Chủ Nhật, Tháng hai 23, 2025
HomeĐời Sống“Nhiều chưa chắc đã đa dạng”

“Nhiều chưa chắc đã đa dạng”

Sau live concert Một mình bao la (2024) tạm gói lại hành trình 30 năm từng khắc họa nên một Đỗ Bảo tinh tế và nhã nhặn của tình ca, mới đây tác giả Những mùa đông yêu dấu đã có thêm một chuyển động có phần lặng lẽ nhưng còn dày công hơn. Nếu như live concert 30 năm chỉ lấy mất của anh nửa năm chuẩn bị thì cuốn sách nhạc ghi lại 100 ca khúc mà Đỗ Bảo đã sáng tác trong một phần tư thế kỷ, từng xuất hiện trong 3 album Cánh cung và 2 live concert hoặc chưa từng công bố, cùng những suy tư thế cuộc… đã lấy đi của anh gần 10 năm trời đắp đổi, thai nghén.

- Ảnh 1.

Với diva Hà Trần trong live concert Một mình bao la (2024)

- Ảnh 2.

1997 – 2022, gạch nối 25 năm ấy vì sao được chọn?

1997 là năm có những thay đổi trong nhận thức của tôi, nó tình cờ trở thành cột mốc khởi đầu cho những sáng tác “người lớn”, hoàn thiện hơn khi tôi đã là cậu trai 19 tuổi, bắt đầu biết yêu và có những xúc cảm mạch lạc, rõ ràng hơn về tình yêu cũng như cuộc đời như Cỏ mềm, Cánh buồm đỏ thắm…, thay vì chỉ là sản phẩm của suy diễn và tưởng tượng, tập tọe viết bừa như hồi còn là cậu học sinh 14-15 tuổi.

Còn 2022 thì chính là năm hậu Covid-19, khoảng thời gian giãn cách xã hội yên ắng kéo dài trước đó giúp mình dừng lại quan sát kỹ hơn chặng đường trước đó và sẵn sàng chuyển qua một giai đoạn sáng tác mới, không theo vệt cũ nữa. Khép lại chuỗi album Cánh cung, chẳng hạn. Như một con thuyền vừa đi hết một hải trình, giờ nghỉ ngơi trước khi tìm tới một hành trình mới, một bờ bến mới.

1997 là cột mốc biết yêu, 2022 là cột mốc… biết sợ?

Không hẳn là biết sợ. Căng và chùng thì đúng hơn. Sự căng tràn của tuổi trẻ và chùng lại của chiêm nghiệm, có lẽ thế.

Một chuyển động công phu nhưng có phần lặng lẽ để có thể ra tới rộng dài công chúng, sau một năm nhạc Việt quá chừng sôi động bởi hấp lực từ các game show như Anh trai say hi…?

Vì vốn dĩ tôi là một người làm về đào tạo, cũng từng là sinh viên trường nhạc, nên quá hiểu và thấm thía rằng những thành quả của một người chơi nhạc, làm nhạc đều bắt nguồn từ những cuốn sách nhạc và băng đĩa nhạc mà họ có cơ hội được tiếp xúc. Muốn gieo trồng và gặt hái thì một trong những điều tối cần đầu tiên là những hạt giống tốt, nơi những người đi trước chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tâm huyết… của mình cho những người đi sau, những người thực sự mong muốn theo nghề một cách bài bản, lâu dài và chuyên nghiệp. Với tôi, sách nhạc là một hạt giống như vậy. Để làm một cuốn sách nhạc “made in Vietnam” công phu thì có thể nói ít tác giả sẵn sàng, chúng rất hiếm, thậm chí gần như không có, lúc này.

- Ảnh 3.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Tôi thấy nhiều năm nay ca, nhạc sĩ ở ta quen một lối làm việc thực tế, phải chạy theo những cái bề nổi, những đòi hỏi trước mắt mà quên đi hoặc coi nhẹ công việc của người gieo trồng. Cứ bảo lời khuyên trên mạng là mênh mông và dễ dàng chia sẻ, nhưng phần lớn là những chia sẻ nông hay mỏng mảnh, những “content” ngắn, thậm chí cả những chuyện đầu môi chót lưỡi. Bạt ngàn giấc mơ được vẽ ra trước mắt người trẻ nhưng không mấy ai nói rõ cho họ biết cách thức thực hiện để có thể chạm tới nó.

