Mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vừa qua một số trang thông tin điện tử nước ngoài đưa tin về đợt dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc, với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus – HMPV).
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Trung Quốc, trong tuần 52 của năm 2024, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như virus cúm, HMPV và RSV đang có xu hướng gia tăng do điều kiện thời tiết mùa đông.
Tuy nhiên, số ca bệnh lây qua đường hô hấp có triệu chứng giống cúm hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, HMPV được nhận định lây lan nhanh, với triệu chứng tương tự như cúm và Covid-19, khiến một số ý kiến bày tỏ sự lo lắng về khả năng thế giới có thể xuất hiện đại dịch mới. Gần đây nhất, Ấn Độ cũng công bố phát hiện 3 ca nhiễm HMPV, đều là các trẻ nhỏ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, HMPV và SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) đều là virus RNA chuỗi đơn. Nhưng HMPV là chuỗi đơn âm còn SARS-CoV-2 là chuỗi đơn dương, nên thuộc 2 ngành sinh vật khác nhau.
Virus chuỗi dương do có khả năng sử dụng RNA của bản thân để tổng hợp cấu trúc virus ngay sau khi xâm nhập vào tế bào, nên có khả năng nhân bản nhanh chóng. Còn các virus chuỗi âm cần phải được chuyển mã thành chuỗi dương thì mới tổng hợp được protein.
Về đặc điểm dịch tễ học, tỷ suất tái tạo căn bản của HMPV là 2, trong khi đó ở SARS-CoV-2 có thể lên đến 5 hay cao hơn đối với biến chủng Delta.
Vì vậy HMPV có mức độ lây lan hạn chế hơn, thường gặp vào cuối mùa đông, còn SARS-CoV-2 có thể xảy ra vào bất cứ mùa nào với mức độ lây lan nhanh tạo thành đại dịch.
HMPV thường gây nên sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như chảy mũi, đau họng, ho, thở ran rít. Trong khi đó, bệnh Covid-19 gây triệu chứng nặng hơn, như sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, các triệu chứng hô hấp như ho có thể diễn tiến nặng thành suy hô hấp gây tử vong.
Từ các lý do kể trên, ông Dũng khẳng định, HMPV có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể Covid 19. HMPV chỉ đáng quan ngại khi xảy ra ở bệnh nhân nhỏ tuổi, người già hoặc người có bệnh nền.
Cũng theo chuyên gia y tế công cộng, virus HMPV không phải là virus mới, đã được phát hiện lưu hành ở nhiều khu vực, ngoài Trung Quốc còn có ở Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, Ấn Độ, Pakistan.
Dù vậy, như đã nói, HMPV không có nhiều khả năng gây bệnh nặng, đồng thời việc phòng ngừa virus này cũng tương tự như với các bệnh lý hô hấp khác như cảm lạnh, cúm.
Đó là rửa tay thường xuyên, đặc biệt là rửa tay với xà phòng hay chất sát khuẩn, hạn chế sờ tay lên mặt, giữ cho không khí ở các phòng ốc và nhà cửa thông thoáng, tránh chỗ đông người, đeo khẩu trang và không nên đứng quá gần với người khác.
Nếu có triệu chứng hô hấp, người bệnh (nhất là người lớn tuổi, người có bệnh nền hay trẻ em) nên ở nhà và đi khám chữa bệnh nếu có nguy cơ bị bệnh nặng
Do đó, người dân không cần quá lo lắng nếu bệnh xuất hiện hay lưu hành ở Việt Nam.
HMPV không phải là virus mới
Ngày 7/1, Sở Y tế TPHCM cho biết, HMPV không phải là virus mới, là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023 và 2024 ở địa phương.
Theo báo cáo từ chương trình nghiên cứu tác nhân viêm phổi cộng đồng, tác nhân gây bệnh là virus và vi khuẩn vẫn chiếm phổ biến.
Các bên hợp tác nghiên cứu gồm Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Viện Pasteur Nha Trang và Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore (thuộc dự án PREPARE).
Cụ thể, kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện tháng 7-12/2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho thấy, HMPV chiếm tỷ lệ nhỏ (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác.
Ngoài ra, trong đợt bùng phát viêm hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TPHCM, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp. Tác nhân HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/virus-gay-viem-phoi-hmpv-gia-tang-o-trung-quoc-co-giong-covid-19-20250107144250712.htm