Mấy hôm nay, câu chuyện mức phạt hành chính đối với vi phạm giao thông tăng mạnh, trong đó có những lỗi sẽ bị xử phạt gấp hàng chục lần so với trước đây, được đưa tin và bàn luận sôi nổi trên báo chí cũng như mạng xã hội.
Nhiều người quan tâm đến việc tài xế xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt 4-6 triệu đồng (mức cũ là 800.000-1 triệu đồng). Trường hợp tài xế ôtô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, có thể bị phạt 18-20 triệu đồng (mức phạt cũ là 4-6 triệu đồng).
Vì sao mọi người lại quan tâm đến chủ đề trên? Tôi nghĩ đơn giản vì ai cũng phải ra đường, và lâu nay ai cũng phàn nàn về chuyện tắc đường (chỗ nào cũng tắc, giờ nào cũng tắc). Các lực lượng chức năng thì oằn mình điều tiết, nhưng cứ “sểnh” ra là người ta vượt đèn đỏ; không có bóng cảnh sát là vỉa hè tràn ngập xe máy.
Tình trạng giao thông hỗn loạn trở thành “đặc sản” của giao thông Việt Nam, nhất là ở những thành phố lớn. Mọi người chỉ biết kêu ca trách cứ, mà không nghĩ rằng một lúc nào đó chính mình cũng vi phạm vì sợ “thiệt thòi”, chậm hơn người khác.
Hậu quả thì cả làng, cả nước phải chịu. Không chỉ là chuyện tắc đường, khói bụi mà đã không ít tai nạn thương tâm xảy ra với người lương thiện vì những hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, vượt đèn đỏ, để lại những đau thương không gì bù đắp được và cả sự phẫn nộ của cộng đồng. Tình trạng đó là không thể tiếp diễn và Nghị định 168 có hiệu lực đã phát huy tác dụng ngay từ những ngày đầu năm mới.
Phải nói thẳng thắn rằng, lâu nay, dường như việc tuyên truyền chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông chưa phát huy nhiều tác dụng, nhất là với những thế hệ đã có thói quen “luồn lách”. Ở đây ít nhiều có cả sự xem nhẹ luật pháp khi việc xử phạt còn tỏ ra chưa đủ sức răn đe.
Nghị định 168 với mức xử phạt tăng lên gấp nhiều lần cho những nhóm hành vi với lỗi cố ý, nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Theo tôi, đây là một “gáo nước lạnh” cần thiết làm choàng tỉnh những ai có thói quen và có hành vi cố ý vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Thực sự là như vậy. Những hình ảnh về trật tự giao thông được lập lại trong mấy ngày qua đã mang lại cho mọi người cảm giác nhẹ nhõm, an tâm hơn rất nhiều khi ra đường. “Thuốc đắng dã tật”, chỉ trong hai ngày số tiền xử phạt vi phạm giao thông theo quy định mới đã lên đến vài chục tỷ đồng trên toàn quốc, cho thấy mức độ vi phạm cũng như sự nghiêm khắc của lực lượng chức năng. Có cô nữ sinh mếu máo khi nghe mức tiền phạt vì thói quen lao xe lên vỉa hè. Có người khẳng định sẽ không bao giờ tái phạm sau khi phải nộp một số tiền không hề nhỏ bởi hành vi vi phạm của mình. Không phải lời hứa gió bay với anh cảnh sát giao thông, mà là với chính ví tiền do công sức lao động bỏ ra, đã bỗng chốc tiêu tan chỉ vì thói quen xấu. “Pháp luật bất vị thân” nhưng pháp luật cũng không thể vô tình khi những người đi bộ trên vỉa hè còn phải “đánh võng” tránh xe máy, thậm chí đôi khi còn bị chính người ngồi trên xe mắng nhiếc.
Pháp luật cũng không thể dung thứ cho những kẻ gây ra tai nạn oan nghiệt cho người đã dừng lại trước đèn đỏ, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Trừng phạt là để răn đe, trừng phạt là để bảo vệ.
Điều đáng mừng là quy định về mức phạt mới đã được dư luận ủng hộ, mặc dù biết rằng việc thực hiện đầy đủ là không hề dễ dàng. Thói quen như một người bạn xấu khó bỏ, càng khó hơn là việc xây dựng và duy trì một thói quen tốt đẹp. Đó là điều đương nhiên nhưng đã đến lúc cần phải làm và phải làm cho bằng được. Cũng như việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hay mới đây là chuyện không uống rượu bia khi lái xe. Lúc ban đầu cũng ý kiến vào ra khó khăn lắm chứ, nhưng dần dần đã hình thành thói quen tốt, và dường như đã trở thành ứng xử văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông.
Chúng ta đều hiểu rằng, trật tự, an toàn giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông, năng lực quản lý và chính người tham gia giao thông, trong đó con người luôn là yếu tố trung tâm, có tính chất quyết định. Cùng với các biện pháp tuyên truyền giáo dục mọi nơi, mọi lúc với hình thức phù hợp với mỗi đối tượng, việc thực thi pháp luật trật tự, an toàn giao thông, trong đó có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc sẽ dần dần hình thành ý thức chấp hành một cách tự giác, trở thành sự “tự kiểm soát” của mỗi người.
Đó là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ với nhiều biện pháp, giải pháp tổng hợp. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển thì chúng ta lại càng có điều kiện thực hiện tốt điều này. Nhờ có công nghệ, phạt nguội trở thành công cụ để giảm thiểu những điểm nóng giao thông. Với sự trợ giúp của công nghệ, pháp luật công bằng và nghiêm khắc hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc chứ không chỉ qua bóng dáng của những người thừa hành công vụ. Công nghệ cho phép xử lý những tài xế vi phạm mà không thể chối cãi, và cũng không để người dân thiện lành bị thiệt thòi oan sai.
Kể từ khi áp dụng biện pháp phạt nguội đối với ôtô, dường như các tay lái cũng cẩn trọng trước sau nhiều hơn. Điều này cần được phát huy đối với mọi phương tiện trong thời gian tới. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin để cho cả hệ thống vận hành trơn tru hơn, từ chuyện ghi nhận hành vi vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt và nộp tiền phạt… một cách thuận tiện, hợp lý và nhanh chóng nhất.
Giao thông là huyết mạch của cuộc sống. Trật tự, an toàn và thông suốt của hệ thống giao thông có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến cuộc sống của mọi người, mọi nhà, đến nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế – xã hội.
Đất nước đã bước sang năm mới đầy quyết tâm và khí thế của kỷ nguyên chuyển mình. Thành công không chỉ đến từ những quyết sách lớn lao, đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà còn cần sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của mỗi người dân, trong từng cung cách hành xử thường nhật, hướng tới một xã hội văn minh và hạnh phúc.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 34 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/vuot-den-do-co-the-bi-phat-toi-20-trieu-dong-thuoc-dang-da-tat-20250103214739325.htm