Thứ ba, Tháng Một 28, 2025
HomeThời SựNguyên bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Đất nước...

Nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Đất nước tư tin bước vào kỷ nguyên mới - Ảnh 1.

Ông Phạm Quang Nghị – Ảnh: NAM TRẦN

Năm mới, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Nghị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội.

Ông Phạm Quang Nghị chia sẻ:

– Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng dù chưa kết thúc, nhưng tại thời điểm này nhìn lại chúng ta đều vui mừng trước các thành tựu đạt được khá toàn diện và ấn tượng của đất nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 dự kiến 7% và cả nhiệm kỳ sẽ là khoảng 6%. So với chỉ tiêu đề ra và tương quan với các nước trong khu vực, thế giới, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở nhiệm kỳ này ở mức cao.

Trong khi khó khăn chung của toàn cầu về cạnh tranh địa chính trị – kinh tế rất gay gắt. Rất ít nước đạt được mức tăng trưởng như chúng ta.

Nhiệm kỳ vừa qua tuy có những thay đổi, biến động về nhân sự ở cấp cao nhưng môi trường chính trị của Việt Nam vẫn rất ổn định.

Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đây là điều mà thế giới nhìn thấy rất rõ.

Trong bối cảnh ấy, kinh tế – xã hội chẳng những không bị đảo lộn mà càng về cuối nhiệm kỳ càng tăng tốc, đạt được các kết quả vượt bậc.

Cùng với đó là những thành tựu vô cùng đặc sắc về quan hệ đối ngoại. Đến nay Việt Nam đã chủ động xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với cả năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – một thành tựu mà quốc tế ghi nhận như là một kỳ tích về đối ngoại của Việt Nam.

Bên cạnh đó là kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; những kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, khắc phục hậu quả thiên tai…

Với những thành tựu to lớn nói trên, không chờ hết nhiệm kỳ, đất nước đã và đang tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình thực hiện khát vọng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.

“Việc hợp nhất hai cơ quan, đơn vị bao giờ cũng khó hơn là tách ra. Nhập vào thì nhiều người lo, tách ra thì nhiều người mừng. Nhưng để bộ máy cồng kềnh thì đất nước và nhân dân bị khổ. Nói như dân gian, tách ra là mọi người được “thêm mâm, thêm bát”. Nhập vào thì ngược lại, nên hợp nhất, tinh gọn luôn là việc khó”.

Ông PHẠM QUANG NGHỊ

Đất nước tư tin bước vào kỷ nguyên mới - Ảnh 2.

Một góc TP Hà Nội hiện nay – Ảnh: HỒNG QUANG

* Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ Đại hội XIV của Đảng sẽ là thời điểm bắt đầu của kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện điều này, theo ông, cần chuẩn bị những yếu tố gì?

– Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của đất nước và khát vọng của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tinh thần bước vào kỷ nguyên vươn mình – kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã thống nhất xác định kỷ nguyên mới được bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng.

Tinh thần kỷ nguyên mới thể hiện khát vọng hùng cường, giàu mạnh của đất nước mà Đảng có sứ mệnh phải đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi đó của nhân dân. Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.

Thực hiện mục tiêu, khát vọng này là để dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Việc xác định phải ra sức thực hiện những yêu cầu, đòi hỏi ấy của đất nước cũng có nghĩa không cho phép chúng ta bỏ lỡ những cơ hội phát triển mà có lúc chúng ta từng bỏ lỡ.

Để thực hiện được điều này thì công việc quan trọng hàng đầu là phải khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước.

Làm sao để mọi người đều dốc sức, đồng lòng, kề vai sát cánh bắt tay vào công việc thật khẩn trương, mạnh mẽ, quyết liệt, tăng tốc. Nhìn lại chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã từng làm được những chiến công lẫy lừng như vậy.

Nếu hiểu cách mạng là sự thay cũ đổi mới; là sự tiến bộ và phát triển nhanh chóng, vượt bậc; là sự tác động mạnh mẽ, sâu rộng trong đời sống xã hội thì khát vọng vươn mình là một cuộc cách mạng. Cách mạng để xây dựng, phát triển, tiến lên với một tốc độ bứt phá, vươn mình.

Đất nước tư tin bước vào kỷ nguyên mới - Ảnh 3.

Một góc TP Hà Nội hiện nay – Ảnh: HỒNG QUANG

Tinh thần bàn ít – làm nhiều

* Một trong những việc rất quan trọng đang được thực hiện là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Là người từng chứng kiến không ít lần cải cách, tinh gọn bộ máy, ông thấy cuộc cách mạng lần này khác gì những lần trước?

– Đây không phải lần đầu tiên chúng ta nêu vấn đề này, mà từ Đại hội VII của Đảng, Trung ương cũng đã có nghị quyết. Đến nhiệm kỳ Đại hội XII tiếp tục có nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Hiện nay, tinh thần của Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đều nhấn mạnh việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị là tiếp tục thực hiện nghị quyết 18-NQ/TW.

