Thai phụ từng sinh mổ có thể bị nứt vết mổ cũ, thai bám sẹo mổ hoặc xâm lấn sâu vào thành tử cung dẫn đến xuất huyết, nhiễm trùng, cắt tử cung.
BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vết mổ cũ có thể ảnh hưởng đến thai kỳ tiếp theo, nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Do đó, thai phụ từng mổ lấy thai cần lưu ý những tình trạng dưới đây.
Thai bám sẹo mổ lấy thai
Thai bám sẹo mổ lấy thai xảy ra khi túi thai bám hoàn toàn hoặc một phần tại vị trí sẹo mổ cũ trong tử cung. Đây là trường hợp đặc biệt của thai ngoài tử cung. Các dải mô giống như sẹo dày lên sau mỗi lần mổ lấy thai, làm tăng nguy cơ thai bám sẹo mổ. Tình trạng này gây tổn thương bàng quang, vỡ tử cung phải cắt tử cung, xuất huyết ồ ạt, rối loạn đông máu, đe dọa tính mạng thai phụ.
Bác sĩ Hưng cho biết thai bám sẹo mổ thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi biến chứng xảy ra. Do đó, thai phụ cần tránh thai ít nhất 12 tháng sau sinh mổ, khi chậm kinh hoặc nghi ngờ có thai, cần đến bệnh viện khám ngay để loại trừ khả năng thai bám sẹo mổ. Chẩn đoán và điều trị sớm giúp giảm tỷ lệ biến chứng, đảm bảo sức khỏe cho người mẹ.
Nứt vết mổ cũ
Vết mổ cũ thường yếu hơn so với các mô tử cung xung quanh. Khi thai kỳ tiến triển và tử cung mở rộng, sẹo mổ dễ bị tổn thương khiến các lớp tử cung tách ra. Sinh mổ nhiều lần, khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn có thể là yếu tố khiến tử cung căng quá mức, gây nứt, rách sẹo mổ. Một số trường hợp vết sẹo không lành hoàn toàn hoặc quá mỏng. Hậu quả là vỡ tử cung, xuất huyết, nhiễm trùng, tăng nguy cơ cắt bỏ tử cung để cứu sống thai phụ.
Nhau cài răng lược, nhau tiền đạo
Sinh mổ nhiều lần làm tăng các vấn đề về bánh nhau như nhau cài răng lược (nhau thai bám quá sâu vào thành tử cung), nhau tiền đạo (nhau thai che một phần hoặc toàn bộ lỗ cổ tử cung). Cả hai tình trạng này làm tăng nguy cơ nhau bong non, sinh non, trẻ sơ sinh thiếu cân suy hô hấp, mẹ bị tổn thương tử cung và các cơ quan xung quanh, xuất huyết quá nhiều, đông máu… Nếu bánh nhau không thể tách khỏi lớp niêm mạc tử cung thì bác sĩ phải chỉ định cắt bỏ tử cung cho người mẹ.
Vỡ tử cung
Hầu hết trường hợp vỡ tử cung xảy ra tại vị trí vết sẹo mổ lấy thai cũ. Thành tử cung có thể rất mỏng sau sinh mổ. Các cơn co thắt xuất hiện thường xuyên vào những tháng cuối thai kỳ hoặc thời điểm chuyển dạ, làm tăng áp lực lên mô sẹo, thành tử cung. Bác sĩ Hưng cho biết nguy cơ vỡ tử cung khi có sẹo mổ cũ hai lần cao gấp đôi so với sẹo mổ cũ một lần. Biến chứng này thường không có dấu hiệu báo trước, khó phát hiện. Nếu thai phụ bị đau bụng dữ dội, chảy máu vùng kín, tử cung co cứng, mạch nhanh, huyết áp tụt cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Sót nhau
Đây là tình trạng một phần hoặc toàn bộ bánh nhau sót lại trong tử cung sau sinh. Nếu thai phụ từng sinh mổ, tỷ lệ sót nhau tăng cao do nhau thai bám vào vị trí sẹo, khả năng co bóp của tử cung yếu hơn, khiến nhau khó bong ra hoàn toàn. Sót nhau có thể gây xuất huyết, nhiễm trùng, tắc mạch, dính buồng tử cung, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Bác sĩ Hưng khuyến nghị thai phụ cần khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi, tình trạng vết mổ cũ (nếu có). Bằng phương pháp siêu âm Doppler, bác sĩ đánh giá mức độ tăng sinh mạch máu ở vùng sẹo mổ lấy thai cũ, sự xâm lấn, mức độ lan rộng của gai nhau vào cấu trúc lân cận. Dựa trên mức độ xâm lấn của nhau thai vào vị trí sẹo mổ, tình trạng sức khỏe của thai, bác sĩ lên kế hoạch chuẩn bị tối ưu cho thai kỳ, theo dõi, xử trí kịp thời bất thường.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-dieu-thai-phu-tung-sinh-mo-can-luu-y-4837191.html