Đổ công đổ sức làm cho kỳ được cuốn sách nhạc này trong gần 10 năm, ngoài việc giúp các tác phẩm của mình được lan tỏa hơn, thì tôi coi đây cũng là một đóng góp đến cộng đồng những người yêu nhạc, cùng muốn làm ra một thứ âm nhạc nghiêm túc, tử tế từ góc độ người chơi, người sáng tác, ca sĩ, sinh viên trường nhạc, một người học nhạc lãng tử và cả người thưởng thức, dẫu là với một bản ghi âm hay một bản ký âm.

Khi được hỏi tới cảm giác của nhân vật chính lúc thấy mình trong những thước phim tự truyện Người giữ thời gian, Mỹ Tâm đã nói với Thanh Niên rằng: “Cô ấy vừa gần lại vừa xa”. Vậy còn cảm giác của anh, khi lật từng trang sách nhạc Đỗ Bảo?

Đó là một kẻ đã tinh lọc được mình qua những chuyện râu ria, bụi bặm của đời sống, để chỉ còn lại một tâm hồn vô tư thuần khiết cho âm nhạc. Tôi thấy rất yêu cái con người đó, cái cậu Đỗ Bảo trên sân khấu hay trong những trang sách. Đó là con người thánh thiện mình muốn hướng tới nhất, nhưng không phải lúc nào cũng được sống với nó, là nó.

- Ảnh 4.

Sách của Đỗ Bảo

- Ảnh 5.

Sinh trưởng trong một gia đình làm nghề bốc thuốc bắc, hẳn anh chẳng lạ gì nghệ thuật của sự kết hợp giữa âm và dương, thể hàn và thể nhiệt… Ngày nay người ta cũng thường hay nhắc tới khái niệm âm nhạc của sự kết hợp: dòng nhạc này trộn với dòng nhạc kia, sao cựu trào và sao đang lên, “anh trai” – “chị đẹp”… Anh có cho rằng đây là thời của việc… khó mà “đi biển một mình”?

Theo kinh nghiệm và hiểu biết của một “con nhà” bốc thuốc bắc thì không phải lúc nào, vị thuốc nào cũng cần kết hợp; có cái kết hợp là tốt, có khi chỉ cần độc vị. Ví dụ như điều trị mất ngủ thì có thể chỉ cần tâm sen, bổ máu và tăng cường sức khỏe thì tam thất… Như đã nói, tôi thích sự đa dạng, nên sẽ chẳng có công thức nào là nên khuyên dùng cho tất thảy. Đừng quên vẻ đẹp của những bó hoa đơn màu nhưng không kém phần rực rỡ, chẳng hạn như một bó hồng nhung, bao năm rồi đã ai dám chán nó.

Kết hợp bên cạnh việc giúp làm mới, một mặt cũng có thể làm giảm đi cái tôi cá nhân khiến nghệ sĩ không thể áp đặt cảm quan của mình, thẩm mỹ của mình, văn hóa của mình lên món trộn đó. Gọi là hạn chế thì không phải, mặt trái cũng không đúng, đó là có mất có được.

- Ảnh 6.

Tôi nghe rất nhiều bài hát với bản mix bắt tai nhưng không đoán được của ai viết

Xu hướng đó thực ra không lạ. Nhưng năm rồi đúng là chứng kiến cả một sự bùng nổ với sự xuất hiện của những bức chân dung song hành qua “mai mối” của các game show, khiến fan nhạc trẻ bất ngờ “lên cơn cuồng” với nền âm nhạc quốc nội, thay vì K-Pop hay Âu – Mỹ… So với thời điểm anh từng lên tiếng “không hài lòng trước một thực trạng âm nhạc thiên về công nghiệp và tính giải trí”, chuyển động nói trên của nhạc Việt lần này đưa tới cho anh cảm xúc nào?

