
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Ban đầu chị chới với, nhưng sau đó chị nhắc mình cần bình tĩnh, vì không ai giúp được chị tốt hơn bản thân chị. Chị biết có nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư tiến đến cái chết nhanh hơn vì suy nghĩ buông xuôi và tiêu cực, cũng như có rất nhiều người bệnh kéo dài sự sống, vẫn sống vui và có ích cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời.
Chị tự hỏi mình chọn cách sống nào, tự trả lời và bước tiếp hồn nhiên như bản chất của chị trước nay. Thậm chí chị còn an ủi, động viên ngược lại những người thân chứ không phải là họ trấn an chị.
Con gái chị vừa khóc nghẹn vừa nói: “Tại sao lại là gia đình mình, tại sao lại là mẹ?!”. Chị tếu táo trả lời con: Tại sao không thể là gia đình mình, là mẹ? Mình có phải là… bà nội của số phận đâu mà số phận phải chừa mình ra chứ!? Còn những gia đình khác, dù là ai thì cũng sẽ đau khổ, mất mát như nhau cả thôi.
Chị dạy con đừng bao giờ trách móc số phận và tự hỏi: “Tại sao lại là tôi?”. Số phận thừa sức đáp trả rằng: Tại sao không thể là bạn?
Ba mẹ chị cứ khóc sụt sùi. Chồng chị buồn và suy nghĩ nhiều đến mức không nuốt nổi cơm. Con gái chị khóc sưng cả mắt, dù chị có nói thế nào. Con trai chị cũng rất đau khổ, cháu đòi nghỉ học về với mẹ, dù đang trong giai đoạn làm luận văn tốt nghiệp ở nước ngoài.
Chị trấn an chồng con, nói tất cả hãy bình tĩnh, đợi chị thu xếp công việc chừng dăm hôm nữa, qua đợt công ty bận rộn nhất năm thì sẽ tới bệnh viện chuyên khoa ung bướu gặp bác sĩ để được đưa ra phác đồ điều trị.
Nhận kết quả phân tích “âm tính với K…”, chị báo cho người thân biết để giải phóng mọi người khỏi nỗi khổ suốt một tuần vừa qua thì con chị bảo: “Phải kiện bệnh viện. Nếu gặp người bi quan tuyệt vọng tự tử hoặc suy sụp tinh thần trầm trọng thì thế nào”. Em trai chị cũng nói vậy.
Chị nhẹ nhàng khuyên mọi người hãy bình tâm, vì dù là máy móc hay con người thì cũng có lúc sai lệch.
Chị nói hôm nay chị không mắc ung thư, không có nghĩa là mãi mãi như thế. Hơn thế nữa, suốt một tuần cả nhà “sống trong sợ hãi”, chị nhận ra rằng bệnh tật cũng là một hồi chuông giúp mình nhìn lại, điều chỉnh và thích ứng. Con người ta sống tử tế hơn, biết sợ nhân quả hơn, hiểu được những giới hạn rõ ràng hơn… là khi có bệnh tật, tai nạn hay những điều bất ý xảy đến.
Hành trình cuộc sống là một trải nghiệm quý giá, và càng quý hơn khi con người ta hiểu và trân trọng từng sự việc, từng cột mốc hay dữ kiện… bất kể nó buồn hay vui, mang đến những cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Cái tâm thế sẵn sàng đón nhận và chấp nhận là một thứ tài sản vô hình dành cho những ai sở hữu.
Nếu biết-cách-nắm-giữ là thành công ở level 1, thì biết-buông-bỏ là thành công level 2. Cũng giống việc con người học nói ở tầm tuổi lên 1 lên 2, rồi cả hành trình sống còn lại vẫn phải tiếp tục học cách nói sao cho hay cho tốt. Đa phần con người học cách nói, mà quên học cách im lặng. Nếu nói tốt là một lợi thế, thì biết giữ im lặng càng đem lại nhiều lợi ích hơn. Cũng như, hơn thua không khó, tha thứ mới là điều khó làm.
Chị nói chị chỉ thông báo với bệnh viện để họ rút kinh nghiệm, chứ hơn thua làm gì. Rồi trong quá trình hơn thua ấy chẳng may stress và có khi mắc ung thư thật.
Trước khi cúp máy chị còn đùa với tôi: “Trải nghiệm này cũng hay ho T. ạ. Lần sau mà nhận kết quả K thật thì chị và mọi người trong nhà đỡ sốc hẳn đấy, vì não bộ có được mớ “kháng thể” từ lần tập dượt này rồi!”.
Tôi thấy mình thật sự may mắn vì có được vài người bạn như chị. Họ mang lại cho tôi cảm giác bình an, nhẹ nhõm. Không phải những loại năng lực nào khác, lạc quan và hài hước trong mọi hoàn cảnh mới chính là thứ vũ khí mà không phải ai cũng may mắn có được trong đời.
Nguồn: https://tuoitre.vn/toi-chon-lac-quan-20250223105908335.htm