Phát huy truyền thống gia đình
Trong quá trình hình thành và phát triển ngành giao thông vận tải Việt Nam, cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa (sinh năm 1954) được nhiều người nhắc đến với mô hình khoán xe trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ông là một người dám nghĩ, dám làm, luôn dành trọn tình cảm cho Đảng, cho nhân dân, cho đồng nghiệp và cho gia đình qua những bài thơ do ông sáng tác.
Giờ không còn sống trong ngôi nhà của cha mẹ tại thôn Lôi Cầu, xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu nữa nhưng ông Hòa không ngại mệt nhọc, đường sá xa xôi để đưa chúng tôi về tham quan mảnh đất đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn.
Trên nền đất cũ, ngôi nhà mới được xây thành nhà thờ của dòng họ, còn căn nhà cũ gia đình từng sinh sống hiện được ông Hòa sửa thành nơi lưu giữ những kỷ niệm và thờ cha mẹ. Trong căn nhà lợp ngói cũ kỹ theo thời gian, chúng tôi bắt gặp ở đây rất nhiều hình ảnh, bằng khen của một gia đình giàu truyền thống cách mạng và học hành.
Chủ tịch UBND xã Việt Hòa Hoàng Ngọc Ảnh cho biết, cha ông Hòa là cụ Hoàng Văn Thưởng, nguyên Vụ trưởng Huấn học, Ban Tuyên huấn Trung ương-Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu tả ngạn và mọi người thường gọi với cái tên trìu mến là ông giáo Dếnh. Cụ Thưởng đã góp phần giúp người dân trong xã xóa nạn mù chữ thời phong trào bình dân học vụ.
Mẹ ông Hòa là cụ Trần Thị Dự, nguyên cán sự Huyện đội Kim Động, người chỉ huy nữ du kích Hoàng Ngân kiêm Xã đội phó Chính Nghĩa, có biệt danh “cô gái ba tài” đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015. Ông bà nội của ông Hòa là những người nuôi giấu cán bộ, làm cơ sở cách mạng, và trực tiếp tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 17 tuổi chàng trai Hoàng Chính Hòa như bao thanh niên thời điểm ấy, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Cuối năm 1971, ông vào chiến trường miền nam; là chiến sĩ lái xe quân sự, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường miền nam, chiến trường Campuchia-Lào, từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, hết sức gian khổ, khắc nghiệt.
Điều đáng nói là dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh và nhiệm vụ nào, người lính thôn Lôi Cầu ấy luôn tỏ rõ sự dũng cảm, ngoan cường. Ba năm liên tiếp, từ năm 1972-1974, ông Hoàng Chính Hòa là Chiến sĩ thi đua của Đoàn 559; năm 1975, ông nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ…
Quãng thời gian gian khổ đó đã được người lính Trường Sơn năm xưa đưa vào những câu thơ trong bài Gặp lại thật đẹp và lãng mạn: “Chiếc xe anh lái “Zin ba cầu”/Chở đạn chở quân vào tuyến sâu/Mỗi lần qua chốt em đứng đó/Ánh mắt em cười… anh nhớ lâu…” hay trong bài Trở lại Trường Sơn, cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa đã xúc động viết: “Mười lăm năm trở lại Trường Sơn/Qua bên đông bên tây mây mù sương phủ/Mười lăm năm rồi tim tôi ấp ủ/Có hôm nay trở lại Trường Sơn…”.
Trong thời bình, ông Hòa viết nhiều hơn về nghề nghiệp của mình, về ngành giao thông vận tải với những câu thơ phản ánh trung thực nhiệt huyết của một giám đốc trẻ, sự trăn trở, suy tư đối với sự nghiệp đổi mới đúng quy luật, hợp lòng người khi đó, bằng việc nhanh chóng áp dụng cơ chế khoán vào các dây chuyền hoạt động tại xí nghiệp do ông quản lý, như ông từng chia sẻ qua những vần thơ: “Trước làm người lính Trường Sơn/Lái xe vượt tuyến giỏi hơn lúc này/Giờ làm giám đốc thời nay/Cảm xúc suy nghĩ nặng dầy thành thơ”.
Người đảng viên đi đầu
Trong tài liệu ghi lại những điển hình tiên tiến của ngành giao thông vận tải giai đoạn 1980-1990 đã ghi nhận mô hình “khoán xe” của nguyên Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng Hoàng Chính Hòa, một mô hình từng gây tiếng vang trong lĩnh vực vận tải hành khách thời kỳ đầu đổi mới.
Cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa cho biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1977, ông chuyển ngành về công tác tại Xí nghiệp Ô-tô vận tải hành khách Hải Hưng. Là một trong những chiến sĩ đầu tiên của toàn quân được đổi bằng lái xe ca sang xe dân sự cho nên ông rất tự hào, luôn nỗ lực phấn đấu làm việc.
Trong bảy năm đó, đơn vị của ông không chỉ bảo đảm đưa đón việc đi lại của nhân dân an toàn mà cá nhân ông còn có nhiều sáng kiến kỹ thuật đóng góp cho xí nghiệp, được Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải tặng bằng khen.
Với nhiều đóng góp tích cực, ông Hòa được đề bạt lên các chức vụ cao hơn như phụ trách kỹ thuật, giám đốc xí nghiệp, phó bí thư đảng ủy xí nghiệp… Ở vị trí này, ông không chỉ có cơ hội phát huy năng lực mà còn trăn trở, suy nghĩ phải biết hy sinh, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm đi đầu trong việc thực hiện mơ ước lâu nay là khoán xe cho lái xe.
Thời điểm đó, người cựu chiến binh ấy nhận thấy với việc điều hành quản lý tập trung trong sản xuất, người lái xe chỉ biết thực hiện và chấp hành theo sự phân công của cấp trên, nên nhiều khi hiệu quả kinh tế kém, gây lãng phí lớn. Vì thế, sau một thời gian dài nghiên cứu, áp dụng thực tế, đầu năm 1985, Giám đốc Hoàng Chính Hòa khởi xướng và đề xuất mô hình khoán xe.
Mô hình này giao xe cho lái xe cùng phụ xe là biên chế của xí nghiệp quản lý, điều khiển vận hành chiếc xe đấy để hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hành khách trên một tuyến đường do xí nghiệp phân công tự chủ kinh doanh khai thác thêm để tăng năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hòa cho biết thêm, ông còn mở các tuyến vận chuyển giữa tỉnh Hải Hưng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm giải quyết việc đi lại khó khăn của người dân khi hàng không, đường sắt, đường biển chưa phát triển vì thiếu vốn; giao thông đường bộ bị chia cắt, ách tắc, dịch vụ, phục vụ cho vận tải trên các cung đường chưa được khai mở.
Năm 1990, Xí nghiệp Ô-tô vận tải hành khách Hải Hưng đã mở chuyến vận chuyển hành khách vào Tây Nguyên thành công, đáp ứng nhu cầu của người dân tỉnh Hải Hưng đi xây dựng kinh tế mới. Đến năm 1997, xí nghiệp đã có 68 chuyến vận chuyển hành khách bằng ô-tô trên đường bộ và tiếp tục mở rộng các tuyến tới những vùng biên giới xa xôi.
Những thay đổi này sau đó được ông Hòa chia sẻ trong những câu thơ mộc mạc trong bài thơ Thêm tuyến mới như: “Hôm nay Bắc Thái, Hòa Bình…/Đã thêm tuyến mới nối tình vươn xa/Hải Hưng tỉnh rộng bao la/Sẵn sàng chắp cánh thêm ba tuyến đường…” hay “Xe chạy ba tuyến dân mừng/Giao lưu kinh tế xin đừng quên nhau/Hải Hưng xin có đôi câu/Chúc thêm tuyến mới dẫn đầu khách đông”.
Nghỉ hưu năm 2014, chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng gia đình nhưng 10 năm qua, dù là cựu chiến binh tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, ông vẫn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tuyên truyền để mọi người chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện sai trái, tiêu cực, góp phần xây dựng đảng bộ chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.
Thú vị là hai người con của ông đều công tác trong ngành giao thông vận tải, một người làm việc ở Công ty Đường sắt Hà Nội, một người làm việc tại Cảng vụ hàng không miền bắc. Thế nhưng, khi được hỏi liệu ông có muốn chọn lại một nghề khác cho đỡ vất vả, nếu được làm lại hay không, người đàn ông ở tuổi ngoài 70 đã cười và trả lời chúng tôi bằng những câu thơ trong bài Nghề tôi mà ông viết cách đây hơn 30 năm, rằng: “Nghề lái dẫu mấy gian nan/Yêu nghề chẳng quản muôn vàn khó khăn/Kiếp sau nếu lại làm người/Thì tôi lại chọn cái thời lái xe”
Nguồn: https://nhandan.vn/sang-danh-nguoi-linh-truong-son-post857885.html