Ở thời điểm tôi đưa ra nhận định và phát ngôn đó thì đúng là nhạc Việt đang trong một không gian hỗn mang, cộng với việc mình còn trẻ nên nhìn và nói có lẽ có phần cảm tính hơn. Giờ tôi nhìn mọi việc với con mắt trung dung hơn, dễ chấp nhận hơn, kiểu “ừ thì thế nào cũng được”, cái gì tồn tại được chắc là vì xã hội đang cần, có cung có cầu mà thôi… Hơn nữa, hoạt động công nghiệp giải trí ở ta giờ đây rõ ràng đã được nâng tầm lên rất nhiều so với trước, tần suất, mật độ và chất lượng cũng sum suê tươi tốt hơn. Và tôi cảm thấy khá là dễ chịu khi hòa vào đời sống đó.

Đấy là tôi đang nói từ hàng ghế khán giả, còn nếu từ góc độ của một nhà chuyên môn thì chắc sẽ cần tới một cái nhìn khắt khe và lý tính hơn.

- Ảnh 7.

Còn từ hàng ghế của một nhạc sĩ sở hữu một sự nghiệp sáng tác dày dặn, vững chãi; từng ngồi ghế Giám đốc âm nhạc Sao Mai điểm hẹn và Giám đốc thẩm định Bài hát Việt?

Khó tính ra mà nói thì tôi cảm thấy nhạc Việt giờ phần lớn mọi người đang cùng làm những việc tương đối giống nhau với cung cách giống nhau, thiên về bắt chước các trào lưu, thời trang, cách làm, định dạng…, tóm lại bắt chước mọi thứ; kiểu người ta làm được thế nào thì mình cố gắng làm cho giống y như thế (“người ta” ở đây ý tôi nói là nước ngoài). Và bắt chước thành công, khá là giống, thế là đã đủ để khen nhau rồi.

Bắt chước thành công thì cũng tốt thôi, ít ra cho thấy nghệ sĩ Việt, nền công nghiệp giải trí Việt giờ đủ sức đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của phần lớn khán giả trẻ vốn chuộng các trào lưu âm nhạc đến từ các làn sóng quốc tế; đã tiệm cận được các mô hình sản xuất ngôi sao và chương trình giải trí lớn… Nhưng nếu như tất cả cùng làm những việc giống nhau như thế thì tôi e là chúng ta hơi nghèo.

Chúng ta đang làm được cái mà khán giả cần, vì đã bắt chước, làm giống được cái họ sẵn sàng tiêu thụ. Nghe ra thì giống, đủ món, đủ chất lượng. Nhưng đã là nghệ sĩ thì phải có cá tính sáng tạo, con đường riêng của mình và rộng ra, cho cả một nền âm nhạc thì càng nhiều cá tính, nhiều cái đỉnh, nhiều bước tiên phong khai hoang thì mới có thể làm nên chân dung riêng có và có cái gọi là Pop Việt, nhạc Việt. Còn giờ, nhạc Việt vẫn đang thiên về sản xuất dịch vụ, khán giả vui với nghệ sĩ, nghệ sĩ đáp ứng được khán giả. Thế vẫn là chưa đủ.

- Ảnh 8.

Tôi thấy rất yêu cái con người đó, vì đó là con người thánh thiện mình muốn hướng tới nhất

Trước, ta có nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc vàng…, chừng đó ít mà lại đa dạng lối đi riêng, ở mảng nào cũng nổi lên những tên tuổi đại thụ ghi đậm dấu ấn riêng. Giờ nhiều mà chưa chắc đã đa dạng, nhiều vẫn có thể nghèo nàn.

Tôi nghe rất nhiều bài hát với bản mix bắt tai nhưng không đoán được của ai viết. Nhiều bài hát bây giờ rất ít nhạc; ý tưởng, hình tượng và cảm xúc quá mỏng, nghe cho vui tai thôi. Là bởi thế hệ bây giờ đang mải mê bắt chước thế giới, lấy một vài nguồn âm nhạc của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc làm chuẩn nhưng điều đó lại chỉ là bước sơ khai của việc sáng tạo hay làm âm nhạc thôi.

Nhiều ca sĩ trẻ thành danh nhanh theo chuẩn mô hình thần tượng Pop Star nhưng lại thiếu những cá tính âm nhạc thực sự độc đáo, thoát ra khỏi đám đông và làm nên một hệ sinh thái xung quanh họ, đủ sức dẫn đường, khai phá và xác lập điều họ làm. Người lan tỏa được tên tuổi và tác phẩm lại có khi chỉ bởi chiều được thị hiếu nhí nhố, người giỏi nghề thì chưa chắc tạo được sức hút với thị trường. Hiếm có những chân dung âm nhạc đủ mạnh để cân bằng được cả hai yếu tố đó. Tôi thấy thiếu, mà thiếu đi điều đó thì rõ nghèo nàn.

Những “bình mới rượu cũ” mang lại hiệu ứng bất ngờ như Trống cơm, Mẹ yêu con… tại game show Anh trai… hay trước đó là Hoàng Thùy Linh với các bản hit khai thác chất liệu âm nhạc dân gian thành công như Để Mị nói cho mà nghe, See tình…, hay các bản hit của Phương Mỹ Chi… Ngần đó liệu đã ít nhiều là tín hiệu lạc quan cho thấy mạch ngầm của văn hóa Việt, gia tài truyền thống của nhạc Việt vẫn đang được người trẻ nâng niu, coi trọng?

Tôi thấy Hoàng Thùy Linh với các bản hit của cô ấy, và ngay cả điệu nhảy See tình được BlackPink bắt chước kể cũng là hiện tượng thú vị đấy! Khi những người trẻ tìm đến những chất liệu truyền thống và lan tỏa nó thành công thì đó là điều đáng mừng, đáng trân trọng. Nghệ sĩ nói chung ai cũng muốn tìm được cho mình một lối đi riêng, nhưng có nỗ lực đi tìm nó không và thể nghiệm thành công hay không lại là một chuyện khác. Giờ vẫn có những người trẻ mặn lòng với các chất liệu truyền thống để nỗ lực vẽ nên bức chân dung riêng có của nhạc Việt thì còn gì bằng. Những tìm tòi lúc đầu có thể chưa hay, nhưng đến khi nó thành công thì có thể thành một thứ gì đó lớn đấy, ghê gớm đấy, không chỉ cho riêng cá nhân họ.

Với nhạc Pop đương đại, tôi cũng vẫn thấy một số nghệ sĩ độc lập rất đáng chú ý, những người bình tĩnh và ý thức giữ màu sắc của mình. Họ chỉ cần kiên trì đi tiếp, phát huy tiếp và đừng đánh mất nền tảng văn hóa sẵn có thì sẽ đạt đến những chân trời hoàn toàn bất ngờ.

Từng mắc chứng bệnh ảo giác về tiếng ồn, cũng như từng dị ứng với những “tiếng ồn” trong showbiz, vậy tới giờ, liệu anh còn bị phân tâm bởi tiếng ồn, hay đã thực sự thoát ra khỏi nó, như những ca từ đẹp anh từng viết: Bước chân người đi không hối hả/Những khuôn mặt không vất vả…?

Người viết nhạc mà bị phân tâm bởi tiếng ồn, bức xúc chuyện này, để ý chuyện kia thì rất là khổ, là không tôn trọng mình mất rồi. Nếu mình thực sự có đủ khả năng, sức lực và đam mê thì phải cho mình những điều xứng đáng chứ! Mà một trong những điều xứng đáng là sự bình yên tối thiểu để sáng tác, một không gian, không khí làm việc mà ở đó mình thực sự tôn trọng mình…

- Ảnh 9.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhac-si-do-bao-nhieu-chua-chac-da-da-dang-185250223070139219.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay