(PLO)- Ban lãnh đạo mới ở Syria đang đứng trước những thách thức lịch sử cả bên trong lẫn bên ngoài để có thể ổn định và tái thiết đất nước.
Syria đang trong giai đoạn bước ngoặt sau khi lực lượng đối lập do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng trước và kết thúc hơn 50 năm cầm quyền của gia tộc al-Assad.
Ngoài công việc hàng đầu là tái thiết cơ sở hạ tầng bị tàn phá sau 13 năm nội chiến, ban lãnh đạo mới ở Syria cũng phải đương đầu với nhiệm vụ gian nan là giải quyết những chia rẽ chính trị nội bộ trong bối cảnh HTS đối mặt với nhiều sự hoài nghi từ trong nước và quốc tế.
Có thể nói ban lãnh đạo mới ở Syria đang đứng trước những thách thức mang tính lịch sử phải cần rất nhiều nỗ lực để vượt qua.
![Người dân thủ đô Damascus (Syria) ăn mừng sau khi lực lượng đối lập lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: THE NEW NEW YORK Hậu nội chiến: Thách thức trong ngoài bủa vây lãnh đạo mới ở Syria](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Syria-hau-noi-chien-Qua-nhieu-thach-thuc-lich-su.webp.webp)
Quá nhiều thách thức bên trong
Cuộc nội chiến kéo dài ở Syria đã làm sâu sắc thêm sự phân hóa phe phái, đặc biệt giữa cộng đồng Alawite cầm quyền và đa số người Sunni. Với nền tảng chủ yếu dựa trên cộng đồng người Hồi giáo Sunni, HTS hiện đối mặt thách thức lớn để có thể vượt qua sự chia rẽ này.
Một vấn đề khác là quân đội Syria đã suy yếu nghiêm trọng từ trước khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ. Theo tờ The Conversation, nạn tham nhũng, thiên vị bè phái và sự kém hiệu quả trong tổ chức đã làm suy giảm năng lực của quân đội.
Trước khi nội chiến bùng phát năm 2011, quân đội Syria là một tổ chức khổng lồ với hàng trăm nghìn binh sĩ trải khắp các nhánh. Hơn một thập niên xung đột đã làm quân đội mất đi phần lớn hiệu quả chiến đấu. Các báo cáo cho thấy hơn 75% năng lực chiến đấu của quân đội đã bị mất đi do binh sĩ đào ngũ, bỏ trốn và vũ khí rơi vào tay lực lượng đối lập.
Tình hình này đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho ban lãnh đạo mới ở Syria là phải tái thiết quân đội. Lãnh đạo HTS – ông Ahmad al-Shara tuyên bố muốn xây dựng quân đội Syria chuyển từ hình thức nghĩa vụ quân sự sang lực lượng tình nguyện chuyên nghiệp, được trang bị công nghệ hiện đại và đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, chiến lược này vẫn còn mơ hồ và không nhất quán, nhất là khi việc giải giáp hoàn toàn các nhóm vũ trang ở Syria – một điều kiện tiên quyết để hình thành quân đội quốc gia thống nhất – vẫn chưa được thỏa thuận. Đến nay, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kursk lãnh đạo ở đông bắc Syria vẫn kiên định với lập trường duy trì cấu trúc quân sự độc lập.
Giới lãnh đạo mới ở Syria cũng đối mặt một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là phải vực dậy một nền kinh tế khủng hoảng. Từ năm 2011 đến thời điểm này, GDP của Syria đã giảm mạnh ở mức 87%, đồng tiền mất hơn 99% giá trị và lạm phát đối với các mặt hàng tiêu dùng cơ bản đã tăng vọt lên hơn 300%, theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Tình hình càng trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt ngày càng thắt chặt. Hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, chỉ một số ít xoay xở để chuyển sang các nước láng giềng. HTS nói rằng họ muốn giới thiệu một hệ thống thị trường tự do cho Syria trong tương lai.
Để xoa dịu mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt hàng hóa, chính phủ chuyển tiếp đã mở lại cửa khẩu biên giới Nasib với Jordan – một trong những tuyến giao thương bận rộn nhất của Syria. Chính phủ chuyển tiếp cũng đã yêu cầu các cửa hàng mở cửa và chỉ thị cho Công ty Dầu khí Syria thuộc sở hữu nhà nước tiếp tục cung cấp dầu khí.
Thách thức thứ tư là phải đạt được sự đồng thuận về cơ cấu và thành phần của chính phủ mới cũng như việc soạn thảo một bản hiến pháp mới. Mục tiêu trước mắt là triệu tập một hội nghị toàn quốc với sự tham gia của người dân Syria, những người đã ở lại đất nước trong suốt cuộc xung đột, qua đó đặt nền móng cho việc soạn thảo một bản hiến pháp mới và chuyển sang giai đoạn hậu chuyển tiếp.
Bạn thù chồng chéo bên ngoài
Các quốc gia phương Tây kỳ vọng chính quyền mới của Syria đảm bảo rằng nhà nước này sẽ không đe dọa các nước láng giềng – đặc biệt là Israel. Trong khi đó các hành động gần đây của chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Syria và chiếm đất ở Syria đã tạo ra những căng thẳng mới giữa hai đất nước đối thủ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói với các nước Ả Rập rằng ông Netanyahu hứa sẽ rút quân khỏi Syria vào cuối mùa đông. Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn hoài nghi về lời cam kết này. Về phía mình, chính phủ chuyển tiếp ở Syria đã nhấn mạnh với các phái viên phương Tây rằng việc Israel rút quân về đường giới tuyến trước ngày 8-12-2024 (ngày chính quyền ông al-Assad sụp đổ) là điều cần thiết để tránh một cuộc xung đột mới.
Kế đến là Thổ Nhĩ Kỳ, dù Ankara đóng vai trò tài trợ cho HTS nhưng ảnh hưởng và các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria không phải lúc nào cũng có lợi cho giới lãnh đạo mới ở Damascus.
Theo The Conversasion, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria từ lâu đã phù hợp với an ninh quốc gia và lợi ích địa chính trị của Ankara. Điều này đặc biệt đúng khi nói đến việc chống lại các phong trào tự trị của người Kurd ở đông bắc Syria. Mặc dù điều này có thể phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó có nguy cơ làm suy yếu chủ quyền của Syria và những nỗ lực của Syria nhằm thiết lập một tương lai độc lập.
Một lớp phức tạp khác xuất hiện từ nỗ lực không ngừng của HTS nhằm hợp pháp hóa vị thế của tổ chức này trong mắt cộng đồng quốc tế. Kể từ khi nắm quyền, HTS đã tích cực vận động để được xóa khỏi danh sách các tổ chức khủng bố, tự giới thiệu là một lực lượng ổn định có khả năng lấp đầy khoảng trống quyền lực ở Syria hậu ông al-Assad.
![(từ trái sang) Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot và lãnh đạo mới của Syria - ông Ahmed al-Sharaa tại thủ đô Damascus (Syria) vào ngày 3-1. Ảnh: SANA hau-noi-chien-thach-thuc-trong-ngoai-bua-vay-lanh-dao-moi-o-syria (2).jpg](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738968933_388_Syria-hau-noi-chien-Qua-nhieu-thach-thuc-lich-su.webp.webp)
Trong vài tuần đầu lãnh đạo, ban lãnh đạo mới ở Syria đã chào đón một số phái đoàn từ các quốc gia Ả Rập và nước ngoài khác. Điều này cho thấy nỗ lực có tính toán của HTS nhằm thể hiện mình là một tổ chức chính trị hợp pháp, sẵn sàng dẫn dắt chương tiếp theo của tương lai Syria. Mặc dù các cuộc gặp gỡ này có thể giúp ông al-Shara và HTS cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế, nhưng nó chứa đầy những thách thức và mâu thuẫn.
Một mặt, sự tham gia của các phái đoàn quốc tế trong đối thoại với HTS có thể được xem là một bước đi cần thiết nhằm ổn định Syria và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn kéo dài. Nhưng mặt khác, nếu thực hiện quá trình này quá nhanh, giới lãnh đạo mới ở Syria có thể khiến các nước phương Tây và các nước Ả Rập lo ngại về nguy cơ quyền lực ở Syria được trao cho ông al-Shara và HTS một cách không kiểm soát.
Đến nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn duy trì các lệnh trừng phạt áp đặt lên Syria từ thời ông al-Assad, và chính quyền mới vẫn đang gánh chịu hậu quả từ các lệnh trừng phạt này.
![Syria hậu nội chiến: Quá nhiều thách thức lịch sử trong, ngoài 1 Tương lai quan hệ Mỹ-Syria với sự trở lại của ông Trump](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738968934_585_Syria-hau-noi-chien-Qua-nhieu-thach-thuc-lich-su.webp.webp)
Nguồn: https://plo.vn/syria-hau-noi-chien-qua-nhieu-thach-thuc-lich-su-trong-ngoai-post830020.html