Ngày 19-2, Quốc hội thông qua Nghị quyết bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. 463/464 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành nghị quyết này.
Trong nghị quyết, Quốc hội yêu cầu củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030.
Khắc phục đùn đẩy, né trách nhiệm trong công vụ
Tán thành các giải pháp, nhiệm vụ do Chính phủ trình, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Trong đó, cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số. Quốc hội yêu cầu tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đồng thời, chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…).
“Rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị”, Tổng thư ký Quốc hội trình bày dự thảo Nghị quyết.
Ngoài khẩn trương triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là triển khai cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy, Quốc hội yêu cầu ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi…
Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Nghị quyết cũng yêu cầu phải cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để “thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Đồng thời, có chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.
Doanh nghiệp nhà nước cũng được yêu cầu nâng cao vai trò trong các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, tạo tác động và động lực phát triển kinh tế xã hội. Thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.
“Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin – cho”, đầu tư công dàn trải, bảo đảm kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 – 2030 không quá 3.000 dự án”, Nghị quyết yêu cầu.

Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu được yêu cầu tháo điểm nghẽn; tăng trưởng tín dụng điều hành phù hợp, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng truyền thống.
Cùng với các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, Nghị quyết yêu cầu rà soát, có ngay các giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác.
“Trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025”, Nghị quyết yêu cầu và lưu ý sớm hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ, thúc các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, sửa đổi và triển khai quy hoạch điện VIII.
Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh và làm mới các động lực truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
Đặc biệt, nghị quyết yêu cầu khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Điều chỉnh chỉ tiêu 2025
Đối với năm 2025, Quốc hội yêu cầu tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Nghị quyết cũng điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu:
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ đô la Mỹ (USD); GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 – 5%.
Quốc hội nhất trí năm 2025 cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia.
Bổ sung khoảng 84.300 tỉ vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.
“Triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng”, Nghị quyết nêu.

Nguồn: https://plo.vn/quoc-hoi-chot-muc-tieu-tang-truong-nam-2025-post834988.html