Sáng 15-12, chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời số thứ 12 với chủ đề: “Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng” đã diễn ra với sự chủ trì của phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Vân.
TP.HCM có bao nhiêu phòng trọ đạt chuẩn?
Trong chương trình, ông Phan Thanh Thọ, cử tri phường Phước Long B, TP Thủ Đức, đã đặt câu hỏi về tình hình các nhà trọ tại TP.HCM hiện nay.
Theo ông Thọ, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất các nhà trọ phải đáp ứng diện tích tối thiểu 4m² sàn/người và các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Ông Thọ thắc mắc hiện nay có bao nhiêu nhà trọ đạt chuẩn và bao nhiêu không, nếu không đạt chuẩn hướng giải quyết như thế nào?
Ông Huỳnh Thanh Khiết – phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết căn cứ trên số liệu khảo sát của sở trong năm 2024, hiện TP.HCM có khoảng gần 60.000 công trình nhà ở riêng lẻ cho thuê với hơn 629.000 phòng cho thuê.
Trong số đó, có khoảng 555.000 phòng (chiếm 88,2%) đáp ứng tiêu chuẩn diện tích sàn tối thiểu 4m²/người, còn lại 74.000 phòng (chiếm 11,8%) không đạt chuẩn. Số phòng không đạt chuẩn này bao gồm khoảng 9.000 phòng là nhà trọ độc lập, và khoảng 65.000 phòng là nhà ở riêng lẻ kết hợp cho thuê trọ.
Hiện tại, khoảng 185.000 người đang thuê các phòng không đạt chuẩn, tập trung chủ yếu tại các quận 7, 12, Tân Phú, TP Thủ Đức.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng đã đề xuất yêu cầu các chủ sở hữu có tiến độ cải tạo, sửa chữa để đạt chuẩn. Đồng thời, không áp dụng các biện pháp tháo dỡ hoặc đóng cửa ngay lập tức để tránh gây xáo trộn cuộc sống dân cư.
Sở cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ như vay ưu đãi, giảm lãi suất, hỗ trợ tiền điện, nước và các chính sách ưu đãi về thuế.
Cưỡng chế vi phạm xây dựng còn khó khăn
Cũng trong chương trình, cử tri Trần Minh Tiến, phường 13, quận 6, đã đặt câu hỏi về tình hình vi phạm xây dựng tại TP.HCM, các giải pháp hiện đại giám sát, kiểm tra và phát hiện các vi phạm xây dựng, cùng với công tác cưỡng chế các công trình vi phạm.
Ông Nguyễn Ngọc Hải – chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết công tác quản lý trật tự xây dựng đã được các cấp chính quyền quan tâm và thực hiện nghiêm túc.
Sau 5 năm triển khai chỉ thị 23, vi phạm trật tự xây dựng đã giảm mạnh, với mức 1,7 vụ/ngày, giảm gần 80% so với trước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục, đặc biệt là thiếu cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp ngừng cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm, dù biện pháp này đã được chứng minh là hiệu quả.
Để tiếp tục cải thiện công tác quản lý, Sở Xây dựng sẽ tổng kết các khó khăn, vướng mắc và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp để sửa đổi các quy định pháp lý cho phù hợp với thực tế.
Sở cũng đã triển khai các phần mềm quản lý cấp phép xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và phản ánh các vi phạm.
Về công tác cưỡng chế vi phạm, ông Hải cho biết dù đã có kế hoạch cụ thể, nhưng công tác cưỡng chế vẫn gặp phải sự thiếu hợp tác từ các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Điều này dẫn đến việc phải sử dụng ngân sách TP.HCM để thực hiện cưỡng chế. Sở Xây dựng cũng phối hợp với Sở Tài chính để bố trí kinh phí và hỗ trợ các quận, huyện trong việc lập phương án phá dỡ công trình vi phạm.
Xây công trình tạm, mái tôn che mưa nắng có phải xin giấy phép?
Cử tri Nguyễn Kế Thiện phản ánh rằng nhiều hộ dân có nhu cầu xây dựng các hạng mục nhẹ như mái che bằng cột sắt, mái tôn nối với nhà hiện hữu để che mưa nắng trong khuôn viên gia đình, không lấn chiếm lộ giới nhưng vẫn phải xin phép xây dựng và bị xử phạt nếu không có giấy phép.
Cử tri đề nghị chính quyền quận xem xét miễn giấy phép và không xử phạt đối với những trường hợp như vậy.
Ông Nguyễn Minh Chánh – phó chủ tịch UBND quận 12 – giải thích rằng theo Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, công trình xây dựng là sản phẩm được tạo ra từ thiết kế, vật liệu và thiết bị liên kết dưới mặt đất, có thể bao gồm cả phần dưới đất, trên mặt đất và dưới, trên mặt nước.
Theo quy định của luật, tất cả các công trình xây dựng phải có giấy phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ một số trường hợp đặc biệt được miễn giấy phép.
Các hạng mục như mái tôn cột sắt, mặc dù không lấn chiếm lộ giới, nhưng lại ảnh hưởng đến mật độ sử dụng đất, các chỉ tiêu kiến trúc, an toàn chịu lực, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Vì vậy, việc xây dựng này vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, và nếu không có giấy phép, công trình sẽ bị xử phạt.
Nguồn: https://tuoitre.vn/185-000-nguoi-dang-thue-phong-tro-o-tp-hcm-khong-du-dien-tich-toi-thieu-so-xay-dung-noi-gi-20241215102349802.htm