Khoảng hơn một tuần trở lại đây, chị Hồng Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải chật vật mỗi lần gọi xe công nghệ qua các ứng dụng. Chị nói không hiếm khi phải chờ 15-30 phút mới có tài xế nhận chuyến. “Chưa kể thời gian chờ tài xế đến đón cũng lâu hơn, mã giảm giá rất hiếm, trong khi giá cước luôn tăng so với ngày thường dù không phải giờ cao điểm”, chị Minh nói.
Thực tế, thời điểm sát Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhiều tuyến đường, phố ở Hà Nội xảy ra tình trạng ùn tắc, các phương tiện khó khăn trong việc di chuyển. Nhiều nơi không chỉ ùn tắc vào giờ cao điểm mà còn xảy ra ở mọi thời điểm trong ngày. Hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa theo đó cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tài xế mệt mỏi vì đi hơn 700m mất gần 30 phút
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong ngày 18/1, tức ngày đầu thí điểm tổ chức lại giao thông qua nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi, tình hình giao thông bị ùn ứ, nhiều xe “mắc kẹt” 10-15 phút. Lực lượng chức năng phải liên tục phân luồng giao thông.
14h chiều ngày 18/1, anh Nguyễn Khôi, tài xế hãng xe công nghệ Be cho biết anh vừa mất gần 30 phút để “thoát khỏi” cảnh ùn ứ ở trục đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) đang mở rộng 720m thì tiếp tục phải nhích từng tí ở nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển.
“Tắc đường khiến chuyến xe chở khách hơn 5km mất gần một tiếng. Gần đây, thời gian chở khách dài gấp 2, 3 lần so với trước, một số ngày tôi chạy đêm để tránh tắc đường”, anh chia sẻ.
Thực tế, không chỉ anh Khôi, một số tài xế xe ôm công nghệ ở Hà Nội cũng cho biết số chuyến xe của họ giảm so với trước khoảng 10-15% vì quãng thời gian di chuyển lâu hơn. Không ít tài xế buộc phải tắt app (ứng dụng), không nhận chuyến vì tắc đường.
Anh Bùi Tuấn, tài xế Grab, nói mấy ngày gần đây, anh chạy được khoảng trên dưới 20 chuyến/ngày. Ngày 17/1, anh Tuấn chở khách liên tục từ 10h đến 23h, thu nhập được khoảng 700.000 đồng. “Tắc đường khiến công việc chạy xe vất vả hơn trước, ngồi xe cả ngày rất đau lưng và mỏi. Tôi thường lựa chọn ra ở khu vực ven thành phố để nhận khách và đi đường tắt để tránh được đoạn nào hay đoạn đó”, anh nói.
Mặc dù tắc đường nhưng giá cước cao hơn trước cũng là động lực để nhiều tài xế công nghệ cố gắng. “Gần đây, mỗi ngày chạy chăm chỉ, thu nhập dao động khoảng 600.000-700.000 đồng. Tôi dự định chạy thêm vài ngày sẽ nghỉ Tết sớm”, tài xế này chia sẻ.
Khó đặt xe do nhu cầu tăng cao cận Tết
Thường xuyên gọi xe công nghệ để di chuyển, chị Mai Hoa (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, gần đây chị buộc phải sử dụng xe máy cá nhân vì rất khó gọi xe công nghệ.
“Nhiều lần mở cùng lúc 3 ứng dụng đặt xe là Grab, Be và Xanh SM nhưng đợi 30-40 phút đều không có tài xế nhận, nếu có thì tài xế nhắn phải đợi rất lâu mới đến được. Mấy ngày liền tôi đều đi làm muộn vì tắc đường, không gọi được xe”, chị than.
Tương tự, anh Thái Sơn (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho biết mỗi lần ra đường dịp cận Tết là một nỗi ám ảnh. Cuối năm mọi người đổ dồn đi mua sắm, biếu Tết, buôn bán… nên khắp ngả đường đều đông đúc. “Tôi chuyển sang đi xe máy thay vì ô tô, đồng thời tìm các con đường tắt, trong ngõ để tránh ùn tắc ở các đường lớn”, anh chia sẻ.
Về phía ứng dụng gọi xe, đại diện Be Group – đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be – cũng ghi nhận nhu cầu đặt xe công nghệ đã tăng đột biến trong thời gian gần đây, điều này xuất phát từ nhu cầu gia tăng trong dịp cuối năm…
“Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm trong giai đoạn cận Tết cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian đón và hoàn thành chuyến đi kéo dài, làm giảm năng suất hoạt động của tài xế”, đại diện Be chia sẻ.
Trước tình trạng đó, ứng dụng gọi xe này cho biết liên tục triển khai các giải pháp như tuyển tài xế mới, tăng lượng tài xế, cải tiến bản đồ, tính năng chỉ đường, dùng dữ liệu dự báo trước…
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/pho-dong-can-tet-tai-xe-cong-nghe-o-ha-noi-tat-may-khach-chat-vat-goi-xe-20250118210728133.htm