Vé máy bay quá đắt, có nên tiết kiệm bằng cách tự lái xe về quê ăn Tết là vấn đề đang được nhiều người thảo luận khi chỉ còn vài tuần nữa là hết tháng Chạp. Những ngày qua, nhiều người quen, bạn bè hỏi tôi rằng năm nay có định tự lái ô tô về đoàn tụ gia đình hay không, lợi và hại thế nào. Lý do là vì Tết Giáp Thìn năm ngoái, tôi, một thanh niên người Nghệ An mưu sinh tại TP.HCM, đã thử trải nghiệm với hành trình “mài mông” 2 ngày 1 đêm trên ghế lái về quê.
Khi biết ý định này, ai cũng ngạc nhiên, nhiều người khuyên tôi nên nghĩ lại vì tiết kiệm chẳng được bao nhiêu nhưng tai nạn luôn rình rập. Thế nhưng vé máy bay Tết đắt đỏ quá, 9-10 triệu đồng cho hai chiều, chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ. Với số tiền đó, tôi có thể làm bao nhiêu việc khác.
Vì thế nên dù biết trước sẽ rất mệt mỏi, tôi vẫn giữ vững quyết định của mình, bắt đầu hành trình lái xe 1.500km về quê ăn Tết.
Đi cùng tôi là một người bạn cùng quê. Anh chi trả một nửa chi phí trên đường, song không biết lái xe.
Thời gian đầu, mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Chúng tôi chạy qua những cung đường quen thuộc, quan sát cuộc sống hai bên đường và thích thú cảm nhận không khí Tết bắt đầu len lỏi vào từng ngóc ngách. Mặc dù mệt, tôi vẫn thấy hài lòng với quyết định của mình.
Tuy nhiên, khi đi được khoảng 1/3 chặng đường, tới Phú Yên, mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn. Hành trình về quê bằng xe cá nhân không phải là cuộc phiêu lưu thú vị như tôi tưởng mà là cuộc hành xác thực sự!
Đoạn đường dài và khúc khuỷu khiến tôi phải liên tục giảm tốc độ, nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục. Mệt mỏi cứ thế tích tụ, chồng chất. Tôi tưởng rằng việc tự lái xe sẽ giúp mình kiểm soát thời gian, nhưng thực tế là càng mất nhiều thời gian.
Tôi đau lưng, mỏi cổ, chân tay tê dại, có những lúc phải dừng xe, xuống đất đứng một lát cho đỡ đau, nhưng rồi lại phải nhanh chóng tiếp tục hành trình. Những đoạn đường vắng, không có đèn đường, những cơn gió lạnh lùa vào xe làm tôi càng thêm mệt mỏi.
Sự kiệt quệ của cơ thể bắt đầu lan ra đầu óc, gây nên tình trạng cạn kiệt năng lượng. Chúng tôi đã chuẩn bị trước các bữa ăn nhẹ, nước uống, nhưng việc ngồi trong không gian chật hẹp nhiều giờ liền khiến tôi không thể thư giãn. Cảm giác “sống trong chiếc xe” khiến tôi đôi khi muốn dừng lại và bỏ cuộc, nhưng vẫn phải kiên trì để hướng tới mục tiêu.
Về đến quê sau 2 ngày 1 đêm lái xe, tôi rũ ra như vừa trải qua một hành trình không có điểm dừng.
Dù đã tiết kiệm được 9 triệu đồng tiền vé máy bay nhưng tôi cảm thấy cái giá phải trả cho chuyến đi này quá đắt. Cả cơ thể và tinh thần đều rã rời sau chuyến đi dài đằng đẵng. Tôi không còn cảm giác phấn khởi như những lần về quê trước đó, chỉ muốn ngả lưng xuống giường và nghỉ ngơi.
Hóa ra số tiền tiết kiệm được cũng không nhiều như tôi tưởng. Tiền xăng và tiền cầu đường đã ngốn của chúng tôi 3 triệu đồng mỗi chiều. Người bạn phụ tôi một nửa, nghĩa là tôi vẫn tốn 1,5 triệu đồng. Như vậy, tính cả hai chiều, tôi vẫn tốn ít nhất 4 triệu đồng (cả tiền ăn uống). Trong cả hành trình, tôi tiết kiệm được 5 triệu đồng tiền vé nhưng lại mất 2 ngày thời gian cùng rất nhiều sức khỏe thể chất và tinh thần.
Hóa ra những chuyến đi dài, đặc biệt vào dịp Tết, không chỉ là sự di chuyển mà còn là trải nghiệm về sức khỏe và tâm trạng. Sau chuyến đi, tôi rút ra một bài học lớn. Tiết kiệm là điều tốt, nhưng đôi khi chúng ta phải chấp nhận chi trả cho những gì quan trọng hơn. Chuyến đi thoải mái, không phải kiệt sức vì lái xe đường dài hay lo lắng về việc kiểm soát an toàn sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui và sự thư giãn thực sự.
Tiền có thể kiếm lại được, nhưng sức khỏe và tinh thần không phải lúc nào cũng mua được bằng tiền. Tết là dịp để tận hưởng, để thư giãn và sum vầy bên gia đình, chi phí vé máy bay có lẽ là điều chúng ta nên chấp nhận để có những ngày Tết ý nghĩa.
Vậy nên, nếu bạn đang có ý định lái xe dài ngày về quê chỉ để tiết kiệm tiền, hãy nghĩ kỹ trước khi quyết.
Nguồn: https://kenh14.vn/toi-lai-xe-1500km-ve-que-an-tet-de-tiet-kiem-9-trieu-dong-tien-ve-may-bay-215250113142637102.chn