Thứ hai, Tháng Một 27, 2025
HomeThời SựTrăn trở học tiến sĩ trong nước hay nước ngoài?

Trăn trở học tiến sĩ trong nước hay nước ngoài?

Tốt nghiệp thạc sĩ, tôi trở về Việt Nam và nhen nhóm ý tưởng lên tiến sĩ, có thể là sau vài năm nữa. Gia đình không ngăn cản nhưng muốn tôi “học” tiến sĩ ở trong nước. Trong các cuộc nói chuyện thường ngày, bạn bè cũng hay hỏi tôi có dự định “học lên tiến sĩ” hay không?

Thường tôi không bắt bẻ cách dùng từ “học” hay “làm” khi đề cập tới câu chuyện tiến sĩ, vì thỉnh thoảng tôi vẫn quen miệng nói là “học”. Song, đây có thể chính là nguyên nhân của thực tế nhiều người không muốn làm tiến sĩ tại Việt Nam như báo chí đưa tin. 

Ở đây có một vấn đề cần minh định. Đó là lâu nay nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đào tạo tiến sĩ tràn lan, thậm chí “thừa” tiến sĩ. Tuy nhiên, nếu không bàn về chất lượng đào tạo mà chỉ nhìn vào số lượng thì Việt Nam đang có xu hướng ít người học tiến sĩ, hay nói cách khác là nhiều cơ sở đào tạo trong nước “ế” chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ.

Trăn trở học tiến sĩ trong nước hay nước ngoài? - 1

Quy mô theo trình độ đào tạo ở Việt Nam phát triển không đồng đều, quy mô đào tạo đại học có xu hướng tăng trong khi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giảm (Ảnh minh họa: CV)

Theo một báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ cấu quy mô theo trình độ đào tạo ở Việt Nam phát triển không đồng đều, quy mô đào tạo đại học có xu hướng tăng trong khi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giảm những năm gần đây và tỉ lệ thấp khi so sánh với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng như các nước OECD; việc đào tạo tiến sĩ phân tán, hiệu quả không cao, chưa đáp ứng yêu cầu cân đối và đồng bộ với sự phát triển kinh tế – xã hội. 

Tính đến cuối năm 2023, cả nước đang có khoảng 122 ngàn người học sau đại học, trong đó gần 11.700 nghiên cứu sinh và gần 110.000 học viên cao học các ngành khác nhau. Các con số này tính tỉ lệ trên dân số thì Việt Nam chưa bằng 1/3 so với Malaysia và Thái Lan và 1/2 so với Singapore và Philippines, xấp xỉ 1/9 lần so với mức trung bình của các nước OECD. 

So với tổng quy mô đào tạo của 3 trình độ cấp văn bằng giáo dục đại học (cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ và các văn bằng trình độ tương đương), quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ chiếm tỉ trọng xấp xỉ 5,0%, ở trình độ tiến sĩ chưa đạt 0,6%, trong khi các tỉ trọng đó ở Malaysia lần lượt là 10,9% và 7,0%, ở Singapore là 9,5% và 2,2%, tính bình quân các nước có thu nhập trung bình lần lượt là 10,7% và 1,3%, tính bình quân các nước OECD lần lượt là 22,0% và 4,0%.

Trở lại với trăn trở của tôi về việc “học” lên tiến sĩ trong nước. Nhiều khi tôi thử để ý xem trong số bạn bè, đồng nghiệp của mình có ai làm tiến sĩ trong nước không. Tôi không thấy có ai như vậy cả. Tất nhiên điều này không nói lên việc ít hay nhiều người làm tiến sĩ trong nước, nhưng tại sao tôi và nhiều người khác lại dè dặt trong việc làm tiến sĩ ở Việt Nam?

Khi gắn với chữ “học”, người học tiến sĩ ở Việt Nam vẫn phải đóng tiền cho ít nhất 4 năm làm tiến sĩ. Chi phí học tiến sĩ một số trường đại học ở Hà Nội là gần 2 triệu đồng/tín chỉ hoặc từ 30 triệu đồng trở lên/năm… 

Chừng nào người làm tiến sĩ vẫn phải lo đóng tiền học phí, với số năm kéo dài, chừng đó họ chưa thể yên tâm và tĩnh tâm nghiên cứu.

Tại nhiều nước phát triển như Mỹ, tiến sĩ sẽ được coi là một công việc, và ứng viên cho các chương trình tiến sĩ sẽ làm các công việc khác bên cạnh làm tiến sĩ. Thái Duy bạn tôi từng hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành hóa học tại đại học Arizona State University. Thời gian 5 năm làm tiến sĩ tại trường, ngoài các công việc trong phòng nghiên cứu, Duy tham gia giảng dạy tại trường. 

Nguồn hỗ trợ cho tiến sĩ rất đa dạng, tùy vào trường và tùy vào từng ngành. Như Duy chia sẻ, phòng nghiên cứu nào giàu thì nghiên cứu sinh chỉ cần tập trung vào nghiên cứu; còn phòng nghiên cứu nào “nghèo” hơn thì sinh viên sẽ phải làm thêm việc giảng dạy trong trường. Họ nhìn nhận đấy là một công việc, còn quy mô công việc trải cũng rộng, từ nghiên cứu, hỗ trợ giáo sư chấm bài, trợ giảng, thậm chí là cả trông các phòng nghiên cứu… Số tiền hỗ trợ hàng tháng, nhìn chung đủ trang trải cho việc sinh hoạt của nghiên cứu sinh. 