Vấn đề này trong Đảng đã nói nhiều lần và cũng có nhiều người đã nhận ra sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị của chúng ta. Và cũng chính trong bộ máy ấy rất nhiều ý kiến muốn sửa chữa, thay đổi.

Một vài địa phương, một số cơ quan cũng đã mạnh dạn làm thí điểm, nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc tinh gọn bộ máy và cán bộ chưa đạt được như kỳ vọng. Bộ máy vẫn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Lần này điểm khác biệt lớn so với các lần trước chính là quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ bên trên cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương. Ban Chỉ đạo Trung ương định rõ ra thời điểm cụ thể phải hoàn thành.

Đồng thời thực hiện không chỉ ở bộ máy Chính phủ mà cả các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các địa phương… Tất cả đều phải vào cuộc với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”; “chỉ bàn làm, không bàn lùi”…

Lần này còn khác các lần trước là thực hiện với tinh thần bàn ít – làm nhiều. Trước đây khi thực hiện những việc như vậy thường tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học nhưng cuối cùng mọi việc lại nguyên như cũ. Bởi thế mới có câu việc gì không muốn làm thì đưa ra bàn, còn cái gì định làm thì đừng bàn hoặc bàn ít. Cái hay, cái mới của lần này là bàn ít nhưng làm thật, làm mạnh mẽ, quyết liệt.

Trước đây thường đưa ra làm thí điểm, nhưng thí điểm một hồi rồi tổng kết là để nguyên như cũ. Lần này không làm thí điểm, mà thực hiện đồng bộ trong cả bộ máy của hệ thống chính trị.

Điểm khác biệt nữa của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này là sự thống nhất cao trong lãnh đạo cấp cao, rằng đây là việc cấp bách, phải làm.

Chần chừ nữa sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước mà Cương lĩnh đã đề ra: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thêm vào đó, thế giới đã và đang tiến lên, phát triển, thay đổi từng ngày, từng giờ. Chúng ta sẽ bị tụt hậu, bỏ rơi ngày càng xa nếu không khẩn trương thay đổi.

Chạy chức, chạy quyền – “lỗi của anh em nửa ít, lỗi của lãnh đạo nửa nhiều”

* Năm 2008, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, ông là bí thư Thành ủy Hà Nội mở rộng. Khi đó, hàng trăm đầu mối phải sắp xếp lại, trước hết là việc lựa chọn cấp trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể. Bài toán khó này đã được giải quyết thế nào để không có đơn thư khiếu kiện, mọi cán bộ đều “tâm phục khẩu phục”?

– Khi Hà Nội hợp nhất với Hà Tây cũng phải giải những bài toán khó: ai làm trưởng, ai làm phó, ai ở lại, ai ra đi, thậm chí ai phải nghỉ…

Đó là những việc liên quan đến quyền, lợi ích của con người. Sắp xếp, bố trí cán bộ là công việc rất khó nhưng lại phải làm đồng thời với sắp xếp bộ máy. Một công việc vừa cần thiết vừa quan trọng, vì đây như đầu não của cơ thể con người. Bộ não có làm việc, có “chỉ đạo” thì những bộ phận khác mới hoạt động được.

Dĩ nhiên tâm tư cán bộ chắc nhiều người cũng không vui, đặc biệt là những người đang là cấp trưởng bây giờ xuống làm phó. Rồi những người đang ở sở, ngành bây giờ phải về các quận, huyện. Thậm chí có người phải tinh giản…

TP Hà Nội đã chủ động đề ra một số cơ chế, chính sách đặc thù. Khi ấy thuận lợi là chỉ có Hà Nội tiến hành hợp nhất nên không bị ràng buộc phải theo một khuôn mẫu nào và cũng không chờ Trung ương nghiên cứu.

Hà Nội tự đề xuất cơ chế, chính sách và nói chung những sự vận dụng này đều được Trung ương chấp thuận. Chấp thuận vì nó hợp lý, cần thiết, giúp cho công việc sắp xếp dễ dàng, thuận lợi.

Ví dụ, khi hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, hai cấp ủy và hai HĐND được giữ nguyên số lượng nhân sự.

Trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương, lúc đầu các đồng chí ấy không đồng tình nhưng tôi nói Thành ủy, Tỉnh ủy là do Đại hội Đảng của hai địa phương bầu ra, HĐND do cử tri, do nhân dân bầu ra, nên dù đông cũng phải giữ nguyên, chờ sang khóa sau mới giảm bớt được.

Còn các sở, ban, ngành, Hội, đoàn thể… thì nhất định phải giảm cấp trưởng, cấp phó và giảm đầu mối. Chính sách đặc thù thứ hai là những người cấp trưởng nhưng do hợp nhất không làm cấp trưởng nữa thì được giữ nguyên lương và phụ cấp trách nhiệm đến hết nhiệm kỳ.

Anh em không có sai lầm, khuyết điểm gì, vì thực hiện chủ trương hợp nhất không nên cắt chế độ của họ. Khi hợp nhất số lượng cấp phó nói chung đều tăng gấp đôi, có nơi hơn gấp đôi. Ví dụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đó vốn là bốn sở, khi ấy có 2 cấp trưởng và 13 cấp phó. Sau đó TP phải điều động một số đồng chí về quận, huyện.

Thứ ba, những cán bộ đang làm việc ở TP nay điều động về địa phương, cơ sở sẽ được phụ cấp xăng xe đi lại. Tôi muốn nói lại một chủ trương quan trọng, vốn ban đầu thực hiện rất khó, đó là luân chuyển cán bộ về các địa phương.

Hầu như ai cũng ngại đi. Nhưng vì TP có cơ chế, chính sách đúng đắn, quan tâm đến quyền và nghĩa vụ đối với các đồng chí được điều động về địa phương, cơ sở nên về sau cán bộ còn mong chờ đến lượt được luân chuyển. Vì chưa luân chuyển thì chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, đề bạt. Nề nếp này được duy trì thực hiện tới bây giờ.

Thứ tư, khuyến khích cán bộ xin nghỉ hưu sớm và được hưởng chế độ hưu trí tại thời điểm nghỉ hưu. Khi thực hiện chính sách này cũng rất vướng với chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay, nó không khuyến khích cán bộ nghỉ hưu sớm.

* Phân công cán bộ như ông vừa nói đấy là việc khó nhất. Còn sắp xếp bộ máy thì sao?

– Cả hai việc đều khó, nhưng ra quyết định hợp nhất tổ chức, bộ máy là quyết định hành chính, không khó lắm. Còn quyết định phân công sắp xếp cán bộ là việc liên quan, đụng chạm đến tâm tư, chức quyền và lợi ích của con người.

Chúng ta không thể giản đơn, duy ý chí được. “Miếng ăn là miếng tồi tàn. Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”.

Tôi nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất hay đọc câu này trong các hội nghị cán bộ. Lênin cũng có câu nói nổi tiếng: “Nếu các định lý toán học mà đụng chạm đến lợi ích con người thì người ta cũng tìm cách bẻ cong nó đi”. Những thói hư tật xấu – hoặc đức tính tốt – của con người nó có sức mạnh kinh khủng lắm.

Đất nước tư tin bước vào kỷ nguyên mới - Ảnh 4.

Một góc TP Hà Nội hiện nay – Ảnh: HỒNG QUANG

* Lâu nay tình trạng cán bộ chạy chức, chạy quyền diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Vậy ngày ấy có hay không tình trạng “chạy” như mọi người vẫn nói?

– Không ai dám khẳng định ngày ấy tuyệt đối không có người “chạy”. Rất có thể vẫn có một vài trường hợp ở đâu đó mình không kiểm soát hết được. Nhưng việc để xảy ra tình trạng như dư luận cảnh báo trước khi sắp xếp thì hoàn toàn không xảy ra.

Nếu có thì vụ việc đã ầm ĩ lên, đã đến tai nhiều người. Cho đến bây giờ tôi vẫn cho rằng nơi nào để cho anh em phải “chạy” thì lỗi của anh em nửa ít, lỗi của lãnh đạo nửa nhiều. Anh em họ cũng tinh lắm, chạy được thì họ mới chạy. Chạy mà không được thì chẳng ai dại gì chịu mất tiền mà không được việc.

* Ngày ấy có phải xử lý cán bộ nào không chấp hành sự phân công của tổ chức, thưa ông?

– Có, tuy không nhiều. Tôi nhớ có một phó giám đốc sở được phân công đi làm phó chủ tịch một huyện, đồng chí cán bộ đó làm đơn trình bày “tôi không có năng lực làm lãnh đạo quản lý chính quyền nên xin phép lãnh đạo cho tôi ở lại”.

Họp Ban Thường vụ tôi nói đồng chí này đã tự nhận mình không có khả năng làm công tác lãnh đạo quản lý thì ở lại cũng được, nhưng không được giữ chức vụ phó giám đốc sở nữa. Ý kiến của tôi được truyền đạt và đồng chí đó lập tức nhận quyết định đi về huyện.

Một quyết định rất nhẹ nhàng. Lúc ấy nếu đồng ý cho cán bộ này ở lại thì bao nhiêu cán bộ khác cũng sẽ xin ở lại. Làm công tác cán bộ mà công tâm, khách quan thì kỷ cương, kỷ luật mới nghiêm được.

Môi trường ổn định còn là tiền đề chính trị, xã hội thuận lợi để bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ mang tính đột phá, không chờ bước sang nhiệm kỳ mới, như đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh gọn bộ máy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Đất nước có được sự ổn định chính trị, có đủ điều kiện chủ quan, khách quan và các nguồn lực cần thiết mới tự tin triển khai những công việc lớn lao và quyết liệt như vậy.

Nguồn: https://tuoitre.vn/nguyen-bi-thu-thanh-uy-ha-noi-pham-quang-nghi-dat-nuoc-tu-tin-buoc-vao-ky-nguyen-moi-20250107164008639.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay