Không khí lạnh, độ ẩm cao khi trời nồm ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus sinh sôi, tăng nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết lưu ý mọi người một số bệnh lý hoặc vấn đề tiêu hóa thường gặp dưới đây khi trời nồm ẩm.
Ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nồm ẩm kéo dài khiến vi khuẩn như Salmonella, E.coli… dễ phát triển trong thực phẩm như trứng, các loại thịt. Các chất gây nhiễm khuẩn thường phát sinh do thực phẩm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm gồm đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn gây nôn ói, kiệt sức, mất nước. Mất nước do tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến sốc, nhất là ở người già và trẻ nhỏ. Một số vi khuẩn gây ngộ độc có thể tạo ra độc tố mạnh làm tổn thương các cơ quan nội tạng gây suy thận hoặc viêm gan cấp tính.
Rối loạn tiêu hóa
Ngũ cốc, các loại hạt, gia vị, sản phẩm nông nghiệp… có nguy cơ cao nhiễm nấm mốc nếu không được bảo quản đúng cách. Các loại nấm mốc như aspergillus, penicillium, fusarium phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Một số loại sản sinh ra mycotoxin – hợp chất độc hại có khả năng gây tổn thương trực tiếp niêm mạc đường tiêu hóa, kích thích phản ứng viêm, làm thay đổi cấu trúc tế bào, dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Biểu hiện dễ nhận biết như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, co thắt ruột, giảm hấp thu chất dinh dưỡng… Ăn nhiều và trong thời gian dài thực phẩm chứa mycotoxin có thể khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, giảm chức năng gan gây xơ gan, suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa.
Để giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa do nhiễm nấm mốc và mycotoxin, bác sĩ Khanh khuyên lưu trữ thực phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, kiểm soát độ ẩm. Sử dụng các thiết bị hút ẩm, điều hòa không khí để giảm độ ẩm khi trời nồm. Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra thực phẩm và cần loại bỏ nếu có dấu hiệu mốc.
Bác sĩ Khanh tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Đầy hơi, táo bón
Thời tiết nồm ẩm thường khiến nhiều người có cảm giác uể oải, mệt mỏi, lười vận động. Ít hoạt động thể chất có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi, táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa nhẹ.
Người lớn có xu hướng ít uống nước hơn trong ngày nồm ẩm, thời tiết lạnh. Không uống đủ nước dễ làm mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hoạt động của ruột, tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích, hạn chế hấp thụ dinh dưỡng.
Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Khanh khuyến cáo mỗi người cần vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, nấu chín thực phẩm và bảo quản đúng cách, sử dụng nước sạch, đun sôi hoặc dùng nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Khi có các triệu chứng nghi ngờ vấn đề ở đường tiêu hóa, người bệnh nên khám ở các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/cac-benh-tieu-hoa-de-gap-khi-nom-am-4853347.html