Máy bay Su-57 sử dụng chế độ “quái thú”
Vào ngày 19/10, một đoạn video được công bố cho thấy, một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 của Nga mang theo hai tên lửa hành trình Kh-59 được lắp dưới cánh khi tấn công mục tiêu ở thành phố Odessa, miền nam Ukraine.
Việc lắp tên lửa bên ngoài sẽ làm tăng đáng kể khả năng bộc lộ tín hiệu radar, khiến nó dễ bị phát hiện hơn, giống như máy bay không có tính năng tàng hình.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có khả năng tàng hình hoàn toàn, Su-57 vẫn có khả năng chế áp đối phương, nhờ các cảm biến tiên tiến, thiết bị điện tử hàng không và hiệu suất bay vượt trội.
Điều này đặt ra câu hỏi về cách sử dụng Su-57 của Không quân Nga trong chiến đấu vì loại máy bay này, được thiết kế với tiết diện phản xạ radar (RCS) thấp và vũ khí được bố trí trong khoang chứa tích hợp, nhưng do thể tích bị giới hạn nên lượng bom – tên lửa có thể mang theo tương đối hạn chế.
Trong một số trường hợp, các giá treo bên ngoài máy bay có thể được sử dụng để tăng tải trọng vũ khí khi xuất kích và nó được gọi là chế độ “quái thú” bất chấp điều đó sẽ làm giảm khả năng tàng hình.
Trên thực tế, một số dòng tiêm kích thế hệ thứ 5 được trang bị công nghệ tàng hình, khi đưa vào biên chế chiến đấu đã phải đánh đổi, hy sinh nhiều đặc điểm khí động học để lấy khả năng tàng hình.
Đây đôi khi không phải là ưu điểm, mà còn là gánh nặng do làm giảm khả năng mang tải của máy bay. Do vậy, ngay cả F-22 và F-35 của Mỹ, được coi là máy bay chiến đấu tàng hình hàng đầu thế giới cũng không ít lần sử dụng chế độ quái thú khi treo vũ khí bên ngoài máy bay để làm nhiệm vụ chiến đấu.
Su-57 có thể nói là niềm tự hào của ngành công nghiệp hàng không Nga, khiến nước này trở thành 1 trong 3 quốc gia trên thế giới có thể độc lập phát triển máy bay thế hệ thứ 5, hiệu suất của nó cũng rất ấn tượng.
Phương Tây cũng phải thừa nhận Su-57 rất mạnh, nó có thể so sánh với máy bay chiến đấu phương Tây về các chỉ số đặc tính kỹ – chiến thuật, bao gồm tầm hoạt động, tốc độ, khả năng cơ động,…
Về mục đích sử dụng chế độ quái thú của Su-57, có thể là do Nga muốn tìm ra những chiến thuật mới để dòng chiến đấu cơ thế hệ mới phát huy hết vai trò của mình.
Một lý do khác là Không quân Nga muốn tối ưu hóa các phi vụ chiến đấu, giúp tích lũy thêm kinh nghiệm bay cho phi công vì số lượng Su-57 đưa vào biên chế đang tiếp tục tăng. Tính đến hết năm 2023, Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS Nga) đã có 12 máy bay loại này và con số đó dự kiến sẽ đạt 20 chiếc vào cuối năm nay.
Kh-69 là loại tên lửa phù hợp với khoang vũ khí bên trong của Su-57 nhưng đắt hơn đáng kể so với những loại tên lửa hành trình cũ hơn, như Kh-59 chẳng hạn.
Hiện sức mạnh không quân Ukraine đã bị suy yếu nghiêm trọng và hệ thống phòng không nước này cũng bị tiêu hao nhiều qua gần 3 năm giao tranh. Do vậy, việc VKS Nga sử dụng tên lửa Kh-59 cũ hơn và rẻ hơn, giúp các đơn vị trang bị máy bay Su-57 duy trì xuất kích nhiều hơn và ít tốn kém.
Ngoài ra, Nga cũng đang tiết kiệm số tên lửa Kh-69 tiên tiến để dành cho các cuộc xung đột tiềm tàng với những đối thủ nguy hiểm hơn, chẳng hạn như các thành viên NATO. Việc mở rộng nhanh chóng của phi đội Su-57 khiến việc tích trữ số tên lửa này cũng trở nên quan trọng.
Không quân Nga đã triển khai chiến đấu cơ Su-57 ở những khu vực có hệ thống phòng không khá mạnh của Ukraine. Đáng chú ý, vào đầu tháng 10, Su-57 đã bắn hạ một UAV hạng nặng S-70 của Nga, loại được chế tạo để song hành với chiếc máy bay chiến đấu tàng hình này, và chiếc UAV đã bị rơi ở khu vực do Ukraine kiểm soát.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, hầu hết hoạt động của chiến đấu cơ Su-57 đều diễn ra ở khu vực an toàn, điều này đảm bảo cho chúng ít đối mặt với các mối đe dọa. Do vậy, việc đánh đổi khả năng tàng hình không phải là vấn đề quá quan trọng.
Tại sao Su-57 không sợ bị phòng không Ukraine bắn hạ?
Truyền thông phương Tây cho rằng, tiêm kích Su-57 không phải chiến đấu cơ tàng hình, nên dễ bị phát hiện, vậy nó có đảm bảo an toàn trước lực lượng phòng không Ukraine? Câu trả lời là không sao, do máy bay thế hệ thứ năm chẳng dễ bị bắn hạ.
Ngay cả trang tin quân sự Military Observer của Mỹ cũng thừa nhận, dù không có khả năng tàng hình hoàn toàn nhưng tiêm kích Su-57 vẫn có thể nhanh chóng tiêu diệt đối phương nhờ khả năng cơ động cao, được trang bị cảm biến và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến cũng như hiệu suất bay tuyệt vời.
Nguyên nhân quan trọng hơn nữa là hiện sức mạnh không quân của Ukraine về cơ bản đã bị tiêu diệt và hỏa lực phòng không của nước này đã bị suy yếu nghiêm trọng. Do vậy, lực lượng không quân chiến thuật Nga vẫn có thể yên tâm hoạt động, đặc biệt là Su-57 thường hoạt động ở rất xa tầm hỏa lực phòng không mà đối phương đang có.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, máy bay thế hệ thứ 5 có thể đạt được khả năng tàng hình ở thời điểm đầu những năm 2000. Tuy nhiên, khả năng này đang bị suy giảm đáng kể, với sự tiến bộ của công nghệ radar và tên lửa phòng không hiện đại.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi khái niệm tàng hình là khó quan sát, nhận diện trước một số bước sóng radar. Công nghệ tàng hình có thể hiệu quả với các băng tần radar sóng ngắn, năng lượng cao, nhưng lại khó đạt được hiệu quả nếu đối mặt với các băng tần radar sóng dài hoặc radar đa phổ.
Do vậy, việc không quân Nga tận dụng công nghệ tàng hình cũng như khả năng cơ động, khối lượng vũ khí mang theo lớn và hệ thống điện tử mạnh mẽ, giúp Su-57 mang lại hiệu quả chiến đấu tối ưu.
Hiện Nga có ưu thế về không quân, nhưng không phải là tuyệt đối, các phi vụ tấn công mặt đất phần lớn đang “trông chờ” vào phi đội Su-34, do vậy việc Su-57 sử dụng chế độ quái thú mang thêm tên lửa và thùng nhiên liệu treo bên ngoài, cũng không phải là vấn đề lớn.
Theo nghiên cứu của Mỹ, hầu hết các hành động của máy bay chiến đấu Nga được thực hiện ở khu vực xa mối đe dọa của phòng không Ukraine, nên việc giảm khả năng tàng hình không phải là vấn đề mang tính chất sống còn.
Quân đội Mỹ cũng sử dụng chế độ quái thú, khi nhiều máy bay chiến đấu F-22 và F-35 mang tên lửa và thùng nhiên liệu bên ngoài. Trong số các nhiệm vụ chiến đấu mà quân đội Mỹ đang thực hiện, hầu như không có mối đe dọa nào và việc chúng có tàng hình hay không, cũng không quá quan trọng.
Nếu đối thủ thiếu khả năng chiếm ưu thế trên không mạnh, họ cũng có thể sử dụng tên lửa không đối đất phóng đạn từ ngoài tầm nhìn để tấn công mục tiêu, sau đó tiếp tục tiếp cận đối phương bằng khả năng tàng hình, như vậy sẽ tăng gấp đôi khả năng hủy diệt.
Máy bay thế hệ thứ năm chỉ là tiêu chuẩn để phân loại trình độ kỹ thuật của máy bay quân sự hiện đại, không có nghĩa là chúng chỉ có thể hoạt động trong điều kiện tàng hình. Việc phát huy hết tính năng kỹ chiến thuật mới là điều quan trọng nhất.
Công nghệ quân sự không ngừng phát triển và không có mẫu số cố định, do vậy trang bị phải thay đổi theo yêu cầu nhiệm vụ nên việc Su-57 của Nga mang theo tên lửa bên ngoài ở chế độ quái thú, cũng không có gì là quá đặc biệt.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/vi-sao-su-57-nga-su-dung-che-do-quai-thu-khi-chien-dau-o-ukraine-20241111124039026.htm