Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 23-12, nhiều chủ đầu tư dự án điện mặt trời cho biết các dự án tới đây có nguy cơ bị tính lại giá điện, không còn được hưởng mức giá mua bán điện ưu đãi như hiện nay.
Đề xuất tính lại giá đối với loạt dự án điện tái tạo
Thay vì được hưởng giá mua bán điện cao lên đến 9,35 cent/kWh (tương đương 2.231 đồng/kWh theo giá FIT 1) hoặc 1.692 đồng/kWh (tương đương 7,09 cent/kWh theo giá FIT 2), các dự án có nguy cơ hưởng mức giá bằng với các dự án chuyển tiếp là không quá 1.184,9 đồng/kWh. Như vậy, nếu tính lại giá điện, các dự án sẽ sụt giá bán điện từ 24-47% so với mức giá mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang mua.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước có đến 173 dự án hoặc phần dự án điện tái tạo được công nhận ngày vận hành thương mại, hưởng giá mua bán điện ưu đãi khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng.
Ngoài ra, tại tỉnh Ninh Thuận có 19 dự án điện mặt trời hưởng cơ chế khuyến khích không đúng quy định, các địa phương khác cũng có những dự án năng lượng tái tạo vướng các vi phạm về quy hoạch, trình tự thủ tục triển khai. Đặc biệt, có đến 413 dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng nhưng đất chưa phù hợp để làm trang trại. Đây là các dự án vướng các sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại kết luận số 1027.
Trong số các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án năng lượng, Bộ Công Thương đề xuất đối với các dự án xảy ra vi phạm, không đáp ứng đủ các điều kiện sẽ không được hưởng giá ưu đãi và phải xác định lại giá điện. Đồng thời thu hồi các khoảng giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ, thanh toán tiền mua điện.
Nguy cơ mất giá ưu đãi, nhà đầu tư lo lắng
Chủ đầu tư một dự án năng lượng tái tạo cho biết nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi hàng ngàn tỉ đồng tiền bán điện chưa được EVN thanh toán do vướng vấn đề pháp lý và kết luận thanh tra. Trường hợp tính lại giá điện với phương án giảm đến phân nửa tiền bán điện so với mức giá ưu đãi mà các doanh nghiệp đang được hưởng, bài toán tài chính, lợi nhuận đầu tư ban đầu sẽ giảm mạnh. Theo vị này, phần lớn các dự án đều nhận vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư hoặc các ngân hàng tài trợ vốn, bên cạnh chủ đầu tư thì các tổ chức tài chính này cũng “đau đầu” với phương án giá điện mới.
Trong khi đó một nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực năng lượng cho hay doanh nghiệp mong muốn được hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền để gỡ vướng, giúp nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính của dự án đối với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Ông Bùi Văn Thịnh – chủ tịch Hiệp hội Điện gió – mặt trời tỉnh Bình Thuận – cho hay việc Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp gỡ vướng là tín hiệu tích cực, giúp tháo gỡ những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm nay.
Tuy vậy ông Thịnh cho hay việc xét lại giá mua bán điện ưu đãi đang làm các nhà đầu tư tâm tư. Với các vi phạm pháp luật đã rõ như kết luận của cơ quan an ninh điều tra, ông Thịnh cho rằng cần xử lý nghiêm, song với việc xác định các dự án còn lại có vi phạm, mức độ vi phạm và thẩm quyền kết luận thu hồi giá ưu đãi cần xem xét thận trọng.
Ông Thịnh cho rằng cần cân nhắc trường hợp chủ đầu tư, nhất là chủ đầu tư nước ngoài sẽ kiện EVN khi áp dụng giá điện chuyển tiếp không rõ ràng, minh bạch. Đồng thời nếu xảy ra kiện tụng, ông Thịnh đánh giá sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hệ quả là việc cấp đủ điện cho phát triển kinh tế sẽ gặp thách thức lớn hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-du-an-dien-tai-tao-da-hoa-luoi-co-nguy-co-truot-gia-ban-dien-uu-dai-20241223152548847.htm