Quảng Bình15 người trong đường dây lừa hơn 200 triệu đồng của một phụ nữ qua giao “nhiệm vụ review, đánh giá địa điểm” bị bắt khi vừa từ Campuchia về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Ngày 18/2, Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố 15 bị can trong đường dây tổ chức lừa đảo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 15 người bị khởi tố gồm Đinh Văn Quân (29 tuổi), Trần Quốc Duy (25 tuổi), Lưu Hoàng Nam (22 tuổi), Trần Văn Thuận (28 tuổi), Lê Văn Chiến (27 tuổi), Lê Thị Linh (25 tuổi), Triệu Hoài Thu (22 tuổi) cùng tỉnh Thanh Hóa và Vũ Quang Khải (26 tuổi), Vũ Văn Khiêm (40 tuổi), Nguyễn Văn Vương (24 tuổi), Trần Thị Vui (34 tuổi), Đào Quỳnh Trang (17 tuổi) cùng trú tại tỉnh Bắc Giang.
Nhóm người lừa đảo bị bắt giữ khi về Việt Nam. Ảnh: Công an Quảng Bình
Hai tháng trước, Công an huyện Lệ Thủy tiếp nhận đơn tố giác người phụ nữ ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy về việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 227 triệu đồng dưới hình thức lừa làm nhiệm vụ review, đánh giá địa điểm.
Công an huyện Lệ Thủy, Phòng An ninh mạng Công an tỉnh xác định nhóm lừa tiền của chị này đang hoạt động ở Campuchia, cầm đầu là một số người Trung Quốc. 15 người trong nhóm từ Campuchia khi về Việt Nam qua cửa khẩu cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã bị công an bắt.
Theo nhà chức trách, đường dây tội phạm hoạt động ở tòa nhà khu PoiPet (Campuchia) do người Trung Quốc quản lý có nhiều tầng, mỗi tầng là mỗi khu vực làm việc của các nhân viên các nước như: Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam. Những quản lý người Trung Quốc tuyển và sử dụng những nhân viên theo tiêu chí “biết tiếng của nước nào thì trực tiếp lừa đảo các bị hại chính nước đó”.
Tổ chức tội phạm này hoạt động chặt chẽ, có sự phân công công việc cụ thể cho các tổ, nhóm khác nhau, như nhóm gọi điện thoại làm quen lôi kéo, nhóm nhắn tin tương tác hướng dẫn, nhóm đưa ra các lý do để bị hại nộp thêm tiền, nhóm đóng vai các bị hại để tạo lòng tin.
Theo đó, bộ phận gọi điện có nhiệm vụ gọi điện tìm kiếm khách, giới thiệu công việc đánh giá 5 sao địa điểm trên Google Map. Khi có khách nhận lời thực hiện công việc, bộ phận gọi điện sẽ hướng dẫn khách kết bạn với tài khoản Zalo của bộ phận hướng dẫn và người trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi kết bạn Zalo với khách, bộ phận hướng dẫn sẽ trò chuyện với khách để hướng dẫn công việc, hướng dẫn khách tải, đăng ký tài khoản tải ứng dụng trò chuyện của công ty như Cochat, Dealay…, hướng dẫn khách đăng ký ví nhận tiền tại các trang web của công ty cung cấp.
Bộ phận hướng dẫn sẽ cho khách vào các nhóm để hướng dẫn làm việc, làm hoạt động. Trong các nhóm này có nhiều tài khoản ảo, các tài khoản này đóng vai các khách mua gói nhiệm vụ, hoạt động, nạp tiền để tạo sự tin tưởng cho khách thật.
Khi khách tin tưởng, chọn mua gói hoạt động và nạp số tiền lớn, bộ phận hướng dẫn sẽ đưa ra các lý do cho khách không thể rút tiền như: thao tác sai, chuyển tiền sai nội dung, nộp tiền để tăng điểm tín dụng, yêu cầu khách phải nộp thêm tiền mới rút được tiền rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó.
Bộ phận hướng dẫn sẽ lấy thông tin tài khoản ngân hàng từ bộ phận quản lý tài khoản ngân hàng của công ty rồi gửi cho khách để khách tiến hành nạp tiền.
Bộ phận kiểm tra, xác nhận việc khách chuyển tiền sẽ gọi điện thoại cho khách để xác nhận số tiền khách đã bị chiếm đoạt có đúng với số tiền mà tổ hướng dẫn đã báo cáo hay không.
Võ Thạnh
Nguồn: https://vnexpress.net/nhom-goi-dien-thoai-lua-dao-tu-campuchia-bi-bat-tai-san-bay-noi-bai-4850907.html