Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
HomeKinh DoanhÔ nhiễm không khí vẫn báo động

Ô nhiễm không khí vẫn báo động

Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành đồng bằng Bắc bộ, bên cạnh nhiệt độ xuống thấp thì không khí ô nhiễm cũng đang tác động tiêu cực đến sức khỏe của hầu hết mọi người.

Ô nhiễm không khí vẫn báo động- Ảnh 1.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày gần đây ở mức nguy hại đến sức khỏe

Chất lượng không khí nguy hại cho sức khỏe

Theo hệ thống giám sát trực tuyến IQAIR, khoảng 8 giờ 30 ngày 26.12, chất lượng không khí ở Hà Nội rất xấu (AQI từ 201 – 300). Với chỉ số AQI là 234, Hà Nội bị xếp hạng ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới chỉ sau Delhi (Ấn Độ) và Baghdad (Iraq). Cá biệt, tại một số điểm cụ thể ở Hà Nội mức độ ô nhiễm còn cao hơn như tại Hồ Tây chỉ số AQI là 279. Đến đầu giờ chiều ngày 26.12, tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội tuy có giảm nhưng chỉ số AQI hầu hết các trạm đều ở mức cảnh báo đỏ.

Tuy nhiên, những con số trên vẫn chưa là gì nếu so với thời điểm 1 – 2 giờ ngày 25.12, tại Hồ Tây chỉ số AQI lên tới 324 – mức nguy hại (AQI từ 301 trở lên, cũng là mức cảnh báo cao nhất). Đây là mức độ cảnh báo khẩn cấp, sự ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tất cả mọi người. Trước đó, vào ngày 22.12, tại trạm đo ở UBND P.Minh Khai, Q.Bắc Từ Liêm ghi nhận ô nhiễm nhất với chỉ số AQI lên tới 380 trong thời gian từ 21 – 23 giờ.

Ô nhiễm không khí vẫn báo động- Ảnh 2.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày gần đây ở mức nguy hại đến sức khỏe

Không riêng gì Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí ở mức độ nghiêm trọng cũng ghi nhận được ở nhiều địa phương khu vực đồng bằng Bắc bộ có thể kể đến như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương đang bị ô nhiễm không khí ở mức độ nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại khu vực phía nam, TP.HCM vẫn là điểm nóng về ô nhiễm không khí. Người dân vẫn thường xuyên ghi nhận bầu không khí màu trắng đục vào buổi sáng và chiều tối. Mức độ ô nhiễm ở nhiều nơi thường duy trì mức màu vàng (AQI từ 51 – 100, trung bình) hoặc cam (từ 101 – 150, kém). Những ngày qua, tình trạng ô nhiễm ở TP.HCM có phần giảm bớt so với Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 10 khiến trời nổi gió giúp bụi mịn khuếch tán tốt hơn trong không khí.

Là một công dân của TP.Hà Nội và là người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực môi trường, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN – nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), lo ngại: Ô nhiễm không khí gia tăng vào mùa đông là vấn đề gây lo ngại nhiều năm qua với thủ đô và một số tỉnh thành lân cận. Mỗi khi không khí lạnh về kết hợp với độ ẩm tăng cộng thêm hôm nào trời ít gió thì ô nhiễm không khí tăng do bụi mịn không khuếch tán được. Do đó sẽ có những đợt ô nhiễm tăng cao và một số ngày giảm hơn trong suốt những tháng mùa đông. Thời tiết chỉ là yếu tố cơ hội, nguyên nhân chính là những nguồn phát thải bụi mịn chưa được giải quyết rốt ráo, quyết liệt nên vấn đề ô nhiễm vẫn sẽ lặp đi lặp lại từ tháng này qua năm nọ.

“Vấn đề cốt lõi là cần giải pháp khắc phục các nguồn phát thải. Phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt”, ông Tùng nhấn mạnh.

