Để thực hiện các mục tiêu trong đề án, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần tập trung xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường các-bon là yếu tố cốt lõi để bảo đảm thị trường hoạt động minh bạch, công khai, công bằng và hiệu quả theo lộ trình đã đề ra.
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có
Theo số liệu thống kê, diện tích rừng hiện nay ở nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%. Về tiềm năng của thị trường tín chỉ các-bon, trên diện tích rừng hiện có, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ các-bon mỗi năm. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, ngành lâm nghiệp nước ta ước thu về 200 triệu USD.
Theo số liệu thống kê, diện tích rừng hiện nay ở nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%. Về tiềm năng của thị trường tín chỉ các-bon, trên diện tích rừng hiện có, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ các-bon mỗi năm. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, ngành lâm nghiệp nước ta ước thu về 200 triệu USD.
Đáng chú ý, tháng 3/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chuyển khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) cho Việt Nam sau khi mua 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng. Nước ta là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ các-bon rừng từ WB.
Đánh giá về tiềm năng tín chỉ các-bon (CO2) của Việt Nam, Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Tăng Thế Cường cho biết, ở nước ta, việc trao đổi tín chỉ các-bon ra thế giới đã được doanh nghiệp thực hiện từ những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Đến nay, đã có hơn 300 chương trình đăng ký, trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới, đưa Việt Nam là một trong bốn nước có dự án theo Cơ chế phát triển sạch đăng ký nhiều nhất sau các nước như: Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ. Riêng tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch, Việt Nam đứng thứ chín trên tổng số 80 quốc gia có dự án này được cấp tín chỉ.
Các dự án đã được cấp tín chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Ngoài nguồn tài nguyên rừng phong phú, Việt Nam còn có khả năng bán tín chỉ các-bon từ lúa, hay các cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, cà-phê, dừa,… nếu được xác lập theo tiêu chí của đối tác.
Chính vì vậy, các khu vực giàu đa dạng sinh học, có khả năng hấp thụ các-bon sẽ là cơ hội để chúng ta có thể thực hiện việc bán tín chỉ các-bon. Khi thị trường các-bon được thành lập và phát triển sẽ tạo dòng chảy tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, phát triển nền kinh tế các-bon và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2025 mà Việt Nam đã đề ra.
Xây dựng, phát triển thị trường các-bon bền vững
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng, để xây dựng và phát triển hiệu quả thị trường các-bon, Việt Nam tập trung xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường các-bon là yếu tố cốt lõi để bảo đảm thị trường hoạt động minh bạch, công khai, công bằng và hiệu quả. Trong đó, Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các quy định pháp lý liên quan thị trường các-bon nội địa, bao gồm việc xác định rõ phạm vi và quy mô của tín chỉ các-bon, khung pháp lý về giao dịch tín chỉ và hạn ngạch phát thải khí nhà kính; đồng thời cần phải phát triển thị trường các-bon nội địa tương thích với thị trường các-bon thế giới để thực hiện giao dịch ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia một cách có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế; thành lập các đơn vị chuyên môn có khả năng thẩm định và đánh giá các dự án tín chỉ các-bon, đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo để hiểu rõ về các cơ chế tín chỉ, cách thức vận hành và lợi ích của thị trường các-bon; triển khai thí điểm thị trường các-bon nội địa với một số ngành công nghiệp như nhiệt điện, xi-măng, sắt thép…
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường, tài chính cũng khuyến nghị, Việt Nam sớm thực hiện rà soát quy định của Luật Bảo vệ môi trường, quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan để phân công nhiệm vụ liên quan đến quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến thị trường các-bon; xây dựng quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và cấp lĩnh vực, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tổ chức quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Mặt khác, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân nhằm tiếp cận và tham gia thị trường các-bon; thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, sẵn sàng tham gia các hoạt động trên thị trường các-bon; chủ động nâng cao năng lực thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và tham gia thị trường các-bon; nắm bắt thông tin thị trường và các quy định liên quan đến vấn đề này.
Nguồn: https://nhandan.vn/xay-dung-khung-phap-ly-cho-thi-truong-cac-bon-post861204.html