Mới đây, Trung Quốc ban hành các quy định mới nhằm thực thi Luật Hải cảnh năm 2021, trong đó cho phép kể từ ngày 15-6, Hải cảnh Trung Quốc được tạm giữ người nước ngoài bị nghi ngờ xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà không cần xét xử; thời hạn tạm giữ 30 ngày, trong một số trường hợp có thể lên đến 60 ngày. Động thái này dấy lên lo ngại căng thẳng trên biển Đông.
Trao quyền phi pháp cho Hải cảnh
Quy định mới nói trên của phía Trung Quốc công bố vào giữa tháng 5. Thực tế cho thấy cứ đến tháng này hằng năm, Trung Quốc lại đơn phương lặp lại lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, cho dù Trung Quốc hoàn toàn không có quyền này.
Cái gọi là yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là một thứ vô lý, không có cơ sở hợp pháp và đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan bác bỏ năm 2016. Thất bại trước các cuộc chiến pháp lý do hoàn toàn không có cơ sở nào trong luật quốc tế, Bắc Kinh đã tìm cách dựa vào các quy định của chính họ, bất chấp các quy định này vi phạm nghiêm trọng đến luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việc Trung Quốc tự thay đổi quy định, trao quyền cho lực lượng Hải cảnh có thể đánh dấu một sự leo thang mới trong chiến lược của nước này, làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa hòa bình ở biển Đông. Phản ứng về quy định này, Tổng thống Philippines Marcos đã nêu rõ: “Chính sách mới (của Trung Quốc) đe dọa giam giữ công dân của chúng tôi. Đó là sự leo thang tình hình”. Nhà lãnh đạo Philippines cũng khẳng định Manila “sẽ sử dụng bất kỳ đầu mối liên lạc nào với Trung Quốc để ngăn chặn các hành động gây hấn” và cho phép ngư dân Philippines đánh cá ở biển Đông. Ông nói thêm rằng nếu các hành động hung hăng được quản lý “thì chúng tôi có thể tiến hành công việc của mình một cách hòa bình”.
Các nghị sĩ Philippines như France Castro và Bayan Muna Neri Colmenares đều lên tiếng phản đối, cho rằng các quy định trên của Trung Quốc là bất hợp pháp. Họ kêu gọi chính quyền Tổng thống Marcos cần nộp đơn mới để kiện Trung Quốc lần nữa lên PCA, là bên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước khác nên không có quyền áp đặt một quy định như vậy. Họ cũng kêu gọi chính quyền Manila tìm kiếm sự hỗ trợ từ ASEAN “để phi quân sự hóa khu vực”.
Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết các quốc gia trên thế giới nên phản đối lệnh bắt giữ trái phép của Trung Quốc. Theo ông Manalo, lệnh giam giữ này không có cơ sở pháp lý và không chỉ ảnh hưởng đến Philippines, quốc gia đang có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác có tàu thuyền hoạt động ở biển Đông. Ngoại trưởng Enrique Manalo nhấn mạnh: “Điều đáng lo ngại hơn nữa là lệnh bắt giữ này không chỉ ảnh hưởng đến Philippines. Về mặt lý thuyết, lệnh này sẽ ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên thế giới. Lệnh bắt giữ này không có cơ sở pháp lý. Đây chắc chắn là một động thái đáng lo ngại”.
Liên quan đến động thái này của Trung Quốc, tại họp báo của Bộ Ngoại giao nước ta mới đây, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh lại quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông: “Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp của Việt Nam”.
Phải tuân thủ luật pháp quốc tế
Động thái này của Trung Quốc làm dấy lên sự lo ngại rất lớn đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang thực hiện việc phong tỏa hai thực thể trên biển Đông là bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough.
Từ năm 1999, để đáp trả hành động Trung Quốc cải tạo Đá Vành Khăn, Philippines đã cố tình cho tàu đổ bộ Sierra Madre mắc cạn tại bãi Cỏ Mây gần đó, biến con tàu mắc cạn thành tiền đồn quân sự do một nhóm nhỏ lính thủy đánh bộ Philippines kiểm soát. Gần đây, những nỗ lực của Manila nhằm tiếp tế cho tiền đồn đó đã trở thành nhiệm vụ nguy hiểm vì các tàu của họ buộc phải vượt qua hàng loạt tàu dân quân và tàu tuần tra của Hải cảnh Trung Quốc – vốn chuyên ngăn chặn và tấn công các tàu Philippines bằng vòi rồng trước khi đâm và làm hỏng chúng.
Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh vượt trội để áp đảo Philippines. Theo dữ liệu do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á cung cấp, số lượng tàu Trung Quốc quanh bãi Cỏ Mây đã tăng vào năm 2022 trước khi tăng đột biến vào năm 2023 – được báo cáo là gấp 14 lần so với số lượng tàu Trung Quốc có vào năm 2021 – trong khi số lượng tàu của Philippines ở khu vực lân cận đó không thay đổi.
Hơn nữa, trong số các quy định mới mà Bắc Kinh vừa tuyên bố nhằm thực thi Luật Hải cảnh năm 2021 lại công khai cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có thể bắn vào tàu nước ngoài. Chiến lược của Bắc Kinh dường như nhằm mục đích buộc Manila phải từ bỏ sự hiện diện ở bãi Cỏ Mây bằng sự quấy rối và cản trở theo cách mà nhiều học giả phương Tây gọi là “chiến thuật vùng xám.”
Cùng với bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scarborough cũng là một điểm nóng thu hút sự chú ý của quốc tế. Năm 2012, Trung Quốc đã sử dụng “chiến thuật cải bắp” để giành quyền kiểm soát trên thực tế đối với bãi cạn này từ Philippines.
Ngày 27-5, Manila đã thách thức Bắc Kinh mở bãi cạn này cho quốc tế giám sát sau khi nước này cáo buộc Trung Quốc phá hủy môi trường biển của bãi cạn thông qua việc phá hủy các rạn san hô và khai thác các loài trai khổng lồ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Philippines cũng tố cáo Trung Quốc đang tìm cách xây dựng và bồi lấp đảo nhân tạo tại bãi cạn Sabin thuộc quần đào Trường Sa của Việt Nam.
Thêm nữa, Trung Quốc vẫn tiếp tục lặp lại hành vi cho tàu xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven biển Đông, trong đó có cả Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Chính với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế như vậy là nguyên nhân dẫn tới việc chậm trễ trong việc đàm phán để ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mà Trung Quốc là một bên tham gia.
Chỉ có tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, cùng với thái độ thiện chí, tôn trọng lợi ích của tất cả các bên mới có thể cùng nhau xây dựng khu vực biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình và thịnh vượng trong sự phát triển của toàn thế giới.
Phải tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam
Liên quan đến tàu Hải Dương 26 của Trung Quốc hoạt động khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 6-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với Trung Quốc về việc này.
Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu khảo sát Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), không tái diễn các hoạt động trái phép tương tự; tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát, giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, duy trì đà phát triển quan hệ song phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm cho hòa bình và ổn định ở biển Đông.
Nguồn: https://nld.com.vn/trung-quoc-ban-lenh-phi-ly-tren-bien-dong-196240608191024098.htm