ. Chị hỏi tôi phở ngon không và hẹn tôi chiều ba mươi đến nhà chị ăn tất niên. Tôi không thể từ chối. Vì nhà anh rể chỉ có hai chị em thôi.
Trên đường tới nghĩa trang, anh nói chị tôi thích cẩm tú cầu nhưng mùa này chưa có thì cứ mua hoa hồng cho chị. Tôi và anh ghé vào chợ mua một bó hoa hồng trắng rất đẹp. Tại nghĩa trang, người đi tảo mộ khá đông. Tôi và anh đều không biết nói gì trước chị. Bao nhiêu điều tôi chuẩn bị trong lòng đều không thể nói ra. Nhưng tôi tin chị hiểu tôi. Rời nơi chị an nghỉ, lòng tôi trĩu nặng. Anh nhìn tôi như thăm dò gì đó rồi nói còn sớm, anh muốn đưa tôi đến một nơi rất đẹp. Tôi đồng ý. Gì chứ, nói đến cảnh đẹp là tôi thích rồi. Thăm thú, du lịch, phượt… là một trong những hoạt động thể chất và tinh thần chủ đạo của nhóm độc thân chúng tôi vào mỗi dịp nghỉ lễ hay sự kiện gì đó trong năm. Trên đường đi, anh nói, nơi anh đưa tôi đến là một vườn mận cổ thụ, nó luôn nở sớm nhất ở đây. Những vườn khác, phải cuối tháng hai đầu tháng ba dương lịch, trời ấm lên, hoa mới nở rộ. Còn vườn mận này, trời rét nó vẫn nở vì nó nằm trong một hẻm đồi kín gió và rất ấm. Nó thường nở sớm như đào tết mà không cần người can thiệp. Người đến vườn mận này đông lắm, nhất là những ngày tết. Chi bằng hai anh em đi sớm, cho thoáng. Đúng như anh nói. Tôi choáng váng vì cái màu trắng kiêu sa tinh khiết của hoa mận. Hai người giống như một đôi đang dạo bước giữa thiên đường tình nhân. Đấy là suy nghĩ chợt vụt qua trong đầu tôi. Anh chụp cho tôi rất nhiều bức ảnh đẹp. Thậm chí còn nhờ chủ vườn chụp ảnh cho hai chúng tôi. Để tránh anh có sự hiểu lầm, cho rằng tôi cũng có tình ý với anh, nên tôi chủ động nói trước. Em lên đây để thăm anh chị, các cháu và cũng để vừa lòng mẹ. Chứ em không có ý định lấy chồng. Em cũng không muốn làm chị gái em buồn lòng. Do đó, anh em mình, không thể nào, dù em cũng rất thương anh. Anh nhìn tôi, ánh mắt hơi sẫm lại. Tôi nghe mẹ kể. Ngày trước, vì đẻ dày quá, lại thêm áp lực không có nghề nghiệp gì, ăn bám chồng, nên chị tôi bị trầm cảm sau sinh. Anh là kỹ sư xây dựng mới ra trường, lăn lóc khắp các công trình xa nhà. Một lần anh về, khi ấy cu Thịnh hai tuổi đang bị chị gái tôi cầm chân xách lên cho bớt khóc. Anh rể sợ chị mất kiểm soát sẽ hại con nên đã tách ly chị và thằng bé. Chỉ sau một đêm không để chị ở bên con, sáng ra, anh không thấy chị đâu nữa. Sau hai ngày tìm kiếm chị không thấy anh mới gọi cho bố mẹ tôi. Và ba ngày sau, chính mẹ tôi là người tìm thấy chị trong rừng. Chị tôi đã ăn lá ngón. Mẹ tôi vì đau lòng quá mà hận con rể và gần như tuyệt giao. Còn anh, bi kịch ấy ám ảnh nhiều năm trời. Anh cũng không dám đối diện với bố mẹ và anh em tôi.
Ký ức đó đột nhiên nhắc tôi giữ khoảng cách với anh dù càng lúc tôi càng thấy anh dễ gần và cởi mở, giống như anh trai tôi. Mà đã là anh trai thì có gì phải kín kẽ ý tứ quá. Tôi bảo với anh là đừng nghĩ ngợi gì nữa. Cả nhà tôi, không ai trách anh đâu, chuyện cũ qua rồi. Ai cũng thương anh và các cháu. Chúng tôi chơi đến trưa ở vườn mận rồi mới về nhà.
Buổi tối, sau khi cùng hai bố con anh ăn cơm xong thì cu Thịnh chui vào phòng cho ấm. Đêm cao nguyên rất lạnh. Anh hỏi tôi có muốn đi đâu chơi nữa không anh đưa đi, nhưng tôi mệt rồi. Cuối năm nhiều việc, một trưởng phòng kinh doanh như tôi không có chút thời gian nào để nghỉ ngơi. Được nghỉ tết thì đã ngược núi luôn rồi, đến cả quà cáp cũng là mẹ tôi chuẩn bị, quần áo đồ đạc cũng do mẹ gấp và xếp vào va li. Vì thế, chỉ sau khi đặt lưng xuống giường là tôi đã ngủ ngon lành. Nửa đêm thức giấc, thấy khát, tôi mở cửa đi ra phòng khách uống nước. Ngang qua phòng anh thấy le lói sáng, cửa khép hờ. Tôi tò mò nhìn vào thấy anh còn thức. Anh vặn nhỏ tiếng tivi để xem bóng đá. Hóa ra, đây chính là thứ mang tên “khoảng cách thế hệ”. Anh ngạc nhiên hỏi. Sao em không ngủ nữa đi, mới một giờ thôi mà. Tôi nói tôi khát nước nên dậy uống. Anh vội vàng đứng lên, đi ra phòng khách lấy nước ấm cho tôi. Khi uống xong, tôi định quay lại phòng ngủ thì anh cầm tay tôi giữ lại. Tôi khá bối rối nhưng vẫn đủ tỉnh táo. Tôi nghĩ đến nước cờ cuối cùng. Rất có thể, với nước đi này, tôi sẽ hoàn toàn phá vỡ cái sự sắp đặt điên rồ vô lý của mẹ và chị. Tôi ngồi xuống cạnh anh, bình thản kể về mối tình duy nhất vỏn vẹn một năm của tôi với người đồng nghiệp thuở tôi mới ra trường. Tôi kể chuyện tôi bị người yêu cũ của anh ấy tổ chức đánh ghen tập thể một trận kinh hoàng trong con hẻm vắng khi tôi trên đường đến lớp tiếng Anh buổi tối. Không chỉ thương tích đầy mình, tôi còn bị cắt tóc, xé áo, quay clip rêu rao lên mạng xã hội như một kẻ thứ ba bị trừng trị. Bảy năm đã qua đi, tôi dường như đã đoạn tuyệt hoàn toàn với cảm xúc trai gái. Anh bóp nhẹ hai vai tôi, xoay người tôi lại và đặt lên môi tôi một nụ hôn dịu dàng. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại không phản đối anh. Phải chăng, khi tôi kể về nỗi đau đớn từng trải qua thì nỗi đau ấy tái hiện và tôi vẫn cần đến sự vỗ về xoa dịu? Thế còn nỗi đau của chị tôi thì sao? Một nụ hôn mà phải đi qua rất nhiều giằng xé mới có được, tất nhiên nó mang vị mặn của nước mắt.
Đêm giao thừa, anh dẫn tôi vào vườn mận rất đẹp của gia đình. Anh nói những cây mận này vừa tròn bảy năm tuổi, cây nào cũng sai nụ, lác đác những bông trắng điểm nõn nà. Mỗi cây được giăng một dây đèn nháy lấp lánh. Không khí tết ở vùng cao đậm đặc và náo nức hơn ở vùng xuôi rất nhiều. Quanh nhà anh có nhiều mận nhưng đêm giao thừa, chỉ vườn mận nhà anh được trang hoàng lộng lẫy như một cung điện. Tôi biết, anh muốn dành điều đó cho tôi. Còn tôi, giống như một nàng công chúa kiêu ngạo không muốn công nhận ai là hoàng tử. Anh nói, những cây mận ở độ tuổi này cho quả to mọng và ngon nhất. Tự nhiên, như nhận ra điều gì, tôi hỏi anh. Sao những cây mận này bảy tuổi chứ không ít hơn hay nhiều hơn? Anh gõ nhẹ một cái vào trán tôi rồi nói. Thật ra, chuyện của em ngày ấy, anh biết hết. Chúng ta gặp nhau lần đầu tiên không phải là bốn năm trước, mà là bảy năm. Em có nhớ, sau vụ bạo hành em phải nằm bệnh viện không? Thi thoảng, em lại trốn ra cổng sau bệnh viện để hút thuốc lá. Một tay em giơ cao chai khoáng, nhưng máu từ ven vẫn ói ngược lên dây truyền. Tay còn lại em đánh lửa châm thuốc, em rít liên tục như sợ ai trông thấy. Mặt mũi em lem màu kem nghệ và thuốc sát trùng. Những vết thương ở đầu, tóc cạo từng khoang nham nhở… Tôi sững sờ thốt lên. Thôi, anh đừng nói nữa. Chính là người mang kính đen xin lửa hôm đó phải không? Ừ. Khi ấy, anh chỉ muốn biết vết khâu trên má em đã lành chưa. Điếu thuốc ấy, anh cũng lấy từ hộp thuốc em giấu trên tường, dưới tán đậu biếc. Trước đó, anh chưa bao giờ hút thuốc. Sau này, thấy cô gái nào đó hút thuốc, anh cũng nghĩ đến em. Anh yên lòng vì thấy em mạnh mẽ hơn anh tưởng. Cả nhà không ai biết là anh đã đến bệnh viện thăm em. Bởi khi đó, mẹ còn giận anh lắm. Quay về, anh đã trồng vườn mận này, đánh dấu ngày đầu tiên anh gặp em.
Ra vậy, khoảnh khắc tồi tệ nhất, xấu xí của đời tôi, anh đã chứng kiến cả rồi. Tại sao anh lại nghĩ, chỉ tình yêu mới có thể bù đắp cho những khổ đau do tình yêu gây ra? Tôi cần gì anh phải bù đắp cho tôi. Tôi đã định nói với anh như thế. Nhưng con tim đã ngăn tôi lại, khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới đã ngăn tôi lại. Không cho tôi nói những lời có thể làm tổn thương anh. Vì tôi biết, tình cảm anh dành cho tôi là thật lòng. Hai đứa trẻ từ trong nhà chạy ra. Chúng đặt máy ảnh ở chế độ tự chụp rồi hô lên. “Cả nhà mình chụp ảnh nào”. Thật tự nhiên, anh ôm lấy tôi, kéo đầu tôi dựa nhẹ vào vai anh. Hai đứa trẻ đứng sát phía sau. Cu Thịnh cầm tay tôi để lên vai bố nó, hướng dẫn: “Dì và bố cười lên nào”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-xin-lua-truyen-ngan-cua-tong-ngoc-han-185250101173727415.htm