Có thể triển khai ngay một số giải pháp cấp bách

Tác hại của vấn đề ô nhiễm không khí cũng đã được các tổ chức uy tín như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) định lượng rõ ràng nên việc giảm thiểu ô nhiễm không khí là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách với các cơ quan chức năng.

Một trong những giải pháp đáng chú ý là ngày 12.12, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện Vùng phát thải thấp (Low Emission Zone – LEZ). Trong vùng phát thải thấp, cơ quan chức năng sẽ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường và xe công vụ được lưu thông.

Ô nhiễm không khí vẫn báo động- Ảnh 3.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày gần đây ở mức nguy hại đến sức khỏe

TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ: Giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Việc xây dựng LEZ là một trong những giải pháp quan trọng. Song nó mang lại hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố là chúng ta xây dựng vùng LEZ rộng bao nhiêu, lộ trình thế nào. Nếu vùng LEZ không đủ lớn thì kết quả sẽ không như mong đợi. Hoặc trong vùng LEZ chúng ta đặt mục tiêu là cấm hoàn toàn các phương tiện gây ô nhiễm hay nặng về vấn đề thu phí. Có rất nhiều vấn đề cần được thảo luận để việc triển khai mang lại hiệu quả cao nhất và còn phụ thuộc lộ trình thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng ô nhiễm đang gia tăng hiện nay thì có một số vấn đề mà chúng ta có thể làm nhanh. Ví dụ, hệ thống giao thông công cộng của TP.Hà Nội có hơn 2.000 chiếc xe buýt, hiện mới chỉ một số ít trong số này là xe điện. TP.Hà Nội có thể chuyển nhanh lượng phương tiện công cộng này sang xe buýt điện. Chỉ cần chính quyền có chủ trương và cơ chế thì các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia.

Đó là một trong những bài học mà chính quyền TP.Bắc Kinh (Trung Quốc) đã áp dụng để khắc phục ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, chính quyền TP.Bắc Kinh cũng giới hạn số lượng đăng ký mới đối với xe chạy bằng xăng, dầu. Ngoài ra là việc phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe điện. Hiện ở Hà Nội có 6 triệu xe máy và TP.HCM có 8 triệu chiếc, việc áp dụng quy định kiểm định chất lượng khí thải đối với xe này cũng là điều cần thiết.

“Đây là những việc có thể làm ngay và kết quả giảm phát thải có thể tính toán được tương đối rõ ràng”, ông Tùng nói và nhấn mạnh: Chúng ta cũng cần biết rằng, giao thông chỉ là một trong những nguyên nhân mà chúng ta cần giải quyết. Ngoài ra ở các đô thị thì hoạt động xây dựng cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm quan trọng. Thời gian qua chúng ta đã có những quy định khá cụ thể nhưng việc giám sát thực hiện chưa thật hiệu quả. Xung quanh các công trình xây dựng đa số vẫn mù mịt bụi bẩn. Các cơ quan chức năng cần xây dựng giám sát bằng hệ thống camera trực tuyến với những công trình xây dựng. Với các hoạt động sản xuất đặc biệt là làng nghề tái chế cũng vậy. Trước đây, các làng nghề tái chế ở Bắc Ninh là một trong những nguồn phát thải lớn nhưng thời gian qua địa phương này đã có những giải pháp quyết liệt để giảm thiểu ô nhiễm. Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng cần phải có những giải pháp quyết liệt với hoạt động sản xuất ở các làng nghề và hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp ở Hà Nội

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tính đến hết tháng 4.2024, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm. Bên cạnh đó là khoảng 1 triệu phương tiện khác từ các địa phương lân cận lưu thông trên địa bàn thành phố.

Từ năm 2025 – 2030, Hà Nội sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Hà Nội sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp. Hạn chế hoặc cấm xe máy, xe mô tô không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 và ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.


Nguồn: https://thanhnien.vn/o-nhiem-khong-khi-van-bao-dong-185241227191131554.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay