Trong 4 ngày làm việc tại Trung Quốc, từ 5 – 8.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự 3 hội nghị cấp cao đa phương tại tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) tiến hành cuộc gặp song phương với một số đối tác quan trọng.
Thủ tướng cũng tham dự các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam, tọa đàm với doanh nghiệp; thăm một số cơ sở kinh tế, logistics tại Côn Minh (Vân Nam) và Trùng Khánh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 8 trong các ngày 6 – 7.11, theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, đây là lần đầu tiên các hội nghị hợp tác GMS, ACMECS và CLMV được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm, là dịp để các nhà lãnh đạo thảo luận định hướng hợp tác, giúp các cơ chế vững vàng bước sang kỷ nguyên phát triển mới.
Do đó, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc được kỳ vọng chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa tới tiểu vùng, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, tại các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới, trong đó nổi bật là đổi mới sáng tạo. Những lĩnh vực hợp tác mới là nguồn xung lực mạnh mẽ định vị các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV không chỉ là các cơ chế hạt nhân truyền thống trong hợp tác tiểu vùng; mà còn là những cơ chế tiên phong đưa tiểu vùng Mê Kông lên một tầm cao mới trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước GMS dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung của hội nghị và Chiến lược đổi mới sáng tạo vì phát triển GMS năm 2030.
Cùng đó, ghi nhận 6 văn kiện về đầu tư, môi trường và biến đổi khí hậu, số hóa, bình đẳng giới, y tế, khung số hóa tài liệu thương mại. Các kết quả quan trọng này của hội nghị sẽ góp phần tạo động lực mới cho hợp tác tiểu vùng nói chung, cũng như cho hợp tác GMS nói riêng.
Trên bình diện song phương, theo Đại sứ Phạm Sao Mai, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đưa ra các biện pháp nhằm triển khai thiết thực, hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc; thúc đẩy tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh cùng các địa phương của Việt Nam tăng cường hiểu biết, mở rộng các cơ chế phối hợp công tác nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác giữa hai nước.
Chuyến thăm sẽ góp phần xác định những trọng tâm và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác thực chất giữa hai bên trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân…
Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, những năm qua, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Vân Nam với các địa phương của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hợp tác giữa hai bên trong công tác quản lý biên giới, kết nối giao thông, phát triển cửa khẩu, lối mở, văn hóa, thể thao và du lịch… cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt về hợp tác kinh tế, thương mại, tỉnh Vân Nam cùng các địa phương của phía Việt Nam đã phối hợp thúc đẩy giao thương, tiện lợi hóa thông quan, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Vân Nam và Việt Nam đạt 2,09 tỉ USD, tăng 30,31% so với cùng kỳ.
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn tại sân bay
ẢNH: NHẬT BẮC – TRẦN THƯỜNG
Với thành phố Trùng Khánh, ông Phạm Sao Mai cho biết đây là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của khu vực miền Tây Trung Quốc với 4 ưu thế nổi bật.
Trùng Khánh là thành phố trực thuộc T.Ư, do đó có cơ chế ra quyết sách chủ động và hiệu quả. Bên cạnh đó, Trùng Khánh có độ mở kinh tế cao và là trung tâm vận tải, logistics và là điểm trung chuyển chính của tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Trung Quốc đi châu Âu.
Kể từ năm 2019 đến nay, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong ASEAN. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trùng Khánh đạt 3,03 tỉ USD.
Về đầu tư, tính đến cuối tháng 7, Việt Nam có 5 dự án đầu tư tại Trùng Khánh với tổng vốn đầu tư là 8,1 triệu USD; trong khi Trùng Khánh có 22 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn là 296 triệu USD.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thu-tuong-den-van-nam-bat-dau-chuyen-cong-tac-tai-trung-quoc-185241105111716786.htm