Sáng 23.1, trên các nẻo đường ở TP.HCM, người người nhộn nhịp đi lại mua sắm hay về quê. Trong khi đó, trước cổng Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, xe cứu thương chuyển bệnh xếp hàng dài. Người bệnh được đưa xuống trên các băng ca và nhanh chóng được làm thủ tục nhập viện. Khoa Cấp cứu BV được ví như nơi “đầu sóng ngọn gió”, nơi các y bác sĩ (BS) không có khái niệm “nghỉ tết”.
“Mẹ gọi bảo tết năm nào cũng thấy thiêu thiếu gì đó”
Như thường ngày, BS Huỳnh Thị Nhung, Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy vào ca. Hết thăm khám bệnh nhân, chị quay qua đọc phim ảnh, xem bệnh án của kíp trực trước bàn giao lại, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, ra y lệnh. 13 năm làm cấp cứu, chưa năm nào chị về quê Quảng Ngãi đoàn viên cùng cha mẹ. Năm nay cũng vậy, BS Nhung trực đêm 27 tháng chạp và mùng 1 tết.
“Khi còn trẻ, những năm đầu tiên đi làm, trực tết ở cấp cứu, nhưng thấy nhiều người ngoài kia ai cũng về quê, cũng đi chơi, điều đó làm mình có cảm giác hụt hẫng. Những lúc trực giao thừa, mẹ ở nhà gọi điện vào nói không có cái tết nào trọn vẹn, thấy thiêu thiếu gì đó. Nhưng dần dà, cảm xúc ăn tết ở BV quen dần”, BS Nhung chia sẻ và nói thêm đây không chỉ là công việc mà còn là nhiệm vụ mình đã chọn và thấy đúng đắn.
Ở khoa cấp cứu, ai cũng trực và không về quê nên mọi người tự tạo niềm vui cho nhau bằng việc chụp hình kỷ niệm, rồi sau đó kể cho nhau nghe tết quê ngày xưa. BS Nhung nói sau tết năm nay sẽ về thăm quê chồng ở Đắk Lắk và đến mùa hè mới thu xếp được thời gian để về quê của mình.
Ngồi ở một góc phòng trực, chị Trần Thị Thanh, điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, đang xem lại lịch phân công công tác. Chị cho biết lịch trực tết năm nay đã được xếp từ 1 tháng trước. Chị nói, 24 năm công tác tại khoa cấp cứu, chị chưa có năm nào nghỉ tết rời khỏi TP.HCM.
“Hồi chưa đi làm thì năm nào tôi cũng đón giao thừa và ăn tết với gia đình. Nhưng từ năm 2001, tôi vào Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, 1 – 2 năm đầu trực tết thì rất buồn. Nhưng đã chọn nghề y rồi thì phải hy sinh chuyện cá nhân của mình”, chị Thanh chia sẻ và cho biết thêm may mắn là chồng chị cũng làm trong BV, cũng đi trực và chia sẻ với công việc đi trực của vợ. Còn con chị cũng quen với việc mẹ đi trực đêm, trực tết. Theo chị Thành, điều an ủi của các y BS trực tết là vào đêm giao thừa, giám đốc BV luôn vào chúc tết, lì xì, động viên. Sau tết, BV sắp xếp cho các y BS được nghỉ ngơi.
Gia đình thứ hai
BS CK2 Trầm Minh Toàn, Phó khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, thâm niên đã 21 năm làm công việc cấp cứu người bệnh. “Thời sinh viên, cứ trông tới ngày tết là tranh thủ về quê ở Cà Mau với gia đình. Nhưng từ khi dấn thân vào nghề y thì tôi không về quê ăn tết được vì thời gian nghỉ tối đa giãn tua trực là từ 12 – 36 tiếng, rồi lại vào trực. Hồi còn trẻ thì cảm thấy hơi buồn khi trực tết, nhưng riết rồi quen”, BS Toàn nói. Theo BS Toàn, làm BS cấp cứu thì chấp nhận không có ngày lễ tết cho riêng mình. Và khoa cấp cứu cũng không phải là nơi nhiều BS chọn gắn bó cả đời. Hiện nay, các tua trực ở Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy làm 8 tiếng, chỉ nghỉ 24 tiếng rồi vào trực tiếp. Lúc ra trực thì y BS cũng chỉ ở TP.HCM không đi đâu được, nhất là lễ tết.
“Tâm lý của người dân là đêm giao thừa, mùng 1 tết, họ không muốn vào BV, bệnh nhẹ thì sẽ uống thuốc để ở nhà. Lúc này các y BS cũng tranh thủ, chuẩn bị một ít đồ ăn để đón giao thừa ở BV. BV như gia đình thứ hai của mình, êm ấm, đó cũng là niềm vui. Điều đó cũng cho thấy các y BS có đồng đội, có gia đình tại nơi làm việc, nhất là những ngày tết xa quê hương”, BS Toàn tâm sự.
Xa gia đình và chứng kiến những ca bệnh thương tâm trong những ngày trực tết, BS Nhung, BS Toàn và các đồng nghiệp luôn cố gắng hết sức để cứu bệnh nhân, nhưng có ca bệnh quá nặng thì họ cũng đành bất lực. Vì vậy, các BS khuyến cáo mọi người đi lại an toàn và tuân thủ điều trị các bệnh mạn tính để có một mùa tết an toàn, trọn vẹn.
Phòng ngừa bệnh dại dịp tết
Các BS cũng khuyến cáo, dịp tết nếu không may bị chó cắn thì nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại. Tại TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM tiêm phòng vào các buổi sáng suốt kỳ nghỉ tết; còn BV Bệnh nhiệt đới tiêm xuyên suốt 24/7.
Sẵn sàng cấp cứu, không được từ chối bệnh nhân
Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn gửi các cơ sở y tế trực thuộc trên địa bàn chỉ đạo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, cơ sở y tế tự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trường hợp tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, BV phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển viện để đảm bảo an toàn người bệnh.
Các cơ sở y tế hỗ trợ các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ Tết Nguyên đán. Tập trung nguồn lực, chủ động ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch trong BV. Thăm hỏi, chúc tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.
Sở giao Trung tâm cấp cứu 115 làm đầu mối triển khai, điều hành, đảm bảo công tác y tế trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động lễ hội, tết. Trung tâm kiểm soát bệnh tật làm đầu mối triển khai, điều hành, đảm bảo phòng chống dịch.
Trung tâm cấp cứu 115 cũng đảm bảo cùng một thời điểm, có thể xuất 7 xe cứu thương đi làm nhiệm vụ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-truc-xuyen-tet-185250123213109457.htm