“Chúng tôi đang phối hợp các nỗ lực quốc tế, và hôm nay, chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp, chủ yếu liên quan đến Mỹ và các đối tác châu Âu của chúng tôi. Hòa bình thông qua sức mạnh là điều có thể đạt được và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều này. Chìa khóa là duy trì động lực và gây áp lực lên Nga”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trong bài phát biểu hôm 23/1.
Tổng thống Zelensky cáo buộc Nga đang tìm cách kéo dài cuộc xung đột và kiểm soát lãnh thổ Ukraine.
“Các nguồn năng lượng, và đặc biệt là dầu mỏ, là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để đạt được hòa bình và an ninh thực sự”, ông Zelensky nói thêm.
Theo Tổng thống Ukraine, châu Âu cần hợp tác nhiều hơn với Mỹ và các đối tác khác trên thế giới về năng lượng, thay vì hợp tác với Nga.
Tuyên bố của Tổng thống Zelensky được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như bắt đầu gây sức ép với Nga bằng một loạt cảnh báo.
Trong bài phát biểu trực tuyến trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos ngày 23/1, ông Trump công bố ý định đề nghị Ả Rập Xê Út và Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm giá dầu để nhanh chóng chấm dứt chiến sự Ukraine.
“Nếu giá giảm, chiến tranh Nga – Ukraine sẽ kết thúc ngay lập tức. Hiện tại, giá vẫn cao”, ông nói.
Theo ông, điều này lẽ ra nên thực hiện từ lâu và “Ả Rập Xê Út cũng như OPEC có một phần trách nhiệm về những gì đang diễn ra ở Ukraine”.
Xuất khẩu dầu khí vẫn là một trong những nguồn thu chính cho ngân sách Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.
Nhà phân tích chính trị Faisal Alshammeri nói với hãng tin Sputnik rằng việc tác động vào giá dầu không chỉ ảnh hưởng đến Nga mà còn đến tất cả các quốc gia sản xuất dầu trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, do thị trường dầu mỏ toàn cầu “liên kết chặt chẽ” với nhau.
Theo chuyên gia Alshammeri, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ “phát triển mạnh nhờ sự cân bằng về giá cả” và giá trị của một thùng dầu giảm mạnh có thể “làm suy yếu các nhà sản xuất trong nước, dẫn đến tình trạng sa thải và giảm đầu tư”.
Việc ép giá dầu xuống có thể “thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, giảm áp lực lạm phát và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp” tại Mỹ, nhưng cũng mang lại “rủi ro đáng kể” cho nền kinh tế Mỹ.
Do đó, chuyên gia Alshammeri cho rằng, niềm tin của Tổng thống Trump về việc “tận dụng giá dầu thấp hơn có thể gây áp lực kinh tế khiến Nga phải xem xét lại chính sách đối ngoại của mình” là một sai lầm lớn.
Vào ngày 10/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt “toàn diện” nhằm vào Nga, được thực hiện phối hợp với Anh.
Các biện pháp này nhắm vào hai nhà sản xuất dầu lớn là Gazprom Neft và Surgutneftegaz, cùng với các công ty con và những tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển. Hơn 180 tàu được cho là đã được sử dụng để vận chuyển dầu của Nga, bất chấp các hạn chế từ phương Tây, mà Mỹ gọi là “hạm đội bóng tối”, cũng bị áp đặt trừng phạt.
Đây được xem là gói trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay của Mỹ nhắm vào doanh thu từ dầu khí của Nga nhằm gia tăng áp lực vào thời điểm Moscow đang đạt được đà tiến khả quan trên chiến trường.
John Kirby, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Truyền thông Chiến lược tại Nhà Trắng, nhận định các lệnh trừng phạt mới đang gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế Nga, điều này sẽ ngày càng buộc giới lãnh đạo Nga phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.
Cựu Tổng thống Joe Biden cảnh báo các lệnh trừng phạt mới nhất của Washington nhằm vào ngành dầu khí của Nga có thể làm giá xăng tại Mỹ gia tăng. Tuy nhiên, ông cho rằng “những hạn chế này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga”, đồng thời cản trở khả năng tài trợ cho các hoạt động quân sự của Moscow.
Nga đã bác bỏ các biện pháp cấm vận trước đó của Mỹ, gọi chúng là “bất hợp pháp”. Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã vượt qua những thách thức do các lệnh trừng phạt gây ra, đồng thời cho rằng chúng đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/danh-vao-gia-dau-ong-trump-se-buoc-nga-cham-dut-xung-dot-20250124064706361.htm