Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
HomeSức KhỏeCác phương pháp giảm đau khi chuyển dạ

Các phương pháp giảm đau khi chuyển dạ

Hít thở sâu, massage nhẹ nhàng, dùng thuốc gây tê giúp thai phụ giảm đau khi chuyển dạ, vượt cạn nhẹ nhàng và mau hồi phục sức khỏe.

Khi chuyển dạ, tử cung co thắt từng cơn, áp lực của đầu thai nhi đè lên cổ tử cung, bàng quang, ruột của thai phụ gây đau. Bác sĩ Dương Việt Bắc, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cơn đau chuyển dạ được ví như “gãy 20 chiếc xương sườn cùng lúc”, tần suất và mức độ tăng dần. Dưới đây là một số phương pháp giảm đau mà thai phụ có thể tham khảo.

Giảm đau bằng phương pháp tự nhiên

Thai phụ giảm đau bằng các kỹ thuật thư giãn và hỗ trợ tâm lý như nghe nhạc nhẹ nhàng để phân tán sự chú ý vào cơn đau. Thả lỏng người, luôn giữ miệng, cằm được thoải mái, tập trung hít vào thật sâu bằng mũi và thở ra chậm rãi bằng miệng.

Massage nhẹ nhàng ở lưng, chân tay cũng là cách giảm căng thẳng. Thai phụ có thể tắm nước ấm để thư giãn cơ thể, giảm cảm giác đau nhức. Thay đổi tư thế thường xuyên như đứng, quỳ, ngồi trên bóng tập yoga, dựa lưng vào tường… hoặc di chuyển, vận động nhẹ nhàng có tác dụng giảm áp lực, giúp quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng. Sự hỗ trợ, an ủi, động viên của người thân cũng là liệu pháp tinh thần giúp thai phụ vượt qua cơn đau tự nhiên.

Sử dụng thuốc

Trường hợp cơn đau đẻ kéo dài, vượt quá sự chịu đựng của người mẹ, bác sĩ có thể cân nhắc giảm đau bằng thuốc. Bác sĩ Bắc cho hay một số thuốc giảm đau có tác dụng trên toàn bộ cơ thể, gọi là nhóm thuốc giảm đau trung ương, được tiêm bắp hoặc đường tĩnh mạch. Cơn đau có thể không hoàn toàn biến mất, có nguy cơ gây ra tác dụng phụ như buồn nôn ở mẹ, ức chế hô hấp ở bé sơ sinh nên ít được khuyên dùng.

Một số loại thuốc khác có thể làm giảm cơn đau nhờ khả năng làm tê vùng dưới thắt lưng bao gồm:

Gây tê tại chỗ giúp giảm đau khi sinh thường. Bác sĩ tiêm thuốc tê vào vùng âm đạo để ngừa cơn đau do rặn đẻ hoặc khi thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn.

Gây tê ngoài màng cứng hiện là kỹ thuật giảm đau hiệu quả, phổ biến nhất cho thai phụ và thai nhi đối với trường hợp sinh thường hay sinh mổ. Thuốc tê được tiêm vào khoang ngoài màng cứng nằm ở phần ngang thắt lưng qua một ống thông nhỏ. Ống thông này được lưu lại để dẫn lưu thuốc tê có nồng độ thấp trong suốt quá trình chuyển dạ, nhờ đó giảm đau nhanh chóng, sau khoảng 10-20 phút tiêm thuốc. Khi chuyển dạ, thai phụ có thể tự kiểm soát việc dùng thuốc tê nhiều lần qua máy bơm tiêm điện.

Bác sĩ gây tê ngoài màng cứng giảm đau cho một thai phụ trước khi sinh thường. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ gây tê ngoài màng cứng giảm đau cho một thai phụ trước khi sinh thường. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Gây tê tủy sống là phương pháp giảm đau nhanh, thường được áp dụng khi sinh mổ. Thủ thuật đưa thuốc tê vào khoang dưới màng nhện hay dưới màng cứng qua một cây kim mảnh. Thuốc tê hòa chung vào dịch não tủy, tác dụng vào các rễ thần kinh, có tác dụng trong 2-3 giờ.

Gây tê kết hợp tủy sống – ngoài màng cứng (CSE) thường được áp dụng trong trường hợp thời gian sinh mổ kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, thuốc gây tê tủy sống hết tác dụng. Nhờ cách này, cuộc mổ không bị gián đoạn, người mẹ được giảm liều dùng thuốc tê, tránh nguy cơ tai biến và tác dụng phụ của thuốc, tác dụng giảm đau được kéo dài cả trong và sau mổ.

Theo bác sĩ Bắc, phương pháp giảm đau khi sinh bằng thuốc gây tê có thể gặp một số tác dụng phụ như tụt huyết áp, buồn nôn, đau lưng, nhiễm trùng… Thuốc cũng chống chỉ định cho người bị nhiễm trùng tại vị trí tiêm, rối loạn đông máu, bệnh tim, gan nặng, bệnh cột sống như sốt bại liệt, biến dạng, gù vẹo hoặc dị tật cột sống, thiếu máu nặng…

Gây mê bắt buộc chỉ định trong những trường hợp cấp cứu mổ lấy thai. Người bị dị ứng thuốc gây tê, nhiễm khuẩn vùng chọc kim gây tê, rối loạn đông máu, mắc một số bệnh lý thai sản (rau tiền đạo trung tâm, sản giật…), suy thai cấp, rau bong non.

Sử dụng khí gây tê

Đây là hỗn hợp khí nito oxit (còn gọi là khí cười) và khí oxy được trộn theo tỷ lệ 1:1. Khí được cung cấp qua một mặt nạ hoặc ống dẫn qua đường miệng, gây tê nhanh sau một vài giây. Cách này có thể làm giảm mức độ của các cơn co thắt mà không tồn lưu trong cơ thể của cả mẹ và con. Tuy nhiên thai phụ có thể cảm thấy choáng váng, buồn nôn, buồn ngủ hoặc không thể tập trung.

Bác sĩ Bắc khuyến cáo thai phụ nên duy trì tập yoga trước sinh để có sức khỏe dẻo dai, tinh thần thoải mái và nhập cuộc sinh thuận lợi. Để giảm đau an toàn, phụ nữ nên trau dồi kiến thức sản khoa qua các lớp học tiền sản để hiểu chi tiết về quá trình sinh nở như các dấu hiệu chuyển dạ. Tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn phương pháp giảm đau phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: https://vnexpress.net/cac-phuong-phap-giam-dau-khi-chuyen-da-4837668.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay