Ông Trump cũng có kế hoạch nhanh chóng ban hành một chương trình nghị sự sâu rộng nhằm thay đổi gần như mọi khía cạnh của đời sống nước Mỹ và Chính phủ Mỹ.
Nhiệm kỳ 2 dễ thở hơn của ông Trump
Không có gì khó hiểu là Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách “Make America great again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Nếu quá khứ là một chỉ dấu đúng như trong nhiệm kỳ đầu tiên thì ông Trump khá nhất quán với những lời hứa tranh cử của mình. Và ở chiều ngược lại, có vẻ như nước Mỹ đã khiến ông Trump vĩ đại trở lại. Ông Trump đi vào lịch sử khi là người đầu tiên bị kết án trọng tội được bầu làm tổng thống.
Khi nhìn vào phiếu bầu, ông Trump đã làm tốt hơn nhiều so với kết quả bầu cử bốn năm trước vào năm 2020 của mình, trong khi thành tích của bà Harris kém hơn so với ông Biden năm 2020 ở các đơn vị bầu cử quan trọng, đặc biệt ở khu vực người Latin và đàn ông da trắng. Ông Trump đã chính thức giành chiến thắng ở 4 bang chiến địa quan trọng gồm North Carolina, Georgia, Pennsylvania và Wisconsin.
So với lần đầu tiên, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump trở nên dễ thở hơn nhiều. Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào tháng 1-2025 với sự hậu thuẫn mạnh mẽ sau lưng cả từ nhánh lập pháp lẫn tư pháp.
Cuộc bầu cử lần này cũng chứng kiến Đảng Cộng hòa đã chiếm lại đa số trong Thượng viện kể từ năm 2021, trong khi quyền kiểm soát Hạ viện vẫn được giữ vững. Điều này có nghĩa là việc bổ nhiệm nội các và thông qua luật của ông Trump sẽ gặp phải sự phản đối tối thiểu.
Ngoài ra, bên nhánh tư pháp thì ông Trump cũng không gặp nhiều trở ngại lớn khi các tòa án liên bang hiện nay có nhiều thẩm phán do ông bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Tòa án tối cao Mỹ bao gồm chín thành viên có nhiệm kỳ suốt đời, trong đó có ba thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm.
Cũng cần nhắc lại, vào đầu năm nay Tòa án tối cao đã đưa ra phán quyết cho phép các tổng thống có quyền miễn trừ rộng rãi khỏi bị truy tố khi thi hành các công vụ.
Về mặt chính sách, chiến thắng của ông Trump có thể đồng nghĩa với việc ít có khả năng dự đoán chương trình nghị sự của ông hơn bởi vì tính bất định nổi tiếng của ông. Tuy nhiên, dù những chính sách đó là gì đi nữa thì chúng sẽ hầu như không thể ngăn cản được, ít nhất trong hai năm đầu tiên, khi đảng của ông gần như sẽ nắm quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội.
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump được cho là sẽ hướng về bên trong nhiều hơn.
Ông Trump đã nắm bắt và khai thác được sự thất vọng của cử tri về lạm phát, lo ngại về tội phạm cũng như sự chán chường đối với những người nhập cư trái phép dưới thời chính quyền Biden. Do đó, nhập cư cũng như chính sách thuế, môi trường, luật súng đạn cho đến quyền của nhóm LGBTQ+ sẽ có nhiều thay đổi dưới thời chính quyền Trump 2.0.
Ông tuyên bố trong những ngày đầu tiên nhậm chức sẽ triển khai quân đội để chống nhập cư bất hợp pháp và bất ổn dân sự ở Mỹ, và cho rằng đây là mối đe dọa từ “kẻ thù từ bên trong” và đe dọa sẽ trục xuất tất cả những người di cư bất hợp pháp.
Tác động sâu rộng đến toàn cầu
Chiến thắng của ông Trump sẽ có tác động sâu rộng đến chính trị toàn cầu, từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho đến khu vực Trung Đông và Ukraine.
Có thể nói lập trường của Trump về Trung Quốc khá nhất quán kể từ năm 2017. Khi đó, ông thề sẽ phát động một cuộc chiến thương mại, điều mà ông đã làm.
Ông Trump cũng đã hứa với cử tri rằng ông sẽ áp thuế từ 60% trở lên đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2 bởi vì ông tin rằng nó sẽ giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại cũng như ngăn chặn các hành vi không công bằng của các quốc gia khác đang “đánh cắp” việc làm và sự giàu có của nước Mỹ.
Ông Trump bác bỏ những ý kiến cho rằng các chính sách này có thể gây ra tác động đến lạm phát, coi đây là hành động “có đi có lại” nhằm mang lại việc làm cho Mỹ. Điều này có thể dẫn đến các gói kích thích lớn hơn ở Trung Quốc.
Các quốc gia đồng minh của Mỹ từ châu Âu cho đến châu Á cũng không thoải mái. Ông Trump đã đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu, và cảnh báo các thành viên NATO sẽ “tự lo liệu” trừ khi họ tăng chi tiêu quốc phòng.
Ông Trump cũng đặt câu hỏi về các cam kết của NATO trong trường hợp Nga tấn công. Ông cũng đe dọa cắt tài trợ của Mỹ cho Ukraine hiện đang bị chiến tranh tàn phá.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần nói rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine “trong một ngày”, và hay lặp lại lời hứa quen thuộc về việc chấm dứt chiến tranh ở các cuộc xung đột khác nhau trên thế giới mà ông luôn khẳng định sẽ không xảy ra dưới thời tổng thống của ông. Tổng thống đắc cử Donald Trump luôn khẳng định ưu tiên của mình là chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn sự cạn kiệt nguồn lực của Mỹ khi tài trợ cho các quốc gia khác.
Tuy nhiên, khác với sự rõ ràng trong đối nội, chính sách đối ngoại của ông Trump vẫn đầy nhiều khoảng mờ khi không biết ông làm cách nào có thể kết thúc các cuộc xung đột như ông hứa hẹn. Dù sao nước Mỹ đã bước vào giai đoạn lịch sử mới với nhiều thay đổi quan trọng của chính quyền Trump 2.0.
Ông Trump đã làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống đầu tiên kể từ khi tổng thống Grover Cleveland giành lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 1892 sau thất bại. Cái khác của ông Trump so với ông Cleveland trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai bị ngắt quãng là ảnh hưởng của nước Mỹ ngày nay lớn hơn nhiều so với thời thế kỷ 19.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nuoc-my-thoi-ong-trump-2-0-20241107075208236.htm