Cao Bằng ký lược của Phạm An Phủ cho biết: Năm 1787, Bế Văn Kiện theo Đốc đồng Cao Bằng là Nguyễn Hàn mưu tập kích Đốc trấn Cao Bằng là Lưu Tiệp ở trấn doanh. Sự việc thất bại, Nguyễn Hàn bị giết. Bế Văn Kiện cũng bị kẻ thù hại chết. Từ đó có thể thấy Nguyễn Hựu Khôi sinh ra vào khoảng từ năm 1787 – 1788. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang dẫn tộc phả họ Bế Nguyễn nói rằng, tổ chín đời của Khôi là Uy Xuân hầu Nguyễn Tông Thái, em trai của Nguyễn Kim. Thời Lê Chiêu Tông, ông được cử làm trấn thủ ải Quỷ Môn.
Về sau Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Tông Thái về lánh ở thôn Áng Mò, xã Bác Khê, tổng Xuất Tính, châu Thạch Lâm, phủ Cao Bằng. Rồi đến sau, vì muốn lánh họa họ Trịnh, Nguyễn Tông Thái lấy con gái hào trưởng Bế Công Bồi là Bế Thị Khương, “đổi tên, náu bóng”, đó là tổ chín đời. Đến đời con trai ông là tổ đời thứ 8 bèn đổi thành họ Bế Công. Ông tổ đời thứ 5 vì có công dẹp loạn nhà Mạc nên được phong làm phiên thần cai quản địa phương. Đến tháng 9 năm Canh Thân (1740) thời Cảnh Hưng, vua Lê Hiển Tông lại cho họ này đổi thành họ Bế Nguyễn. Cũng tộc phả này cho biết, Nguyễn Tông Thái sinh con trưởng là Nguyễn Lâm; Lâm sinh Bế Công Lượng; con thứ ba của Lượng là Bế Công Phụ; con thứ hai của Phụ là Bế Nguyễn Nghi; Nghi sinh Bế Nguyễn Nhâm; Nhâm sinh con trưởng là Kiện; Kiện là cha của Nguyễn Hựu Khôi.
LÊ VĂN KHÔI TÀI VÕ XUẤT CHÚNG
Theo tộc phả Bế Nguyễn, tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), vì có gốc là họ Nguyễn ở Gia Miêu (Thanh Hóa) nên họ Bế Nguyễn được lệnh khai thế phả dâng nộp, rồi được ban công tính là họ Nguyễn Hựu. Chỉ sau khi Khôi nổi dậy, vua Minh Mạng nổi giận, cho rằng “Khôi đối với Lê Văn Duyệt cũng như con vậy”, mới đổi Khôi theo họ Lê của Lê Văn Duyệt (Minh Mệnh, Ngự chế văn, Trung tâm KHXH và NV quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, 2000, tr.326. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập, NXB Văn Học, 2004, tr.1016). Đây cũng là nguồn gốc của quan điểm cho rằng Nguyễn Hựu Khôi là con nuôi Lê Văn Duyệt.
Đến ngày 27.6 năm Minh Mạng thứ 14 (1833) lại đổi luôn toàn bộ nhánh Nguyễn Hựu của Khôi thành họ Lê. Nguyễn Phan Quang dẫn tộc phả họ Bế Nguyễn lại nói tháng 11 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) mới “tước bỏ danh hiệu công tính, bỏ hoàng tịch, đổi theo họ cũ của tổ mẫu là họ Bế”. Cách gọi Lê Văn Khôi thực chất là một cố gắng chối bỏ dòng dõi “hoàng tộc” của Nguyễn Hựu Khôi mà thôi.
Theo Cao Bằng tạp chí (1921) của Bế Huỳnh, Nguyễn Hựu Khôi “quán ở thôn Nà Giá, xã Phù Đổng”. Tộc phả Bế Nguyễn chép rằng: “Bế Nguyễn Nghê (Hai Khôi tức Nguyễn Hựu Khôi) là người cao lớn, dũng mãnh, tính hay khôi hài, tài võ xuất chúng. Sức có thể nhấc được hai cối đá lớn, có thể nắm tay bóp nát quả dưa, mỗi bữa cơm bình thường rượu thịt đều 5 cân mà vẫn chưa đủ no”. Vùng Cao Bằng còn truyền lại một số chuyện kể nói về sức khỏe và tài năng của Nguyễn Hựu Khôi: như chuyện Khôi một mình vác bốn cây gỗ lim mà sức 20 người không vác nổi; chuyện Khôi nghe lời Nông Văn Vân đi luyện ngựa dữ cho quan tỉnh Cao Bằng để lãnh thưởng; chuyện Khôi đi hát lượn, lúc về nuốt được ngọc của thần thuồng luồng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang từng đi khảo sát vùng này, kết luận rằng Nguyễn Hựu Khôi đã dựng căn cứ địa ở khu vực Bản Trá và bản Sông Giang (Hà Quảng, Cao Bằng). Ở Bản Trá, Nguyễn Hựu Khôi liên kết với Đinh Trần Tấn (tục gọi ông Tầm) – là người cai quản toàn bộ ruộng đất trong bản. Bản này có suối Tò Nừa chảy qua giữa bản.
Nguyễn Hựu Khôi dựa suối làm hào, đắp lũy dọc theo bờ suối, nối liền hai đầu núi Phia Luông; đồng thời đem cây mạy bả về trồng làm rào lũy. Bản Trá là nơi cung cấp lương thực, nuôi trâu, bò, ngựa và cũng là trường luyện ngựa. Trong dân gian có câu chuyện rằng, hằng năm, Hai Khôi bày cách cho dân khai lậu diện tích để giảm thuế, chỉ khai 1/5 diện tích. Vì vậy, quan trên gọi chỗ này là Bản Trá (bản dối trá), từ đó trở thành địa danh.
Mặc dù xây dựng căn cứ địa ở Cao Bằng, Nguyễn Hựu Khôi sau đó lại bỏ đi. Năm 1819, khi Lê Văn Duyệt đi kinh lược ở Thanh Hoa, Nghệ An và đạo Thanh Bình (về sau là Ninh Bình), Nguyễn Hựu Khôi “mộ quân lệ thuộc dưới trướng, bắt dẹp thường có công; Duyệt yêu cho làm trảo sĩ (chân tay lông cánh)” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập, tr.1016). Từ đó, Nguyễn Hựu Khôi bị Tả quân thu phục, được Duyệt xin vua xá tội để tin dùng nên rời Cao Bằng theo vào Nam. (còn tiếp)
(Trích sách Phan Yên Thành binh biến ký – toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)
Nguồn: https://thanhnien.vn/ve-nhan-vat-noi-day-le-van-khoi-185241230225618664.htm