Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
HomeThời SựTranh chấp phí quản lý bị cắt nước sinh hoạt, đúng hay...

Tranh chấp phí quản lý bị cắt nước sinh hoạt, đúng hay sai, cư dân khiếu nại ở đâu?

Tranh chấp phí quản lý, căn hộ bị cắt nước sinh hoạt, cư dân khiếu nại ở đâu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH

Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ánh đến Tuổi Trẻ Online việc bị cắt điện, cắt nước sinh hoạt do có tranh chấp, mâu thuẫn với ban quản trị, ban quản lý chung cư.

Bạn đọc thắc mắc ban quản trị, ban quản lý chung cư có quyền cắt nước, cắt điện không và cư dân có thể phản ánh, khiếu nại đến ai để được giải quyết?

Tranh chấp phí quản lý, bị cắt nước sinh hoạt

Đầu tháng 10-2024, bạn đọc tên T. phản ánh gia đình chị bị ban quản lý một chung cư ở quận 7 cắt nước sinh hoạt do có tranh chấp về việc thu phí quản lý.

Cũng ở quận 7, mới đây bạn đọc tên H. cho biết một số hộ dân phản đối, đề nghị thay đổi ban quản lý chung cư thì cũng bị cắt nước sinh hoạt.

Bạn đọc này đã phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết.

Gần đây nhất ngày 2-11, căn hộ của bạn đọc tên D. ở một chung cư tại quận Bình Tân cũng bị cắt nước sinh hoạt.

Anh D. đã phản ánh sự việc đến chính quyền địa phương và được phản hồi rằng đó là tranh chấp dân sự giữa các bên, bạn đọc có thể khởi kiện ra tòa.

Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, các cư dân bị cắt nước sinh hoạt, cắt điện có chung thắc mắc: ban quản trị, ban quản lý chung cư có quyền cắt nước sinh hoạt của cư dân không?

Khi gặp tình huống trên thì cư dân có thể phản ánh, khiếu nại đến cơ quan nào để được giải quyết?

Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), chủ sở hữu các căn hộ chung cư cũng là chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng đầy đủ, đúng hạn kinh phí quản lý vận hành, bảo trì và các chi phí, lệ phí khác khác theo quy định hoặc theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ.

Thời gian qua, xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp (vì cho rằng mức thu cao hoặc việc sử dụng các nguồn kinh phí thiếu minh bạch) mà các chủ hộ không đóng kinh phí quản lý vận hành, bảo trì và các chi phí khác.

Tự ý cắt nước sinh hoạt, đúng hay sai?

Theo luật sư Nhật, với các chung cư đã bầu ra ban quản trị thông qua hội nghị nhà chung cư và đã thông qua việc ban hành quy chế nhà chung cư thì cần căn cứ các nội dung, điều khoản của quy chế nhà chung cư.

Nếu quy chế có quy định các chủ căn hộ chung cư không đóng kinh phí quản lý vận hành, bảo trì và các chi phí khác trong thời gian bao lâu thì sẽ bị chế tài bằng cách cắt nước, cắt điện (nhằm buộc chủ hộ phải đóng các khoản trên) thì sẽ thực hiện theo quy chế.

Trong tình huống này, việc cắt điện, cắt nước sinh hoạt của ban quản trị, ban quản lý là đúng theo quy chế.

Với các chung cư chưa có quy chế nhà chung cư, chưa có ban quản trị thì thường có ban quản lý do chủ đầu tư thuê đứng ra quản lý tạm thời.

Trong trường hợp này, vì chưa có quy chế nhà chung cư hoặc có quy chế nhưng quy chế không có quy định chế tài nên việc ban quản lý cắt điện, nước sinh hoạt đối với các chủ hộ chung cư là không có căn cứ pháp lý.

Bởi lẽ, việc cung cấp điện nước là do các đơn vị sự nghiệp về điện nước cung cấp cho cư dân, ban quản lý không được tự ý cắt.

Theo quy định, trường hợp có tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, sử dụng kinh phí bảo trì thì UBND cấp huyện nơi có nhà ở đó hoặc tòa án, trọng tài thương mại giải quyết (khoản 4, điều 194 Luật Nhà ở 2023).

Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về nhà ở thông qua hòa giải trước khi đưa tranh chấp ra tòa hoặc trọng tài nhằm hướng tới việc xây dựng đời sống khu chung cư thân thiện, an toàn, văn minh.

Trong khi chưa có phán quyết có hiệu lực pháp luật giải quyết tranh chấp thì ban quản trị hoặc ban quản lý không tự ý cắt điện, nước của cư dân.

Nguồn: https://tuoitre.vn/tranh-chap-phi-quan-ly-bi-cat-nuoc-sinh-hoat-dung-hay-sai-cu-dan-khieu-nai-o-dau-20241105115201685.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay