(PLO)-Nhiều đại gia Việt có khoản tiền gửi tiết kiệm rất lớn, và cũng đã gián tiếp trả thuế cho dòng tiền lãi.
Tiền gửi tiết kiệm cũng là thu nhập rất quan trọng với nhiều đại gia Việt. Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2024, Thế Giới Di Động (TGDĐ) có khoản tiền gửi tiết kiệm lên đến hơn 5.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp này đã thu được khoản tiền lãi từ tiền gửi tiết kiệm hơn 1.800 tỉ đồng trong năm 2024.
Tương tự, PNJ cũng thu được khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng là 17 tỉ đồng tính riêng cho quý IV-2024, góp phần vào lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hay tính đến cuối năm 2024, FPT có đến 6.700 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng và đơn vị này thu được tiền lãi là 1.200 tỉ đồng.
Nhìn chung, các khoản tiền gửi tiết kiệm của các ông lớn sẽ được đưa vào phần lợi nhuận. Vì đây là công ty nên khoản tiền lãi này bị đánh thuế gián tiếp thông qua trả thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, châu Âu hay nhiều nước châu Á cũng đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Mục đích vấn đề này nhằm có thêm nguồn thu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội.
Khi đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, sẽ khuyến khích người dân đem tiền đi vào sản xuất và đầu tư giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Người có số tiền gửi lớn thường là nhóm có thu nhập cao. Đánh thuế tiền gửi giúp điều tiết thu nhập, tạo sự công bằng hơn trong xã hội.
Nhìn chung các nước cũng xây dựng ngưỡng đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, chứ không phải đánh hết mọi khoản tiền gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, đánh thuế tiền gửi tiết kiệm cũng tạo ra tác động khác. Đó là ảnh hưởng đến người có thu nhập thấp. Những người này có khoản tiền gửi tiết kiệm nhỏ để tích luỹ, khi bị đánh thuế khiến thu nhập từ lãi của họ bị giảm xuống.
Tiền gửi tiết kiệm cũng là nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng. Việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm có thể khiến dòng tiền dịch chuyển sang các lĩnh vực khác, khiến ngân hàng không có dòng tiền hoạt động, thiếu thanh khoản đảm bảo an toàn vốn.
Chưa kể đánh thuế, buộc ngân hàng phải huy động tiền gửi với lãi suất cao để đảm bảo cho người gửi tiền tiết kiệm có lãi suất thực dương. Điều này dễ đẩy cuộc đua lãi suất để thu hút người gửi tiền tiết kiệm.
Hệ quả là khi lãi tiền gửi tăng thì tiền cho vay cũng tăng, và chi phí này sẽ được đẩy vào doanh nghiệp đi vay. Khi đó sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất ra sẽ có giá thành cao, khiến người tiêu dùng khó tiếp cận, và hàng hóa sẽ bị bán ế. Lãi suất tiền gửi cao có thể tạo áp lực lên lạm phát do chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên.
Như vậy, đánh thuế tiền gửi tiết kiệm sẽ tạo ra chi phí lãi vay tăng sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư và trả nợ của doanh nghiệp, có thể dẫn đến giảm tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: https://plo.vn/nhieu-dai-gia-viet-dang-phai-tra-thue-cho-tien-gui-tiet-kiem-post835188.html