Hồi còn học ở bang Massachusetts, tôi biết một số người bạn làm nghiên cứu sinh ở Harvard nhận được tiền hỗ trợ khoảng 50.000 USD/năm, tương đương với khoảng 1,2 tỷ đồng. Số tiền đó đủ cho họ tập trung nghiên cứu mà không phải lo cơm áo gạo tiền.

Tôi nghĩ đấy là điều quan trọng, không chỉ cho nghiên cứu sinh mà còn cho chất lượng của các công trình nghiên cứu khoa học. Khi nghiên cứu sinh không còn phải đắn đo về vấn đề tài chính, họ mới có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào hoạt động nghiên cứu.

Một vấn đề quan trọng thứ hai cần đề cập là việc “học” sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian làm tiến sĩ. Sở dĩ tôi không hay dùng từ “học” cho việc tiến sĩ vì công việc chính của một người làm tiến sĩ là nghiên cứu, dù trên thực tế chúng ta không bao giờ có thể tách rời việc học ra khỏi nghiên cứu hay bất cứ công việc gì, nhưng khi đã lên bậc tiến sĩ, bạn không thể kỳ vọng sẽ có người dạy bạn từng chút mà phải tập trung vào công trình nghiên cứu của bản thân. 

Điều này khác nhau ở một số nước. Tại Mỹ, thường nghiên cứu sinh sẽ phải hoàn thiện tối thiểu 2 năm học (coursework) trước khi bắt đầu làm nghiên cứu độc lập. Điều này khiến việc làm tiến sĩ ở Mỹ thường mất nhiều thời gian hơn so với một số nước châu Âu. Tuy nhiên, giới học thuật ở Mỹ cho rằng coursework sẽ giúp nghiên cứu sinh có nền tảng tốt để đi theo con đường học thuật. Trong khi đó ở một số quốc gia khác, nghiên cứu sinh sẽ bị cắt luôn phần “học” hoặc không yêu cầu ứng viên tiến sĩ phải học coursework. Nhờ vậy, một số chương trình tiến sĩ sẽ ngắn hơn tại Mỹ nhưng nặng về mặt nghiên cứu hơn. 

Ở Việt Nam, nếu bạn đã có một công việc ổn định khu vực công hoặc tư, và bạn “tranh thủ” làm tiến sĩ, tấm bằng danh giá có thể hỗ trợ sự nghiệp của bạn. Còn nếu bạn từ sinh viên học lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ thì nhiều khi bằng cấp cao lại khiến lựa chọn công việc của bạn bị hạn chế, gần như sẽ chủ yếu đi theo lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu trong trường đại học. Bạn tôi hay đùa rằng nếu tôi đi học lên tiến sĩ ngành truyền thông, tôi chỉ có thể theo nghiệp giảng dạy ở Việt Nam vì không có công ty nào nhận tiến sĩ truyền thông về làm việc cả. 

Điều này không hoàn toàn đúng nhưng cũng không hẳn vô lý khi nhìn vào thực tế việc làm trong ngành truyền thông, người ta cần những người có khả năng “thực chiến” và nắm bắt những thay đổi trong mảng truyền thông, hơn là một người làm nghiên cứu học thuật. Điều này cũng tương tự như ở với nhiều ngành khác. Các viện nghiên cứu độc lập cũng ít ỏi, còn các công ty thì không mặn mà với các ứng viên tiến sĩ (trừ một vài lĩnh vực đặc thù). 

Làm tiến sĩ ở nước ngoài, cơ hội có việc trong các công ty (như mọi người vẫn hay nói là “làm trong industry”) vẫn rộng cửa hơn, dù không dễ dàng.

Ngoài ra, làm tiến sĩ đồng nghĩa với việc bạn phải tham gia nhiều hội thảo trong ngành, cố gắng có các bài thuyết trình tại hội thảo chuyên môn, một năm phải viết 1-2 bài xuất bản trên các tạp chí lớn nhỏ…. Những điều này có thể thực hiện khi làm tiến sĩ trong nước hay không? Tất nhiên là có thể, nhưng không dễ. 

Có những ngành vốn đặc thù, một năm nhìn không ra được hội thảo hay hội nghị nào hoặc nếu có thì đó là những hội thảo chất lượng kém. Làm tiến sĩ bằng tiếng Việt thì việc xuất bản bài trong các tạp chí nước ngoài bằng tiếng Anh cũng khó, khi không quen với việc nghiên cứu và viết tiếng Anh học thuật. Đấy là còn chưa nói tới nguồn tài nguyên ít ỏi khi nhiều trường không có hệ thống thư viện đồ sộ cho nghiên cứu sinh tiếp cận tri thức mới… Tất cả những điều kể trên là những rào cản cho một người bước chân trên con đường tiến sĩ tại Việt Nam.

Tôi tin rằng giáo dục Việt Nam đang tốt lên từng ngày bao gồm cả giáo dục đại học và sau đại học. Song, việc phát triển không gian học thuật cho các chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ cần nhiều hơn vậy. Khi có dự định theo đuổi tiến sĩ ở nước ngoài, tôi cho rằng nó sẽ không chỉ hữu ích cho bản thân tôi mà thực sự giúp tôi có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội khi được hỗ trợ về tài chính, thời gian, tài nguyên, toàn tâm toàn sức cho các công trình nghiên cứu. Thực sự thì tôi mong rằng làm tiến sĩ trong nước cũng được như vậy, để tôi không phải đi đâu cả mà vẫn “học” lên cao hơn như mong muốn của bố mẹ tôi.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/tran-tro-hoc-tien-si-trong-nuoc-hay-nuoc-ngoai-20241005084220623.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay